Quản lý thức ăn đường phố: Khó kiểm soát

CHIÊU THỤC ANH 28/05/2014 11:03

Lâu nay, việc kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thức ăn đường phố gặp nhiều khó khăn bởi đây là loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống có tính đặc thù.

Khó quản lý

Có thể nói, thức ăn đường phố đáp ứng một phần nhu cầu ăn uống của người dân. Việc không đảm bảo vệ sinh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của đại đa số người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng với loại hình thức ăn - được xem là loại hình thức ăn nhanh, phù hợp trong nhịp sống hối hả hiện nay. Tuy nhiên từ trước đến nay, vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thức ăn đường phố luôn khó khăn. thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố ra đời và có hiệu lực từ ngày 20.1.2013,  là cơ sở pháp lý, từng bước đưa hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố vào khuôn khổ, cải thiện tình trạng bất cập trong công tác quản lý và tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.

Cán bộ y tế kiểm tra nhanh về ATVSTP đối với dụng cụ chế biến thức ăn trong đợt cao điểm kiểm tra ATVSTP năm 2014.Ảnh: C.T.A
Cán bộ y tế kiểm tra nhanh về ATVSTP đối với dụng cụ chế biến thức ăn trong đợt cao điểm kiểm tra ATVSTP năm 2014.Ảnh: C.T.A

Để thực hiện Thông tư 30, ngành y tế đã lên kế hoạch triển khai với sự phân cấp cụ thể, rõ ràng trong đó UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác quản lý thức ăn đường phố, UBND xã phường là đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động này. Ngành y tế là đơn vị nòng cốt trong công tác tham mưu, tập huấn, tuyên truyền. Tuy nhiên, sau một hơn năm triển khai, việc quản lý thức ăn đường phố vẫn khó khăn. Ông Phan Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND phường An Xuân (TP.Tam Kỳ) nói: “Từ khi thực hiện phân cấp quản lý ATVSTP, chúng tôi đã rất quyết liệt trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATVSTP nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng rất khó vì thiếu nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện tốt công tác này”.

Như vậy, thức ăn đường phố là loại hình thực phẩm khó quản lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP. Biện pháp hiện thời cần có sự tuân thủ các quy định về ATVSTP của người bán và sự giám sát của người mua. Chủ quán cơm Nhật (đường Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ) nói: “Quán cơm chuyên phục vụ đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức nên chỉ cần chén bát không sạch sẽ, chỗ để thức ăn không đúng quy định là khách hàng sẽ nhìn thấy và “tẩy chay” ngay. Thế nên tôi luôn yêu cầu nhân viên phục vụ phải sạch sẽ, kỹ lưỡng trong các khâu chế biến, bảo quản…”.

Cần phối hợp chặt chẽ

Thực tế, những người buôn bán vỉa hè, hàng rong thường là người dân lao động nghèo, vốn ít nên không đủ tiền đầu tư những trang thiết bị đảm bảo vệ sinh, không đủ nước sạch, không thể có các loại hóa đơn, chứng từ để đảm bảo về nguồn gốc thực phẩm như quy định của Thông tư 30. Về phía cơ quan chức năng, với những đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố, đặc biệt là những người bán hàng rong, việc kiểm tra, kiểm soát cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục AVSTP tỉnh nói: “Đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát chất lượng ATVSTP đã nỗ lực nhưng vẫn rất khó khăn khi kiểm soát. Như vị trí kinh doanh thường đông người qua lại thì không đảm bảo vệ sinh còn những vị trí vắng, mặt bằng tốt, hợp vệ sinh lại không được nhiều khách biết đến…”

Tháng ATVSTP năm 2014 cũng vừa kết thúc với chủ đề thức ăn đường phố. Ông Nguyễn Đây - Chi cục phó Chi cục ATVSTP, nói: “Dựa trên phân cấp quản lý của Thông tư 30, chúng tôi tập trung vào các bếp ăn tập thể. Đoàn thanh tra chuyên ngành của tỉnh đã kiểm tra 30 cơ sở thuộc 7/18 huyện thành phố. Phần lớn các cơ sở đều chấp hành tốt việc tập huấn ATVSTP hằng năm, có giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện… Tuy nhiên, vẫn nhiều nơi tái phạm các lỗi cũ như lưu mẫu thức ăn, bảo quản thực phẩm… dễ dẫn đến nguy cơ gây nhiễm chéo, người lao động không mặc đồ bảo hộ lao động theo quy định… Riêng đối với tuyến huyện và xã phường, một số địa phương đã có những kế hoạch thực hiện khá tốt việc tuyên truyền, tập huấn cho các hộ kinh doanh thức ăn đường phố”.

Theo quy định, đối với những cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố không yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP như các bếp ăn tập thể nhưng phải có giấy cam kết đảm bảo ATVSTP. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở này không dưới 4 lần/năm. Tuy nhiên, việc buôn bán không cố định, thường xuyên, thời gian buôn bán ngoài giờ hành chính và người kinh doanh thức ăn đường phố không đủ điều kiện để thực hành các yêu cầu vệ sinh như quy định nên việc kiểm tra, xử phạt chỉ mang tính nhắc nhở, chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, buôn bán. Ông Nguyễn Cam, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, nói: “Để quản lý tốt chất lượng ATVSTP cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương. Bởi nếu địa phương này làm tốt, làm gắt gao thì người buôn bán lại sang địa phương lân cận để kinh doanh. Ngoài ra cần cái bắt tay chặt chẽ giữa các ngành nông nghiệp, y tế, công thương hơn nữa...”.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH