Cư dân làng mới Nam Tiển: Chưa thể lạc nghiệp
Gần 200 hộ dân ở làng mới Nam Tiển (xã Bình Trị, Thăng Bình) nhiều năm nay chỉ mới an cư chứ chưa thể yên tâm lạc nghiệp, do diện tích đất sản xuất bố trí ít ỏi, lại bố trí khá xa chỗ ở; thiếu nước sạch trầm trọng…
Không thể làm ruộng được, gần 5 năm ra làng mới lập nghiệp, gia đình ông Nguyễn Văn Thu sống dựa vào nghề đan đát thủ công. Ảnh: H.PHÚC |
Thiếu sức sống
Đường vào làng Nam Tiển dù thảm nhựa nhưng thưa thớt các phương tiện lưu thông. Đi sâu vào làng, nhiều nhà cửa đóng im lìm, thỉnh thoảng bắt gặp vài lão nông chăm sóc khoảnh đất trồng rau ít ỏi trong vườn. Tháng 4.2010, chính quyền xã Bình Trị đã di dời gần 200 hộ dân sinh sống trong khu vực xung quanh hồ chứa nước Đông Tiển ra tái định cư ở làng Nam Tiển. Và năm 2011, thôn Nam Tiển được thành lập, chính thức có tên trong bản đồ địa giới hành chính xã Bình Trị. Khi vào làng mới sinh sống, mỗi hộ được cấp 400m2 đất thổ cư (gồm đất ở, đất vườn) và bố trí diện tích đất ruộng cách xa chỗ ở mới gần 5km. Dựng nhà ra đây sinh sống hơn 4 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thu vẫn tái diễn tình trạng nghèo. Miếng đất trống vài trăm mét vuông còn lại bên ngôi nhà cũng chỉ đủ trồng bí bầu, rau quả cải thiện bữa ăn. Năm sào đất sản xuất bố trí tận xã Bình Định Bắc, cách làng gần 5km, nhiều năm nay ông Thu cho người khác thuê chứ không canh tác. Ông Thu bộc bạch: “Tôi tuổi già sức yếu làm sao đi bộ hàng tiếng đồng hồ đến ruộng sản xuất được. Từ ngày ra đây ở, tôi “gác cày” luôn”. Để có tiền trang trải, mỗi ngày ông Thu phải đan đát từng cái giỏ tre, nia, thúng kiếm 50 - 60 nghìn đồng. Hoàn cảnh của chị Cao Thị Hạ cũng tương tự. Được Nhà nước cấp 5 sào ruộng nhưng vì địa điểm sản xuất quá xa nơi ở, nên chị đành bỏ ruộng hoang. Tận dụng gần 200m2 đất thổ cư, chị xây chuồng trại nuôi heo, trồng chuối lùn chung quanh vườn nhưng nhiều năm vẫn không thoát cảnh nghèo.
Thanh niên trong độ tuổi lao động ở Nam Tiển thì đi làm ăn xa, làm thuê mướn. Giữa trưa nắng, hơn 10 phụ nữ của làng vẫn cặm cụi dọn đất, làm thuê cho một cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn. Nhiều chị cho biết, trước đây ở làng cũ, đất đai tốt tươi, người dân tự sản xuất cây giống được. Nhưng bây giờ họ không có đất rộng lớn để phát triển vườn ươm nên đành chấp nhận làm thuê cho các ông chủ tại làng. Trưởng thôn Nam Tiển - Đặng Tấn Hương cho biết, Nhà nước có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ với làng mới, nhưng thực tế Nam Tiển vẫn khó nghèo và còn lâu mới ổn định đời sống do tư liệu sản xuất thiếu và sắp xếp không phù hợp.
Nhiều khó khăn
Khi xây dựng lòng hồ thủy lợi Đông Tiển, hầu như nhà cửa của người dân Đông Tiển bị giải tỏa trắng. Nhiều hộ còn một ít đất đai chưa bị ảnh hưởng đã quay lại khu vực làng cũ để tiếp tục canh tác. Một thời gian, nơi đây là “điểm nóng” về tình trạng đốt rừng phòng hộ trái phép để mở rộng diện tích canh tác. Năm 2012, chính quyền xã Bình Trị phát hiện 16 hộ dân địa phương lén lút lên khu vực rừng phòng hộ này lập trại, đốt phá cây rừng, thậm chí mở trại ươm giống cây keo. Địa phương cũng xác nhận, nhiều người dân đã di dời, ban ngày quay lại khu vực sát lòng hồ Đông Tiển sản xuất.
Về sự bất hợp lý của việc bố trí đất sản xuất cho người dân Bình Trị nằm tận xã Bình Định Bắc, ngành chức năng và chính quyền địa phương cho biết, trước đây đã dự lường nhưng thực tế quỹ đất nông nghiệp có hạn, không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Trong số 40ha bố trí đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư Nam Tiển, đất nằm trên địa bàn xã Bình Định Bắc chiếm 30ha, Bình Trị chỉ có 10ha. Chủ tịch UBND xã Bình Trị - Nguyễn Văn Diên cho biết, người dân làng mới Nam Tiển sống chủ yếu thuần nông, nhưng hiệu quả canh tác thấp, nhiều trường hợp quay về làng cũ mưu sinh. “Hiện hơn 4ha đất sản xuất ở Nam Tiển phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Không ít diện tích đất sản xuất phục vụ cho dân tái định cư hiện phía xã Bình Định Bắc chưa bàn giao lại. Ngày về làng mới, Nam Tiển có đến 50% hộ nghèo, bây giờ giảm rõ rệt, nhưng đời sống khá bấp bênh. Trong khi đó, địa phương chưa có cơ sở kinh doanh, dịch vụ nào giải quyết nguồn lao động tại chỗ. Hạ tầng cơ sở yếu kém, thậm chí đến nay vẫn chưa xây được nhà văn hóa thôn để nhân dân sinh hoạt” - ông Diên nói như than.
Về Nam Tiển trong những ngày nắng hạn mới thấy được nỗi lòng chờ đợi nước sạch của người dân. Nhiều nhà khoan giếng không có nước, hoặc nước chảy rất nhỏ giọt nên rất khó khăn trong sinh hoạt. Năm 2009, Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT) xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch tại thôn Nam Tiển với chi phí gần 1,2 tỷ đồng. Công trình gồm hệ thống nhà giàn, đài nước, giếng nước, máy bơm, đường ống dẫn nước đến khu dân cư. Năm 2010, công trình đã được nghiệm thu và bàn giao cho địa phương nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào vận hành. Chính quyền địa phương cho biết đang tổng hợp số hộ đăng ký sử dụng nước sạch và sẽ khắc phục kịp thời để đưa hệ thống vào hoạt động sớm nhất.
HỮU PHÚC