Chú trọng nâng cao năng lực cán bộ dân tộc thiểu số

A LĂNG NGƯỚC 03/06/2014 16:05

(QNO) - Sáng nay 3.6, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Quảng Nam, đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc Trung ương do đồng chí Nông Quốc Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương làm trưởng đoàn tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh liên quan đến công tác kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc.

Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh vào sáng nay 3.6.
Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh vào sáng nay 3.6.

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh về tình hình vùng dân tộc, miền núi và kết quả thực hiện chính sách dân tộc 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 127.504 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 31% dân số ở miền núi, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Mơ Nông… Trong đó, có 3 huyện nghèo được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a, gồm: Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My; 3 huyện mới là Đông Giang, Nam Giang và Bắc Trà My được bổ sung theo Quyết định số 651/QĐ-TTg và Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định được hưởng 70% theo Nghị quyết 30a...

Ông Nguyễn Khắc Tưởng - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, vụ đông xuân năm 2014, tổng diện tích gieo trồng ở các huyện miền núi gần 18.300 hecta; tổng đàn gia súc trên địa bàn các huyện miền núi tính đến đầu tháng 4.2014 đạt gần 142 nghìn con, gia cầm gần 600 nghìn con. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thường xuyên thực hiện với diện tích trồng tập trung trong 5 tháng đầu năm đạt 2.115 hecta, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều chính sách đầu tư được triển khai cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Người dân được hỗ trợ nhà ở theo chương trình dự án đầu của Chính phủ.
Nhiều chính sách đầu tư được triển khai cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Người dân được hỗ trợ nhà ở theo chương trình dự án đầu của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào vùng cao theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Theo đó, khôi phục các nhà sinh hoạt truyền thống, phát triển các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu như: làng nghề dệt Cơ Tu Za Ra (xã Tà Bhing, Nam Giang), làng nghề dệt thổ cẩm Đhơ Rôồng, Bhơ Hôồng (huyện Đông Giang),… Công tác giáo dục được các địa phương quan tâm và duy trì sĩ số trong các năm. Khu vực miền núi có 280 trường học với 48.343 học sinh từ bậc mầm non đến THPT; trong đó, có 37.961 em là người dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách Chương trình 135 (giai đoạn III), năm 2014 kế hoạch vốn giao là hơn 91,7 tỷ đồng. Từ ngân sách này, tỉnh đã phân bổ thực hiện xây dựng 141 công trình phúc lợi, duy tu bảo dưỡng 27 công trình. Riêng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa triển khai thực hiện do Bộ NN-PTNT chậm trong việc có văn bản hướng dẫn.

Đồng chí Nông Quốc Tuấn - Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương nhấn mạnh, vai trò lãnh đạo của cán bộ địa phương ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hết sức quan trọng. Do đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở là góp phần thực hiện đưa chính sách dân tộc có hiệu quả, đáp ứng với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Thời gian tới, cần rà soát toàn bộ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, xây dựng đề án đào tạo nguồn cho cán bộ dân tộc thiểu số tại các địa phương, giúp nâng cao năng lực, tránh tình trạng cán bộ là người đồng bào dân tộc “quên” tiếng mẹ đẻ của mình.

Tuy nhiên, công tác thực hiện chính sách dân tộc tại các huyện miền núi còn nhiều bất cập, yếu kém do địa bàn hiểm trở, năng lực chỉ đạo, tổ chức của đa số cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế; chưa tập trung đầu tư phát triển sản xuất bền vững theo từng hộ gia đình. Trong khi đó, một bộ phận nhỏ hộ đồng bào vùng cao còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước khiến thiếu chủ động trong việc tìm giải pháp để phát triển và thoát nghèo. Do đó, mặc dù dự án đầu tư được triển khai khá đồng bộ nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc miền núi vẫn còn cao, cụ thể: Đông Giang 42,11%; Tây Giang 51,98%; Nam Giang 62,68%; Nam Trà My 72,87%,…

Tạo nguồn cán bộ người đồng bào dân tộc

Cũng trong buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc Trung ương, đại diện các sở, ban ngành trong tỉnh cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất liên quan đến công tác triển khai thực hiện chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo bà Lê Thị Thủy - Phó ban Thường trực Ban Dân tộc tỉnh, các cấp, ngành Trung ương cần nghiên cứu kéo dài thời gian tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng “giao liên” ở các vùng đồng bào miền núi, để khuyến khích họ trong việc đưa các văn bản, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến tay đồng bào vùng cao một cách kịp thời và hiệu quả. “Đường sá vùng cao hiểm trở, việc vận chuyển sách báo, văn bản từ cấp trên là rất khó khăn. Để khuyến khích đội ngũ “giao liên” làm việc tốt hơn, cần có chính sách hỗ trợ cho họ” - bà Thủy kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cũng cho rằng, cần có kế hoạch tháo gỡ khó khăn chung và tìm hướng khắc phục trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã, nhất là ở khu vực miền núi. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Trung ương cần quan tâm hơn nữa đến chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn tỉnh để từng bước hoàn thiện các mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú trọng nâng cao năng lực cán bộ người dân tộc thiểu số là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại buổi làm việc.
Chú trọng nâng cao năng lực cán bộ người dân tộc thiểu số là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại buổi làm việc.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương Nông Quốc Tuấn ghi nhận những nỗ lực của chính quyền tỉnh đối với chính sách dân tộc trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, cần có sự đầu tư hơn nữa của tỉnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo thuận lợi cơ bản để triển khai chính sách dân tộc đến với đồng bào, từng bước nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm cụ thể. Trong đó, chú trọng việc giải quyết bài toán bền vững ở miền núi, cũng như tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách phù hợp và đáp ứng với đời sống của người dân bản địa. Đồng chí Nông Quốc Tuấn đề nghị địa phương cần quan tâm và tính toán hợp lý đến bài toán định canh, định cư vùng đồng bào miền núi phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân. “Phải tính toán quy hoạch hợp lý, xây dựng tái định cư ở chỗ nào, hiệu quả ra làm sao. Làm tốt công tái định cư sẽ tạo nề tảng phát triển đời sống kinh tế - xã hội, giáo dục - y tế, an ninh - quốc phòng…” - đồng chí Nông Quốc Tuấn nhấn mạnh.

A LĂNG NGƯỚC

A LĂNG NGƯỚC