Du lịch dựa vào cộng đồng

ĐỖ HUẤN 25/05/2014 09:11

Du lịch sinh thái gắn kết với văn hóa là ưu thế của Hội An, đã được chú trọng phát triển trong thời gian gần đây, làm cho người dân ở các vùng ngoại ô từng bước khá và giàu lên. Và nền tảng chủ yếu để phát triển bền vững là dựa vào cộng đồng.

 Làng rau Trà Quế được xem là nơi phát triển du lịch cộng đồng đầu tiên ở Hội An.Ảnh: ĐỖ HUẤN
Làng rau Trà Quế được xem là nơi phát triển du lịch cộng đồng đầu tiên ở Hội An.Ảnh: ĐỖ HUẤN

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An chia sẻ, đối với Hội An đất chật người đông, không thể lấy cái “không ưu thế” của mình như đất đai, công nghiệp, kiểu thức, quy mô xây dựng hoành tráng, hiện đại… để cạnh tranh với “cái ưu thế” của bè bạn gần xa. Ưu thế của Hội An ở đây chính là sự gắn kết giữa sinh thái và nhân văn trong một chỉnh thể. Theo ông Sự, yếu tố cộng đồng, vai trò sáng tạo của chủ thể người dân cần được coi trọng trong hành trình phát triển du lịch sinh thái ở Hội An. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là chiều sâu, mở địa bàn hoạt động dịch vụ ra vùng ven là chiều rộng. Phải tạo sự lan tỏa rộng các vùng để mọi người dân Hội An đều biết làm và khá lên từ du lịch.

Rõ ràng, không gian du lịch của Hội An đang được lãnh đạo thành phố chú trọng mở rộng để dần kéo giãn lượng du khách tham quan mỗi ngày càng đông ra ngoài khu phố cổ, để đến với vùng biển đảo giàu tài nguyên thiên nhiên, sinh thái. Hướng đi ấy tuy còn mới mẻ nhưng đầy triển vọng. Bên cạnh việc tạo ra nhiều hơn các sản phẩm du lịch giàu sắc thái biển đảo, ruộng vườn, sông nước... còn cần thiết phải có những sản phẩm chất lượng cao, ấn tượng và thích thú đối với du khách, mang bản sắc vùng “cửa sông ven biển” Hội An.

Có thể xem làng rau Trà Quế là nơi hình thành mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở Hội An. Qua 8 năm phát triển mô hình này, làng rau Trà Quế đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng đông du khách. Du khách đến đông, đời sống người dân khấm khá hẳn lên. Trà Quế có hơn 220 hộ làm nghề nông nghiệp, trong đó có 130 hộ chuyên trồng rau luân canh và xen canh trên diện tích 40ha, bây giờ đời sống của người dân đã khá hơn nhiều so với trước. Già trẻ, gái trai ai nấy cũng vui tươi, phấn chấn. Bà con nông dân ở Trà Quế cho biết, tuy làm ruộng là chính nhưng thấy khách du lịch tới, quay phim, chụp ảnh nhiều là họ vui lắm vì “như rứa là thu nhập của bà con tăng lên”.

Mô hình làm du lịch cộng đồng ở Trà Quế dẫu chưa phải hoàn thiện bởi thu nhập và lợi ích vẫn còn mang tính cục bộ, chưa đồng đều, sự kiên kết hợp tác giữa cộng đồng với doanh nghiệp vẫn còn hạn chế nhưng đã gợi mở nhiều cách làm mới, hướng đi thích hợp để nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố. Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam mới đây cùng những động thái sẵn sàng cho hướng khai thác mới từ du lịch làng nghề đặc sắc này mà các ngành hữu quan cùng phường Cẩm Nam đang xây dựng là biểu hiện sinh động. Còn với mô hình làm du lịch cộng đồng ở Cẩm Thanh tuy sinh sau đẻ muộn nhưng vai trò sáng tạo của người dân bước đầu đã được phát huy, mang đến những sản phẩm du lịch mới lạ, tạo sức lan tỏa và cộng hưởng  đáng kể.

Một số hoạt động và sản phẩm du lịch mới, được các doanh nghiệp liên kết với cư dân địa phương tổ chức đã tạo được ấn tượng, thu hút du khách như: bơi thúng chai khám phá rừng dừa ngập mặn, đi xe đạp tận hưởng khung cảnh thiên nhiên làng quê, sông nước, chế biến và thưởng thức ẩm thực thủy sản vùng nước lợ. Tất cả đều phát triển dựa trên hoạt động của các tổ du lịch cộng đồng. Nếu chính quyền thành phố thường xuyên chú trọng giải quyết hài hòa, thỏa đáng lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động, quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư trong từng sản phẩm phục vụ du khách thì du lịch sinh thái ở Hội An sẽ càng phát triển mạnh và du lịch Hội An tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.

ĐỖ HUẤN

ĐỖ HUẤN