Nhân Ngày môi trường thế giới (5.6): Cho môi trường sạch hơn

BÍCH HẠNH 04/06/2014 10:12

Từ khu vực nông thôn đến thành thị ở Quảng Nam, những hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp càng trở nên thiết thực hơn.

Sạch từ nhà ra phố

Gần 4 năm nay, ở khu vực bãi tắm Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), từ sáng sớm hay về đêm đã có 4 công nhân tham gia dọn vệ sinh rác thải. Vào ngày hè, dòng người tấp nập đổ về bãi tắm, các cơ sở kinh doanh cố định lẫn lưu động sát bãi tắm đã mọc lên nhiều để đáp ứng nhu cầu vui chơi, ăn uống của người dân. Vì thế, mỗi ngày khu vực bãi tắm xả ra lượng rác thải rất lớn. Không để rác thải tồn đọng, chính quyền địa phương đã bố trí công nhân làm việc 2 ca trong ngày, đêm. Chủ tịch UBND xã Tam Thanh - ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sáng khoảng 4 giờ và sau 21 giờ đêm, có 4 lao động trực tiếp dọn vệ sinh khu vực bãi tắm. Từ nguồn ngân sách thành phố, tiền đóng phí vệ sinh từ các hộ kinh doanh sẽ chi trả công cho công nhân môi trường. “Nhờ có đội ngũ giữ vệ sinh môi trường nên lâu nay khu vực bãi tắm đã không còn tình trạng rác thải nhếch nhác, làm mất cảnh quan nơi công cộng” – ông Lâm nói.

Đoàn viên thanh niên đi xe đạp hưởng ứng Ngày môi trường thế giới.Ảnh: B.HẠNH
Đoàn viên thanh niên đi xe đạp hưởng ứng Ngày môi trường thế giới.Ảnh: B.HẠNH

Ở các điểm dân cư ở nội thị Tam Kỳ, nhiều mô hình hay như “Tổ dân phố không rác”, “Tuyến đường văn minh, sạch đẹp”… cũng được triển khai. Các hộ dân chỉ thực hiện như ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không để tồn đọng rác trước cửa nhà, gốc cây vỉa hè, hẻm; mỗi ngày chỉ đem rác ra một lần và ký hợp đồng thu gom rác với đơn vị trung chuyển rác thải; các hộ kinh doanh buôn bán ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ hình thức “sạch nhà”, các tổ dân phố, khu dân cư tiến tới “sạch phố”. Ngoài việc phát động các mô hình hay, cách làm mới nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường sống, năm 2014, TP.Tam Kỳ còn triển khai đầu tư đồng bộ hạ tầng, giải quyết áp lực gây ô nhiễm môi trường cho đô thị. Cuối tháng 5, hệ thống thu gom, xử lý nước thải toàn thành phố hơn 200 tỷ đồng sẽ khởi công tại phường Hòa Hương vừa góp phần “trị thủy”, thoát lũ phù hợp cho đô thị Tam Kỳ, đồng thời xử lý triệt để nước thải sinh hoạt.

Các xã điểm triển khai về mô hình rác thải từ năm 2013 đến nay đã tạo hiệu ứng tích cực cho các địa phương khác làm theo. Ngoài 5 xã, thị trấn triển khai thí điểm gồm thị trấn Ái Nghĩa, Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), các xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành), Tiên Phong (huyện Tiên Phước) và Phú Thọ (huyện Quế Sơn), năm 2014 này toàn tỉnh sẽ có 60 xã thực hiện. Một số nơi còn đưa việc hoàn thành nghĩa vụ đóng phí rác thải để bình xét gia đình văn hóa, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các thủ tục hồ sơ giấy tờ liên quan. Theo đánh giá của hầu hết địa phương triển khai điểm “mô hình rác thải”, chuyển biến rõ nhất là nhận thức của nhân dân đã thay đổi, tạo ra các con đường làng ở vùng nông thôn xanh - sạch - đẹp; xóa được các “điểm nóng” về ô nhiễm rác thải, nhất là khu vực giáp ranh.

Giảm thiểu ô nhiễm

UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 22 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về nước thải và hướng dẫn các biện pháp xử lý. Qua giám sát, kiểm tra thời điểm này, đã đưa ra khỏi danh sách gây ô nhiễm 14 cơ sở, 8 cơ sở còn lại đang tiến hành triển khai công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

“Làn sóng” thu hút bằng mọi giá các dự án đầu tư một thời đã phát sinh hệ lụy ô nhiễm môi trường nặng. Nhận thấy không thể theo đuổi con đường phát triển bền vững nếu chậm xử lý môi trường, thời gian qua, các ngành hữu quan, chính quyền các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Trước hết là ưu tiên xây dựng, quản lý chất thải rắn thông thường. Giai đoạn 2011 - 2020, 28 khu xử lý rác thải rộng gần 200ha và 80 trạm trung chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh sẽ xem xét đầu tư, đủ sức đáp ứng hiện trạng rác thải thông thường trung và dài hạn. Trong khi đó, đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thu gom và phân loại chất thải nguy hại tại cơ sở. Theo thống kê, thời điểm này có 20/25 bệnh viện, trung tâm y tế tại các huyện, thành phố đều ký hợp đồng, vận chuyển rác thải với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Quảng Nam.
Hệ thống xử lý rác thải đưa vào sử dụng đồng bộ đáng chú ý nhất là Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam – Điện Ngọc và KCN Bắc Chu Lai. Trong đó, KCN Điện Nam – Điện Ngọc với công suất xử lý 5.000m3/ngày đêm, đã xây dựng 100% hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải riêng biệt. Các KCN còn lại như KCN và hậu cần cảng Tam Hiệp, KCN Cơ khí – ô tô Trường Hải Chu Lai, KCN Thuận Yên và Đông Quế Sơn hiện đang lập thủ tục hồ sơ. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – môi trường), lộ trình đến năm 2015, hơn 95% chất thải rắn sẽ được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo; 50% tổng lượng chất thải phát sinh tại các đô thị và KCN sẽ được xử lý. “Từ nay đến năm 2015, chúng tôi sẽ kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường trong tất cả lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm cao như công nghiệp hóa chất, dệt, nhuộm, giày da, giấy, chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản, các “điểm nóng” tại các dòng sông chảy qua khu vực đô thị…” – bà Hạnh khẳng định.

BÍCH HẠNH

BÍCH HẠNH