Sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững
Sau 7 ngày làm việc, chiều 14.5, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tại hội nghị, Trung ương đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng; trong đó, xem xét kết quả tổng kết và nhất trí ban hành Nghị quyết mới về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Và văn hóa được xem là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.
Phát biểu bế mạc, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát lại kết quả chủ yếu của hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai. Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, hội nghị nhận định: Sau 15 năm thực hiện, tư duy lý luận về VH đã có bước phát triển; thể chế về văn hóa (VH) từng bước được xây dựng, hoàn thiện; đời sống VH ngày càng phong phú. Tuy nhiên, so với những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực VH chưa thực sự tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả đối với việc xây dựng con người và môi trường VH lành mạnh.
Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) xác định tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình, cộng đồng, dân tộc. TRONG ẢNH: Đoàn rước sắc trong lễ hội Bà Thu Bồn ở Duy Xuyên. Ảnh: LÊ QUÂN |
Song hành phát triển
Để xây dựng và phát triển VH, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, phải tiếp tục kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển VH đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Đồng thời nhấn mạnh: VH là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước. VH phải được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển VH, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong xây dựng VH, phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường VH (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi.
Tổng Bí thư khẳng định: Nền VH mà chúng ta xây dựng là nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nền VH Việt Nam tiên tiến là một nền VH yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh hoa VH nhân loại nhằm mục tiêu tất cả vì con người, tất cả vì tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú, toàn diện cho mỗi con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự nhiên. Bản sắc dân tộc của VH Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết hài hòa giữa cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; là đức hy sinh cao thượng tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; là sự ứng xử văn minh, lịch sự, tính giản dị và trong sạch trong lối sống.
Xây dựng giá trị chuẩn mực
Nói về chủ thể chính - con người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền VH Việt Nam. Vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển nền VH Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là khâu trọng tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực VH và chế độ XHCN. Hướng các hoạt động VH vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho VH trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội...
Thông báo Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) Chiều 14.5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ra Thông báo Hội nghị lần thứ 9. Thông báo nêu rõ: Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 8.5 đến 14.5-2014, tại thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ 9 để thảo luận, cho ý kiến về: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Ðề cương các văn kiện trình Ðại hội XII của Ðảng; Định hướng chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội XII của Ðảng; Quy chế bầu cử trong Ðảng; Việc lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng; Tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và một số vấn đề quan trọng khác... |
Thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu: Tiếp tục xây dựng môi trường VH lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình, cộng đồng, dân tộc Việt Nam. Thực hiện chiến lược quốc gia về gia đình Việt Nam. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nếp sống văn minh, nhất là việc cưới, việc tang, lễ hội. Đồng thời tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về VH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về VH và có chế tài đủ mạnh để tổ chức thực hiện nghị quyết, ngăn ngừa những vi phạm trong hoạt động VH. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực VH. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi VH, phản VH, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, bản sắc VH dân tộc và tính thống nhất trong đa dạng của VH Việt Nam.
Phát triển nền văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong đạo đức, VH tôn giáo; khuyến khích các hoạt động tôn giáo hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”... Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác VH. Tăng cường nguồn lực cho VH. Tiếp thu tinh hoa VH và kinh nghiệm phát triển, quản lý VH của các nước trên thế giới.
LÊ VŨ (Tổng hợp)