Xây dựng vùng duyên hải miền Trung thành khu vực năng động
Hôm qua 3.6, tại Hội An, Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức diễn đàn “Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung” với sự tham dự của các chuyên gia tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền, sở ban ngành liên quan của 9 tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn.
Thông qua các chủ đề như “Phát triển bền vững khu vực miền Trung: Cơ hội và thách thức”; “Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, “Phát triển bền vững nguồn nước gắn với phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực duyên hải miền Trung”, các nhà hoạch định chính sách, chính quyền và doanh nghiệp đã trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm huy động nguồn lực, tìm kiếm cơ hội phát huy lợi thế vùng thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong khu vực. Quan trọng nhất là sự định hướng phát triển bền vững bắt đầu từ quy hoạch và sự đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế biển. Diễn đàn hướng đến việc xây dựng vùng duyên hải miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động, nhanh và bền vững. Đây là một đầu cầu quan trọng của cả nước trong giao lưu hợp tác quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Đồng thời hạn chế ảnh hưởng của thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vùng duyên hải miền Trung vẫn là khu vực kinh tế kém phát triển, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu và thiếu đồng bộ, lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đời sống nhân dân khó khăn. Phó Thủ tướng mong muốn và kêu gọi các đối tác phát triển, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ những địa phương trong vùng bằng một số hình thức như hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và tăng cường năng lực thể chế, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực.
Diễn đàn đã thống nhất ra “Tuyên bố chung Hội An”, khởi động cho định hướng phát triển bền vững cũng như sự cam kết của Chính phủ về môi trường pháp lý cho khu vực này. Các bên sẽ cùng nghiên cứu, thành lập cơ chế phối hợp vùng trong phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và quản lý rủi ro thiên tai. Theo đó, lập dự án xây dựng một số tuyến đường ngang ưu tiên, có tính chiến lược giải quyết đảm bảo sự kết nối liên tục khi có tình huống thiên tai; rà soát những đoạn tuyến đường ven biển tại các tỉnh cần nâng cấp, thông tuyến phục vụ kết nối giữa các khu, trung tâm kinh tế và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời xây dựng, thống nhất cơ chế khai thác, chia sẻ tài nguyên nước, xây dựng quy trình, hệ thống thông tin về vận hành các hồ, đập thủy điện; xác định và lập chương trình cải tạo, nâng cấp một số hồ đập trọng yếu có nguy cơ mất an toàn cao; phát triển và bảo vệ rừng đầu nguồn các lưu vực sông. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xác định những hành động chung khi thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; xây dựng khu neo đậu, giảm tải cho các khu neo đậu hiện tại; thực hiện chia sẻ, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai. Mặt khác, phối hợp giám sát và đánh giá việc thực hiện các chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Các hành động này đều nằm dưới sự quan tâm, điều phối và hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan trung ương, cộng đồng phát triển và 9 tỉnh, thành phố cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của từng địa phương và khu vực.
T.D