Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6: Cho yêu thương bay xa

THỤC ANH - VINH ANH 30/05/2014 08:40

Hướng đến ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 và Tháng hành động vì trẻ em, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực.

Ca Dăng không xa

Xã Ca Dăng (huyện Đông Giang) là điểm đến đầu tiên đoàn công tác tình nguyện do Sở LĐ-TB&XH phối hợp Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam tổ chức, nhằm khởi động cho hàng loạt hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2014. Những ngày cuối tháng 5, nắng như đổ lửa, đoàn tình nguyện vẫn không quản đường xa cách trở để đến thăm, khám bệnh, cấp thuốc cho trẻ em nghèo, khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Ca Dăng. Khi đoàn công tác đến nơi, đã thấy hàng trăm người dân đưa con em đến trụ sở UBND xã chờ để được khám bệnh. Là địa bàn rộng với 9 thôn nằm rải rác khắp các sườn núi, thung lũng, Ca Dăng có số lượng trẻ em khá đông. Mồ hôi ướt đẫm, nhưng khi vừa đặt chân đến địa điểm khám bệnh, các thành viên trong đoàn đã bắt tay ngay vào công việc. Người treo băng rôn tuyên truyền, người lo khám bệnh, phát thuốc, còn cán bộ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh chuẩn bị nội dung cho chương trình tập huấn chăm sóc trẻ… Chị Alăng Thị Báo, ở thôn Hiệp, cho biết: “Hôm nay nghe có đoàn công tác về khám bệnh cho trẻ em, vợ chồng mình phải nghỉ làm rẫy một hôm để chở con đến khám. Cũng may nhờ các bác sĩ nhiệt tình nên con mình được khám sớm. Bác sĩ bảo sức khỏe con mình bình thường và cho thuốc bổ về uống, mình yên tâm lắm”.

Quên hết mệt mỏi sau chặng đường dài, các thành viên đoàn tình nguyện tập trung cho công tác khám bệnh, cấp thuốc cho trẻ em xã Ca Dăng. Ảnh: VINH ANH
Quên hết mệt mỏi sau chặng đường dài, các thành viên đoàn tình nguyện tập trung cho công tác khám bệnh, cấp thuốc cho trẻ em xã Ca Dăng. Ảnh: VINH ANH

Hơn 500 trẻ em chờ khám bệnh trong khi số y - bác sĩ của đoàn tình nguyện chỉ đếm trên đầu ngón tay khiến công việc trở nên khá “nặng” với họ. Trẻ này xong lại đến trẻ khác, các y - bác sĩ không có một phút để nghỉ ngơi. Do đó, trong đoàn, những người ở bộ phận khác khi xong phần việc của mình đều lăn xả vào phụ giúp bộ phận khám bệnh - cấp thuốc những phần việc ngoài chuyên môn như ghi danh, lập phiếu, hướng dẫn người nhà cho trẻ uống thuốc theo đơn... Anh Nguyễn Văn Lợi - cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho hay: “Mỗi năm, chúng tôi phối hợp với đội ngũ y - bác sĩ, dược sĩ ở một số đơn vị tổ chức các đợt khám bệnh, cấp thuốc cho trẻ khắp nơi. Lúc đầu không quen vì tên thuốc khó nhớ chứ đi nhiều, nhìn nhiều thành ra thuộc làu làu. Thuốc gì, tác dụng ra sao, chúng tôi đều nắm hết. Bác sĩ kê đơn thế nào, mình cứ nhìn vào đó hướng dẫn cho bà con thôi”. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu (quê Hải Lăng, Quảng Trị) lần đầu đi tình nguyện, bị say xe suốt chặng đường nhưng vẫn vui vẻ: “Lần đầu tiên mình công tác tại xã miền núi xa, đường đi khó khăn nên khá mệt. Tuy nhiên khi thấy trẻ em và người dân đứng chờ là mình như quên tất cả mệt mỏi dọc đường. Ý nghĩ các em đang chịu nhiều thua thiệt so với bạn bè trang lứa ở đồng bằng, thành thị đã cho mình động lực để làm việc trong suốt một ngày lưu lại nơi đây”.

Sẻ chia trách nhiệm

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Trưởng đoàn tình nguyện chia sẻ rằng, trẻ em ở đâu cũng cần phải được quan tâm và được đối xử công bằng. Tuy nhiên, vì những lý do đặc biệt, trẻ em miền núi và trẻ em bất hạnh vẫn là những đối tượng được dành sự quan tâm đặc biệt trong công tác tuyên truyền, chăm sóc. Nhiều năm qua, bằng sự kêu gọi, vận động các cá nhân, đơn vị hảo tâm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động từ thiện hướng về trẻ em miền núi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên toàn tỉnh. “Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em hết sức thiếu thốn. Đây là lý do để Quỹ Bảo trợ trẻ em duy trì các hoạt động chia sẻ yêu thương. Khó thì mới nên đi và đó mới là đích đến của chúng tôi trong các chuyến hành trình đến với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” - ông Thùy nói.

Tiếp nối chuyến tình nguyện khởi động Tháng hành động vì trẻ em đầy ý nghĩa ở Ca Dăng, nhiều hoạt động đến với trẻ em thiệt thòi, kém may mắn, khuyết tật cũng đã được thực hiện. Mới đây nhất là chuyến thăm hỏi, tặng quà trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Đại Lộc và Trung tâm Phục hồi chức năng cụm liên xã Điện An (huyện Điện Bàn) do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn. Tận mắt chứng kiến sự sẻ chia tình thương, trách nhiệm của những người trực tiếp làm công tác chăm sóc trẻ em tại hai trung tâm để các em có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, bớt thua thiệt bạn bè, ông Lê Văn Thanh nói: “Việc làm của những người phụ trách hai trung tâm này nói riêng và những trung tâm bảo trợ trẻ em khác trên địa bàn tỉnh nói chung là việc làm đầy ý nghĩa và đáng trân trọng. Bởi không đơn thuần là hành động chia sẻ khó khăn, bất hạnh, mà thông qua việc phục hồi chức năng giúp các em vươn lên trở thành người có ích, không còn là gánh nặng của xã hội”.
Theo ông Nguyễn Thùy, Tháng hành động vì trẻ em là thời điểm thích hợp nhất để các cấp ủy đảng, chính quyền và cộng đồng xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện chính sách của Nhà nước liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, chú ý tạo cơ hội cho mọi trẻ em tiếp cận các dịch vụ xã hội để phát triển, hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực.

THỤC ANH - VINH ANH

THỤC ANH - VINH ANH