Thao thức ngoài khơi
(QNO) - Những ngày này, hàng trăm tàu công suất lớn ở Núi Thành liên tiếp ra khơi để đánh bắt bởi đây là vụ mùa chính trong năm. Để có những giàn phơi trắng xóa mực khi trở về, các ngư dân phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và càng thấm hơn sự tương ái lẫn nhau nơi đầu sóng.
Trước giờ xuất quân, tàu chính sẽ neo cách cầu cảng khoảng chừng 300 - 400m. Các ghe nhỏ có nhiệm vụ đưa bạn câu, hành lý cá nhân và thúng câu từ bờ ra tàu chính. |
Thức cùng đêm biển
Nhìn chiếc tàu gỗ QNa-90668 neo cách cảng cá An Hòa (Núi Thành) chừng 400m, nếu không phải người trong nghề thì không ai nghĩ chiếc tàu này có công suất lên đến gần 700CV. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu Qna-90668 Huỳnh Ngọc Tiến (xã Tam Giang, Núi Thành) giải thích: “Nhìn vậy chứ tàu có thể đi liên tục trên biển suốt hơn 3 tháng ở khắp các ngư trường thuộc Hoàng Sa và Trường Sa”. Theo anh Tiến, mỗi chuyến vươn khơi, chủ tàu sẽ bỏ ra khoảng 500 - 700 triệu đồng chi phí mua gạo, nhu yếu phẩm và ngư cụ phục vụ cho việc đánh bắt.
Chuẩn bị cho chuyến vươn khơi, các “bạn” cùng nhau xếp thúng câu lên tàu. Dù là công việc quen thuộc nhưng các thành viên trên tàu QNa-90668 phải mướt mồ hôi từ 12 giờ trưa đến gần tối. Rít điếu thuốc lúc nghỉ tay, thuyền trưởng Tiến tâm sự: “Nghề này khổ lắm, lênh đênh mãi trên biển chẳng thấy đất liền đâu. Nhưng vào bờ dăm bữa là nhớ biển”. Anh Tiến bảo, mỗi người trên tàu từ thuyền trưởng, thợ máy, bạn câu, nấu ăn… đều có cái khổ riêng. Như anh là thuyền trưởng phải căng mắt cầm bánh lái bền bỉ suốt 12 giờ đồng hồ liền mới được chợp mắt một chút rồi phải tiếp tục công việc.
Công việc quan trọng nhất là đưa thúng câu lên tàu, các ngư dân thường mất gần 6 tiếng đồng hồ để hoàn thành công việc. |
Hơn 20 năm chuyên nghề câu mực, ngư dân Lê Ngọc Khuê (xã Tam Giang) tiếp lời: “Bạn câu mỗi ngày chỉ có 3 tiếng để ngủ, còn thức suốt với chiếc thúng của mình”. Anh Khuê kể, 17 giờ tàu thả các thúng câu mực xuống biển khơi, mỗi thúng cách nhau chừng 300 - 400m. Đêm giữa trùng khơi chìm trong bóng tối, với một chiếc rường câu mỗi người lặng lẽ móc mồi thả xuống. Công việc ấy lặp đi lặp lại đến 5 giờ sáng hôm sau mới dừng lại khi tàu chính đến đón. Sau một đêm, mỗi thúng thu chừng 30kg mực tươi. Trưa, giữa cái nắng bỏng rát, các bạn câu vắt vẻo trên giàn phơi thoăn thoắt xẻ và phơi mực.
Thường mỗi chuyến vươn khơi kéo dài khoảng 3 tháng. Những lúc trên tàu các “bạn” còn hàn huyên chuyện nhà, chuyện biển nhưng lúc đã xuống thúng, chỉ còn lại một mình với đêm. Những lúc như vậy, chiếc radio là tài sản quý giá giúp họ vơi bớt đêm biển. Ngư dân Khuê tâm sự: “Ở giữa biển nhưng tin tức thời sự chúng tôi biết hết. Giữa đêm cứ mở Đài Tiếng nói Việt Nam và nghe đến khi nào hết đài mới thôi. Nghe giọng nói từ đất liền thấy quý giá lắm vì cảm giác gần gũi, như có người bầu bạn cùng”.
Tình người nơi đầu sóng
Đăm chiêu nhìn về phía khơi xa, thuyền trưởng Huỳnh Ngọc Tiến thâm trầm: “Muốn ra tới điểm đánh bắt thì đi suốt 5 ngày 4 đêm với sóng gió nhồi nhóc liên tục. Muốn ngủ được thì nằm sát vào nhau để khỏi lăn. Còn chắc ăn hơn thì mắc võng lên rồi lắc lư theo tàu”. Hỏi chuyện có nhớ gia đình, anh Tiến thật thà bảo: “Nhớ lắm chứ nhưng nghề của mình bắt buộc phải bám vào đó, phải ra khơi thôi”. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, tranh thủ lúc tàu ghé các đảo ở Trường Sa tránh gió, các bạn câu lại gọi điện về nhà để nghe giọng nói của vợ con cho vơi nỗi nhớ đất liền. “Lần nào ghé đảo và có sóng điện thoại là tôi gọi cả tiếng đồng hồ để thăm hỏi tình hình gia đình với vợ, rồi dặn dò các con chăm học” - ngư dân Nguyễn Phúc (xã Tam Hòa) góp chuyện.
Trên tàu câu mực khơi, ngoài các bạn câu thì các “lính hậu cần” có vai trò khá quan trọng, đảm bảo dinh dưỡng cho các bạn câu trên tàu. |
Nhưng nhớ nhà chẳng phải là cái khó khổ duy nhất với ngư dân. Vì chuyện sóng gió, chuyện gặp đau ốm bất thường cũng là nỗi lo thường trực. Và những lúc đó ngư dân luôn nhận được sự giúp đỡ từ các chiến sĩ, bác sĩ và nhân dân nơi hải đảo của Việt Nam. Thuyền trưởng Huỳnh Ngọc Tiến nhớ lại trong xúc động: “Tháng 4.2014, ngư dân Đinh Văn Nam (xã Tam Quang) lên cơn đau ruột thừa, tàu chúng tôi ngay lập tức quay mũi về đảo An Bang (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) để cấp cứu. Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của các y bác sĩ và chiến sĩ trên đảo giúp phẫu thuật kịp thời nên anh Nam qua được cơn nguy kịch. Thay mặt các ngư dân tàu Qna-90668, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các y, bác sĩ và các chiến sĩ trên đảo An Bang”.
Gần 19 giờ, buổi cơm tối trên tàu Qna-90668 đạm bạc với canh cá ngừ nấu dưa và thịt heo kho nghệ. Chẳng vì thế mà bữa cơm thiếu tiếng cười nói với những chuyện thời sự, chuyện phiếm của gần 50 ngư dân nơi đuôi tàu. Đúng 19 giờ, lễ cúng “cáo xuất” theo tập tục văn hóa miền biển diễn ra trang nghiêm. Chủ tàu khấn nguyện với ông bà xin thượng lộ bình an, sức khỏe và cầu tài cho chuyến ra khơi. Một còi tàu vang lên, tàu QNa-90668 hướng mũi ra biển Đông với niềm tin bội thu. Trên nóc cao nhất của ca - bin con tàu, lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc phất phới bay.
ĐOÀN ĐẠO