Ốc đảo Long Thạnh Tây
Chảy đến đoạn này, dòng Trường Giang dùng dằng không muốn hòa vào lòng biển mẹ, mà như muốn “hợp ca” cùng thoi đất nhỏ ngoi lên giữa lòng sông - mang dáng dấp của một người đang bơi ngửa, thong dong dưới bóng trời chiều nơi cửa biển.
Mảnh đất mang tục danh Cồn Si ấy chính là thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, Núi Thành). Đó là một ốc đảo hiền hòa, cuộc sống người dân mang đậm nét thuần phác của làng quê biển. Về Long Thạnh Tây có 3 tuyến đi, nhưng đều phải “lụy đò”.
Đất - nước giao hòa
Cảm nhận đầu tiên đặt chân đến Cồn Si là bình yên. Bình yên đến lạ lùng. Những rặng dừa xanh ôm lấy con đường bê tông nhỏ. “Ở đây nhà và đường sạch sẽ thật” - anh bạn đi cùng chúng tôi ngạc nhiên. Không ai vứt rác bừa bãi và mỗi sáng tinh sương phụ nữ không quên quét dọn những con đường trong thôn xóm. Gần 100 hộ dân ở Cồn Si bám vào sông mẹ Trường Giang mưu sinh. Mỗi gia đình thường có một chiếc ghe nhỏ để làm ăn. Sau mỗi đêm khuya quần quật với cái rớ, mảnh lưới, đàn ông trở về lo chuyện của ban ngày, còn đàn bà tất tả qua bên kia sông bán những gì chồng đánh bắt được. Một cảm nhận nữa, người dân Cồn Si rất hiếu khách. Chúng tôi đến, được đón chào bằng những nụ cười hiền hậu với tấm lòng cởi mở. Nơi bến sông nhỏ, chỉ sau vài câu xã giao làm quen, ông Phạm Văn Quảng đã đồng ý cho chúng tôi về nhà nghỉ trưa và đưa đi thăm thú đất quê ông.
Cồn Si mang trong mình đặc trưng của một làng quê ven biển xứ Quảng. Nhưng thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này nhiều thứ mà khách đến có cảm giác như lạc vào vùng sông nước Nam Bộ. Lang thang bằng ghe qua rừng cây mắm, cây đước là hình thức du lịch sinh thái đầy hấp dẫn cho những ai về mảnh đất nơi Trường Giang gặp biển này. Rừng mắm ôm hết dải đất phía tây của thôn như bức bình phong chắn sóng gió. Phía xa, mênh mông một màu xanh sông nước Trường Giang. Nhẹ mái chèo đưa thuyền đi sâu vào rừng mắm, ông Quảng nói: “Tôi lớn lên thì mấy cái cây này đã to như vậy rồi. Người dân chúng tôi yêu rừng cây mắm này lắm, chẳng ai nỡ động đến một cành khô. Bởi rừng mắm là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản, nguồn sống của thôn”. Chiều, khi hoàng hôn sắp tắt vệt nắng cuối cùng cũng là lúc thủy triều xuống thấp, rừng đước con mới lộ ra (đây là rừng đước được trồng cách đây 2 năm, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực địa phương trong quản lý bền vững đất ngập nước tỉnh Quảng Nam”). Theo người dân bản địa, đó là thời điểm duy nhất trong ngày để nhìn được rừng đước ở đây. Những cây con cao chừng một mét vươn những chiếc lá non lên trời. Ngồi trên ghe đi giữa rừng đước, khó ai có thể cưỡng lại được cảm giác hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ.
Huyền tích của làng
Nhấp ngụm trà xanh, Trưởng thôn Long Thạnh Tây - Lê Tấn Ích nhớ lại: “Có tục danh Cồn Si vì thuở ban sơ nổi bật giữa cồn là cây si lớn. Theo đó, cha ông chúng tôi đặt tên đất là Cồn Si. Lúc đầu, có 3 cồn đất tách biệt, các dòng họ đầu tiên đặt chân lên đây như họ Phạm, họ Hồ đã đắp đất nối liền lại như ngày nay”. Theo ông Ích, nhiều thầy địa lý nhìn thấy thế đất này giống hình người nằm, là đất tốt để cư trú, dựng làng. Trải qua năm tháng, các ghe bầu, ghe buôn khắp nơi về đây tụ họp buôn bán, tạo nên sự hưng thịnh, sầm uất. Và thôn lấy tên Long Thạnh Tây mang ý nghĩa là vùng đất thế rồng đầy thịnh vượng ở phía tây. “Ngày xưa, dù chỉ là cồn đất nhỏ nhưng sự phát triển của Long Thạnh Tây đã góp phần hình thành chợ Lò Bó nằm ở chỗ bến đò ngày nay. Chợ lúc đó tấp nập ghe buôn các nơi đổ về neo đậu, tránh bão và trao đổi buôn bán. Ở đây, còn có đoàn hát tuồng thường xuyên dựng rạp biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương và người khắp nơi đổ về buôn bán. Đó là minh chứng cho sự phát triển hưng thịnh của đất này” - ông Ích chia sẻ. Cũng theo ông Ích, từ xưa đã có câu đối nói về thế đất Long Thạnh Tây truyền lại đến ngày nay: “Tam cấp địa bồi long hổ cuộc/ Tứ châu thủy nhiễu phụng hoàng trì (đại ý: Ba mảnh đất nằm thế rồng hổ ở/ Bốn phía nước bao quanh như con phượng hoàng đậu).
Bình yên Cồn Si - Long Thạnh Tây trong vẻ đẹp sông nước hoang sơ. Ảnh: Đ.ĐẠO - HÀN GIANG |
Trải qua những cuộc mưu sinh, dân ở khắp vùng miền hội tụ về lập làng dựng xóm. Cụ bà Huỳnh Thị Thảo (75 tuổi) kể: “Gia đình tôi quê gốc ở Nghệ An, những năm 1930 - 1940, vì mưu sinh nên vào tới Tam Kỳ và sau đó về đây định cư. Hồi đó, hầu hết gia đình đều sống trên ghe để buôn bán. Mãi đến năm 1965 cha tôi mới lên cồn vỡ đất dựng nhà”. Chuyện xưa như là huyền tích, vừa mang niềm tiếc nuối xen lẫn tự hào về “lai lịch” của vùng đất nơi cuối sông đầu bể này. “Ngày đó, khi nhìn thấy dải đất như hình người nằm ngửa có đầy đủ tứ chi, quan thầy Pháp và tay sai sợ đất này sẽ sinh người tài đứng lên chống Pháp nên đã đào trổ một cái lạch cắt lìa thế đất hình đầu (tại Cồn Ngao) với thân. Chúng còn cho trấn yểm bùa là các thùng chứa kim loại chôn sâu xuống các gò đất để “xích trấn” tứ chi của doi đất hình người” - ông Ích kể. Về sau, tuy không sinh người tài trứ danh nhưng mảnh đất Long Thạnh Tây đã có nhiều người con đi theo cách mạng, chiến đấu để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, quê hương. Trong ký ức của cán bộ cách mạng lão thành Phạm Văn Truyền (SN 1931), khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Long Thạnh Tây chỉ có khoảng 30 hộ dân. Nhưng đây là vùng đất che chở cho cách mạng hoạt động theo suốt chiều dài kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Những thao thức
Theo Trưởng thôn Lê Tấn Ích, dù cuộc sống chỉ dựa vào đánh bắt trên sông Trường Giang, nhưng trong số 96 hộ dân ở Long Thạnh Tây, chỉ còn 11 hộ nghèo nằm trong diện già yếu neo đơn. “Còn sức thì còn vươn sông làm ăn chứ người dân chúng tôi chưa bao giờ trông chờ, ỷ lại vào khoản hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước. Ở đây khó làm giàu chứ không có chuyện đói, thiếu ăn. Thanh niên trong thôn ngày ngày đi đò qua làm việc ở các công ty, nhà máy trên khu công nghiệp. Còn những người lớn tuổi thì theo sông tạo kế sinh nhai hoặc linh hoạt nuôi trồng phát triển kinh tế” - ông Ích thổ lộ. Như để minh chứng cho bản chất cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, ông Ích chia sẻ: “Năm sau, thôn chúng tôi sẽ có trường hợp đôi vợ chồng hơn 60 tuổi thoát nghèo, đó là gia đình ông Phạm Nghĩ. Tất cả nhờ vào việc ông trồng đậu phụng và nuôi bò. Các khoản nợ gia đình ông đã trả gần hết khi vừa bán 2 con bò lớn. Nuôi bò là kế sinh nhai của vợ chồng không còn tuổi lao động này”.
Nói chuyện cách trở đò ngang, ông Ích bảo đó là vấn đề Ban nhân dân thôn luôn quan tâm. “Giờ đã được cấp trên hỗ trợ xây dựng một bến đò nhưng chuyện học hành của con em nơi đây còn vất vả lắm. Vào mùa mưa bão là chuyện học hành bị gián đoạn vì không thể qua sông. Vả lại, hàng tháng mỗi cháu phải đóng 75 nghìn đồng tiền đi đò là một khoản chi phí không nhỏ khi kinh tế ở đây chưa khá giả” - ông Ích nói. Nhưng chuyện đò giang cách trở chưa phải là nỗi khó khổ nhất của người dân Long Thạnh Tây. Hiện nay, chuyện nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân trong thôn mới là cấp thiết nhất. Trước đây, thôn Long Thạnh Tây cũng có nước sạch từ nhiều nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức khác nhau. Nhưng vì nhiều lý do, từ năm 2007 đến nay, nguồn nước sạch đã bị cắt hoàn toàn. Ông Ích cho biết, nhiều hộ dân ở đây ngày ngày vẫn phải chèo ghe qua xã Tam Giang để xin hoặc mua nước ngọt về dùng. Bà Nguyễn Thị Thu, người dân trong thôn, cho biết: “Nhà nào ở đây cũng chuẩn bị sẵn các thùng lớn để trữ nước mưa. Cả thôn chỉ có một cái giếng đào, đến mùa khô nước cạn, không đủ dùng. Nước ngọt quý lắm, chỉ để nấu ăn và uống thôi. Tắm giặt hằng ngày phải dùng nước lợ”.
Đêm ở Long Thạnh Tây, vẫn sự bình yên vốn có. Nhưng đêm nơi ốc đảo có gì đó trầm buồn khi mảnh đất hữu tình này vẫn còn lắm khó khăn, người dân còn ưu tư về kế sinh nhai. Ngủ nhờ nhà một người dân bản địa, khách phải thao thức bởi tiếng mái chèo bươn chải trên dòng Trường Giang.
ĐOÀN ĐẠO - HÀN GIANG