Tiếng gọi hòa bình
Trước những hành động ngang ngược và khiêu khích của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam khiến biển Đông “dậy sóng”, dư luận trong nước và quốc tế đều bày tỏ, mọi căng thẳng hiện nay ở khu vực phải được giải quyết theo đường lối đối thoại và hòa bình.
Trong khi dư luận trong nước và quốc tế tiếp tục lên án hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông, ngày 14.5, Philippines tố cáo Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng đường băng tại đảo Gạc Ma. Gạc Ma là một bãi đá, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988. Hãng Reuters (Anh) dẫn lời Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines rằng đây là hành động phi lý của Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines trao công hàm phản đối Trung Quốc, đồng thời nêu vấn đề này trong cuộc họp kín tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa diễn ra tại Myanmar. Mạng tin GMA News của Philippines dẫn lời người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, Edwin Lacierda, nếu Trung Quốc không lắng nghe Philippines, nước này sẽ dựa vào ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện nay trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Philippines từng phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá trên biển Đông, mô tả đây là hành động bắt ép tàu nước khác và vi phạm luật pháp quốc tế.(ảnh: AFP) |
Bộ Ngoại giao Australia vừa ra tuyên bố về tình hình biển Đông, trong đó hoan nghênh những tuyên bố được đưa ra trong Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa diễn ra liên quan đến tình hình trên biển Đông, đồng thời chia sẻ những quan ngại mà ASEAN đã nêu ra về những diễn biến gần đây vốn làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Australia kêu gọi các bên kiềm chế, không có những hành động khiêu khích có thể làm leo thang tình hình, mặt khác, chính phủ các nước cần làm rõ những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng như khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN sớm đạt được những tiến bộ trong việc đưa ra một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Ngày 30.3.2014 Philippines đệ trình lên Tòa án Trọng tài quốc tế tại thành phố Hague (Hà Lan) một bộ hồ sơ gồm gần 4.000 trang tài liệu với các chi tiết, bằng chứng và lập luận chống lại yêu sách của Trung Quốc về đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) trên biển Đông. Trước đó, tháng 1.2013, Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế, sau khi các tàu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát quần đảo nằm trong vùng tranh chấp ngoài khơi phía tây bắc Philippines. |
Còn Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur, Vụ phó Phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Vụ Phát triển quốc tế, Tổng cục Trang bị vũ khí Pháp cho biết, Liên minh châu Âu đã ra một thông cáo về vấn đề an ninh biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 và khẳng định, những căng thẳng này cần nhanh chóng chấm dứt bằng các biện pháp hòa bình và thương lượng. Cũng lúc này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lên tiếng hối thúc giải quyết căng thẳng ở biển Đông thông qua kênh đối thoại, chứ không phải bằng các biện pháp hăm dọa. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng, hối thúc các bên giảm leo thang tình hình, tiến hành đối thoại ở cấp cao để giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình.
Nhiều ý kiến khác cùng bày tỏ, thế kỷ 21 được xem là xu hướng của hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Mọi bất đồng, căng thẳng và xung đột phải được giải quyết theo đường lối hòa bình để đưa con người đạt tới đỉnh cao của nền văn minh nhân loại.
KIM OANH