Giúp phụ nữ giảm nghèo bền vững
Nhiều năm qua, các chương trình an sinh xã hội của Hội LHPN TP.Hội An đã giúp rất nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Đồng hành với chị em
Năm 2013, Hội LHPN TP.Hội An đã kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ được hơn 130 triệu đồng, số tiền đó đã được hội dùng để xây dựng 4 mái ấm tình thương trị giá 110 triệu đồng và giúp đỡ cho 6 hoàn cảnh bị bệnh nan y. Ngoài ra, hội phụ nữ cơ sở đã xây dựng 4 mái ấm tình thương trị giá 120 triệu đồng, nâng tổng số mái ấm tình thương năm 2013 của Hội LHPN TP.Hội An là 8 mái ấm cho 8 chị phụ nữ nghèo, đơn thân. Đây là số tiền đóng góp từ quỹ “Heo đất lòng vàng” được Hội LHPN thành phố phát động trong đêm giao lưu Ngày quốc tế phụ nữ với chủ đề “Đồng hành với heo đất nhà ta, một mái ấm – ngàn yêu thương”. Trong đêm giao lưu, Hội LHPN TP.Hội An đã phát 350 con heo đất đến các đại biểu và hội viên phụ nữ nhằm tiếp tục phát động phong trào nuôi heo đất đến toàn thể chị em phụ nữ.
Mô hình đào tạo và sản xuất đồ thủ công của Hội LHPN TP.Hội An. Ảnh: T.A |
Qua khảo sát, Hội An có 196 nữ chủ hộ nghèo nằm trong diện hỗ trợ thoát nghèo, phụ nữ hộ nghèo là lao động chính có 145 người. Những năm qua, bằng nhiều hình thức như giúp vốn, giới thiệu việc làm, giúp công, con giống và trao đổi kinh nghiệm sản xuất…, Hội LHPN thành phố đã giúp 133/196 nữ chủ hộ nghèo, 75/145 phụ nữ hộ nghèo lao động chính phát triển kinh tế gia đình. Đến nay đã có 38 hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững. Bà Trần Thị Thu Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An, nói: “Trong những năm qua, Hội LHPN thành phố đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động như “Heo đất lòng vàng”, xây dựng mái ấm tình thương, xóa nhà tạm; xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, thực hiện đề án “Giáo dục, tuyên truyền phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”… Tuy nhiên, trong số những hoạt động trên thì phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ được hội quan tâm, chú trọng và thực hiện có hiệu quả tốt”.
Giúp nhau làm kinh tế
Là một trong những trường hợp điển hình, vừa là chủ hộ, vừa là lao động chính, chị Đinh Thị Thu (thôn Tân Thịnh, xã Cẩm An, TP.Hội An) là tấm gương sáng về nghị lực, lòng quyết tâm vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Chị đã kể cho chúng tôi về những tháng ngày gian khổ, thiếu trước hụt sau của 4 mẹ con. Năm 2006, gia đình chị vẫn còn nằm trong diện hộ nghèo, là lao động chính trong nhà, một mình chị tảo tần, bươn chải sớm hôm để con cái học hành. Không chấp nhận trói chặt cuộc đời mình trong cái vòng luẩn quẩn của vay mượn, đắp đổi cho qua ngày, chị quyết tâm làm giàu. “Những ngày lễ tết, nhìn con mình thua thiệt bạn bè, không có quần áo mới tôi rất xót xa. Thêm vào đó, nhìn thấy tấm gương vượt khó làm giàu của nhiều phụ nữ trên ti vi, báo đài đã khiến tôi bao nhiêu đêm trằn trọc không ngủ. Tại sao mình cũng như họ mà mình không làm được. Nghĩ thế mà tôi quyết tâm làm giàu” - chị Thu tâm sự. Với sự động viên tinh thần của các chị em hội viên phụ nữ trong chi hội lúc ấy, chị vay mượn chút vốn của bà con trong gia đình làm kinh tế. Từ hai con heo giống, chị gầy dựng được đàn heo hơn 50 con, rồi tích lũy thêm vẫn mở rộng ra buôn bán gạo sỉ và lẻ. Đến nay, trung bình mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, chị thu nhập được hơn 200 triệu đồng. Và đáng quý hơn, từ khi gia đình bắt đầu có của ăn của để, chị đã quay lại giúp đỡ các chị em phụ nữ trong thôn. Cứ mỗi người vài triệu đồng, chị cho nhiều phụ nữ mượn không lấy lãi để buôn bán; dịp cuối năm chị còn tặng nhiều suất quà giá trị cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Nhờ tấm gương vươn lên thoát nghèo và sự tận tình giúp đỡ mọi người nên chị Thu đã được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Thịnh.
Chỉ với 6 cán bộ nhưng Hội LHPN TP.Hội An đã khiến cho mọi người hết sức nể phục bởi những mô hình, phong trào được phát động mang lại hiệu ứng và kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Năm 2012, Hội LHPN thành phố đã cho ra mắt mô hình “Đào tạo nghề và tổ chức sản xuất kinh doanh”. Theo đó, tại số nhà 75 Nguyễn Thái Học (TP.Hội An), hội đã thành lập cơ sở “Sống xanh” với mục đích dạy nghề thủ công mỹ nghệ như gấp túi giấy, làm hoa voan, dán lồng đèn; đồng thời trưng bày và quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương; khai trương nhà hàng “Trống cơm” và ra mắt văn phòng tư vấn, giới thiệu việc làm. Tổng thu của chuỗi các hoạt động tại cơ sở “Sống xanh” sẽ được dùng để tặng cho các hoàn cảnh, gia đình khó khăn trên địa bàn thành phố và các địa phương trong tỉnh.
Mong muốn của những người làm công tác phụ nữ tại đây không dừng lại ở kết quả hiện nay, mà các chị còn muốn cùng với lãnh đạo thành phố xóa trắng hộ nghèo trên địa bàn. Bà Trần Thị Thu Hòa nói: “Với phương châm lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, những năm qua, hội viên phụ nữ các cấp, chi hội trên địa bàn thành phố đã luôn sát cánh cùng nhau. Bên cạnh động viên nhau vươn lên trong cuộc sống, các chị luôn phát huy tinh thần năng động, không ngừng sáng tạo để nghiên cứu thành lập và đưa ra những mô hình hoạt động có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho chị em hội viên”.
THỤC ANH – ANH THƯ