Hậu phương của những người giữ biển
Những ngày này, tình hình biển đông căng thẳng, những người vợ trẻ của cảnh sát biển đang gánh vác việc nhà để chồng yên tâm canh giữ vùng biển đảo của Tổ quốc.
|
cuối tuần, chúng tôi mới hẹn gặp được chị Lê Thị Hằng, vợ cảnh sát biển Nguyễn Anh Khoa (hiện là khẩu đội trưởng tàu CSB 4033). Chị Hằng đang là cán bộ Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam. Những ngày này, cùng trong tâm trạng của người dân cả nước, chị càng ngóng trông tin tức về tình hình biển Đông, nơi chồng chị cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ. “Lấy chồng cảnh sát biển là phải chấp nhận tự lập và xa chồng thường xuyên. Lo thì ngay những lần anh bước lên tàu đã lo, chỉ thở phào mỗi khi nghe giọng anh trên điện thoại hoặc thấy anh về phép” - chị Hằng tâm sự. Tâm trạng của chị lúc này cũng giống như bao người vợ có chồng là cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trước hành động ngang ngược, gây hấn của Trung Quốc.
Chị Lê Thị Hằng tranh thủ cuối tuần hướng dẫn con gái học bài.Ảnh: L.Q |
Chị Lê Thị Thanh Huyền, vợ chiến sĩ Nguyễn Đức Thuận, hiện công tác tại tàu CSB 2013 cũng như suy nghĩ của chị Hằng, khi đã lấy chồng cảnh sát biển thì phải xác định vất vả. Huyền cùng con gái nhỏ từ quê ngoại ở Hà Tĩnh chuyển về Núi Thành gần một năm nay để vợ chồng được gần nhau, dễ dàng nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, nếu ngày trước chị ở Hà Tĩnh, anh một năm về thăm được 2 lần, thì khi chị về Núi Thành, số lần gặp mặt chồng cũng không thêm được bao nhiêu nữa. Đợt này, chồng của các chị đều nhận nhiệm vụ ngay khi đang cùng gia đình nghỉ lễ. “Hôm đó cũng là sinh nhật tàu 4033. Anh tranh thủ về thăm nhà từ ngày 28.4, nghỉ lễ và cùng anh em tổ chức sinh nhật tàu. Đến ngày 1.5, khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam thì anh nhận lệnh lên tàu. Đến ngày 3.5, tàu 4033 bị tàu Trung Quốc hung hãn đâm vào làm hư hỏng mạn sườn phải, tàu phải đưa về cảng Tiên Sa sửa chữa, lúc đó anh bị sốt, cũng không kịp về thăm gia đình, anh em trong tàu lại tự giúp nhau” - chị Hằng kể. Còn chị Huyền thì cho biết cách đây gần 2 tuần, anh ấy nói phải họp cơ quan, chiều không về, đến 9 giờ tối hôm đó nói phải đi biển, dặn đừng gọi điện thoại, có gì anh sẽ chủ động gọi về, thế là xách ba lô lên tàu.
Điều đáng nói, hai người vợ cảnh sát biển mà chúng tôi gặp, chính là sự bình tĩnh và nghị lực của họ. Chị Hằng nói phụ nữ Việt Nam mình ai cũng có nghị lực, nhưng người vợ lính như chị đều đã xác định vai trò của mình khi lấy chồng. Bởi các anh thường xuyên xa nhà nên mình phải thay chồng gánh vác, quán xuyến gia đình để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Chị nói, hoạt động nào của anh chị cũng đều ở tâm thế bất ngờ. “Có những lúc nửa đêm có nhiệm vụ, anh về nhà được giờ nào thì biết giờ nấy. Có những lần anh vừa về đến TP.Tam Kỳ, nhận được lệnh có nhiệm vụ, anh phải quay ngược trở ra” - chị Lê Thị Hằng kể. Còn chị Lê Thị Thanh Huyền, sẵn sàng chịu cảnh một mẹ một con, di chuyển từ Hà Tĩnh vào làm công nhân tại Núi Thành để gần chồng. Có những tháng anh đi công tác triền miên, gặp bữa tăng ca, chị phải gửi con cho chủ nhà trọ đón giúp. Căn nhà trọ anh chị đang ở khá đơn sơ, tất cả đều tạm bợ, bởi như chị nói, quý nhất là những giờ anh về thăm mẹ con, còn mọi thứ cứ từ từ rồi tính.
Đặt trọn vẹn niềm tin vào chồng, hơn thế là niềm tự hào vì sự can trường trong công việc và trong nhiệm vụ các anh được giao, những người vợ cảnh sát biển – những lớp hậu phương vững chắc, sẵn lòng thay các anh làm “người đàn ông của gia đình”, để những “người đàn ông của đất nước” vững lòng làm nhiệm vụ nơi biển xa.
LÊ QUÂN