Phát triển du lịch Cù Lao Chàm
Qua 5 năm kể từ ngày Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26.5.2009 – 26.5.2014) đã biến các đảo hoang sơ nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn có sức hút toàn cầu.
Cù Lao Chàm cần xây dựng nhiều sản phẩm du lịch phù hợp để phục vụ du khách. |
Sức hút
Nếu như năm 2009 lượng khách đến Cù Lao Chàm mỗi năm chỉ khoảng vài nghìn người thì đến năm 2013 con số này đã tăng lên khoảng 176 nghìn lượt khách. Riêng 4 tháng đầu năm 2014, Cù Lao Chàm đón hơn 40 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Vào những dịp cao điểm như lễ tết, mỗi ngày Cù Lao Chàm đón 2 – 3 nghìn lượt khách, một con số rất lớn nếu so với tổng dân cư trên đảo (khoảng 2,5 nghìn người). Nhiều loại hình du lịch đã được triển khai như tham quan di tích, làng nghề; lặn ngắm san hô; câu cá; ẩm thực hải sản… đã đưa vào phục vụ. Cùng với đó, các hoạt động lưu trú, vận chuyển khách từ đất liền ra đảo cũng phát triển mạnh. Tính đến năm 2014, đã có khoảng 42 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh du lịch đưa khách ra Cù Lao Chàm và hơn 40 cơ sở kinh doanh lưu trú tại đảo (chủ yếu mô hình homestay).
Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, phát triển du lịch Cù Lao Chàm là hướng đi đúng đắn và luôn được thành phố quan tâm. Điển hình là việc ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Cù Lao Chàm giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó, tập trung phát triển Cù Lao Chàm theo mô hình du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng đã ban hành các chủ trương về quy hoạch homestay, xây dựng hạ tầng du lịch gắn với bảo tồn môi trường thiên nhiên, nhân văn tại chỗ. “Tất cả công việc phát triển kinh tế xã hội cũng như phát triển du lịch tại Cù Lao Chàm đều phải tuân thủ các quy định của công tác bảo tồn biển hết sức nghiêm ngặt” - ông Dũng nói.
Từ năm 2009, mô hình du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm đã được triển khai thực hiện thí điểm tại thôn Bãi Hương với loại hình lưu trú homestay do chính người dân hướng dẫn và phục vụ du khách. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với các đơn vị chỉ hỗ trợ cộng đồng trong việc giới thiệu sản phẩm, đào tạo kỹ thuật nấu ăn, thuyết minh, tổ chức hoạt động nhóm... Mô hình có hiệu quả và được mở rộng cho 3 thôn còn lại ở đảo. Đến nay, các hộ dân đã chủ động trong việc đón và phục vụ khách, góp phần quan trọng vào cải thiện kinh tế gia đình. “Cù Lao Chàm không có con đường nào khác để phát triển ngoài con đường phải bảo tồn môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển, bảo vệ nguồn nước, khai thác nguồn lợi thủy sản hợp lý để phát triển kinh tế bền vững, trong đó du lịch sinh thái là then chốt” - ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An nói.
Xác lập thương hiệu du lịch
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm có diện tích khoảng 33.146ha, được phân chia thành 3 vùng chức năng là vùng lõi gồm toàn bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (diện tích 2.471ha), với đặc trưng là các hệ sinh thái rừng và biển như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng đặc dụng...; vùng đệm có hệ sinh thái chính là rừng dừa nước, hệ sinh thái ven sông (diện tích 8.455ha) và vùng chuyển tiếp bao gồm khu phố cổ Hội An, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà (diện tích 22.220ha)… Có thể nhận thấy, 3 vùng trên đã hội tụ đầy đủ các yếu tố về thiên nhiên, sinh thái, văn hóa, làng nghề để xây dựng một thương hiệu du lịch mạnh. Ngoài ra, Cù Lao Chàm không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển đa dạng, cảnh quan hoang sơ độc đáo mà còn được biết đến như một địa chỉ văn hóa lịch sử nổi tiếng gồm các di tích, công trình kiến trúc đã được xếp hạng thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đại Việt, Champa… Trong đó, sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố văn hóa và thiên nhiên thông qua việc kết nối giữa khu di sản Đô thị cổ Hội An và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm như là mô hình cho phát triển bền vững. “Một trong những mục tiêu quan trọng mà Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm cần hướng tới là cộng đồng phải được hưởng lợi từ những giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thông qua các dịch vụ du lịch. Có như vậy người dân mới ý thức được trách nhiệm và bảo vệ những giá trị đó cho chính cuộc sống của mình” - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, việc phát triển du lịch dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề, chỉnh trang lại các khu dân cư là điều cần thiết để đảm bảo Cù Lao Chàm phát triển bền vững. Tuy vậy, việc phát triển phải cần tuân thủ những quy định cụ thể. Do đó, ngoài việc mời các đơn vị quy hoạch chuyên môn quy hoạch lại hạ tầng, kiến trúc Cù Lao Chàm theo hướng thân thiện môi trường, việc mở rộng không gian du lịch cũng là cách để giảm tải những áp lực cho đảo vào những lúc cao điểm. “Bên cạnh các bãi tắm hiện tại như Bãi Làng, Bãi Ông, Bãi Hương…, thành phố cũng đang nghiên cứu khảo sát thêm một số bãi mới như Bãi Bấc, Bãi Chồng, Bãi Rạng để giảm áp lực các bãi tắm trên” - ông Dũng tiết lộ.
Qua 5 năm kể từ khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm chứng kiến sự phát triển vượt bậc về du lịch nhưng đi cùng với đó là không ít áp lực khó khăn từ du lịch mang lại như công tác bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, thiếu nguồn lương thực, hạ tầng lưu trú… Cù Lao Chàm đã xác lập được một vị thế nhất định trên bản đồ du lịch Việt Nam nhưng để nâng thương hiệu lên một tầm cao mới, bền vững và có giá trị toàn cầu kết nối với đô thị cổ Hội An và các vùng phụ cận đòi hỏi cần có những kế hoạch, quy hoạch hợp lý và hài hòa, đây cũng chính là mục tiêu mà TP.Hội An đã và đang hướng đến.
VĨNH LỘC