"Không một ngày xa biển"

QUỐC VŨ 30/05/2014 08:42

Đó là khẳng định của những ngư dân ở xã Tam Quang (Núi Thành), dù những ngày gần đây biển Đông dậy sóng. Đã có tàu ngư dân Đà Nẵng bị tàu cá của Trung Quốc đâm chìm, đã có ngư dân Quảng Ngãi thiệt mạng, mất tích trên chính ngư trường truyền thống của mình... nhưng không vì thế mà ngư dân bỏ biển.

XÃ Tam Quang, huyện Núi Thành là địa phương có lượng tàu thuyền công suất lớn nhiều nhất tỉnh Quảng Nam. Toàn xã hiện có 370 tàu thuyền các loại với tổng công suất 27.200CV, tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản khai thác hàng năm khoảng hơn 16 nghìn tấn, thu về gần 274 tỷ đồng. Tam Quang cũng là nơi tập trung các dịch vụ hậu cần nghề cá để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển của địa phương như các cơ sở sản xuất đá lạnh, sửa chữa, cải hoán và đóng mới tàu thuyền, cơ sở kinh doanh xăng dầu, điểm thu mua hải sản, phương tiện vận chuyển của địa phương... đã tạo việc làm cho gần 4.000 lao động.

Ngư dân huyện Núi Thành chuẩn bị hậu cần tiếp tục vươn khơi, bám biển. Ảnh: QUỐC VŨ
Ngư dân huyện Núi Thành chuẩn bị hậu cần tiếp tục vươn khơi, bám biển. Ảnh: QUỐC VŨ

Những ngày qua, khi Trung Quốc có những hành động ngang ngược, gây hấn với ngư dân của ta đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, nhiều tàu cá của xã Tam Quang bị tàu Trung Quốc tấn công nhưng vẫn không làm ngư dân chùn bước. Ngư dân Tam Quang cho biết, vẫn quyết tâm vươn khơi, không một ngày xa biển, bởi biển chính là nhà, là nguồn sống của họ. Ông Huỳnh Minh Cảnh - một chủ tàu kiêm chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu ở xã Tam Quang cho biết: “Hiện nay trên biển dù ngư dân đi làm ăn cách xa nhau cả chục hải lý, nhưng nếu có tàu cá Trung Quốc đến gây hấn là lập tức bà con ta liên lạc để tập trung lại hỗ trợ với nhau. Tàu Trung Quốc “ỷ” to lấn hiếp, xua đuổi tàu cá của ngư dân mình, thậm chí còn cho tàu chạy thật nhanh tạo sóng nhằm nhấn chìm tàu bọn tôi. Những việc làm này là vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến con đường làm ăn sinh sống của ngư dân Việt Nam. Cho nên chúng tôi cùng nghiệp đoàn nghề cá phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống để chúng tôi yên ổn ra khơi làm ăn”.

Càng căm phẫn tái độ bành trướng của Trung Quốc bao nhiêu, ngư dân hai xã Tam Quang, Tam Hải của huyện Núi Thành càng quyết tâm đóng mới tàu có công suất lớn, trang bị thiết bị đi biển hiện đại. Các tàu hỏng thì nhanh chóng sửa chữa tàu thuyền bổ sung lương thực, dầu nhớt vươn khơi bám biển để phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Ngư dân Phan Linh (xã Tam Quang), thuyền viên tàu cá QNa - 90190 quả quyết: “Không sợ chi hết! Vùng biển này của Việt Nam mình. Nhà nước đã cho tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư tới đó thì bọn tôi vững tâm đánh bắt. Chúng tôi ủng hộ Nhà nước tranh đấu. Tranh đấu là để lấy lại quyền lợi của ngư dân Việt Nam mình”.

Đại tá Trần Văn Dũng - Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết, các biên đội tàu đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển của Việt Nam luôn dõi theo hoạt động của ngư dân và sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống. Đây cũng là trách nhiệm và là tình cảm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển đối với ngư dân, đáp lại sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ rất lớn từ các tổ chức và cá nhân trong thời gian lực lượng Cảnh sát biển làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển nơi Trung Quốc ngang nhiên, bất chấp Công ước Luật biển 1982 hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển của Việt Nam.

Những ngày này, các trạm kiểm soát biên phòng ở tỉnh Quảng Nam vẫn tấp nập tàu thuyền ngư dân làm thủ tục xuất bến ra biển đánh bắt. Ngoài việc kiểm tra đăng ký, đăng kiểm và công tác đảm bảo an toàn, Bộ đội Biên phòng còn phối hợp cùng chính quyền địa phương động viên nhân dân yên tâm bám biển, cảnh giác với các hành động uy hiếp, phá hoại của tàu thuyền Trung Quốc nhằm làm thiệt hại về kinh tế đối với ngư dân Quảng Nam.

Đại tá Nguyễn Văn An - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, công tác tuyên truyền vận động ngư dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ chính trị của Bộ đội Biên phòng. Vì thế trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển, đặc biệt là các trạm kiểm soát biên phòng tạo mọi điều kiện thuận lợi  cho ngư dân ra - vào làm ăn trên biển. Việc thiết lập hệ thống các đài canh liên lạc với tàu cá của ngư dân trên tần số cố định đã phát huy được hiệu quả trong công tác nắm bắt thông tin, tình hình trên biển cũng như kịp thời tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ ngư dân khi có yêu cầu.

Dù phải đương đầu, chạm trán với đội tàu hải giám, hải cảnh có trang bị vũ trang rượt đuổi và dùng vòi rồng uy hiếp, nhưng cùng với ngư dân cả nước, ngư dân xã Tam Quang vẫn quyết tâm bám biển, tự tin ra khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển - đảo Việt Nam.

QUỐC VŨ

QUỐC VŨ