Phòng chống loãng xương
Loãng xương là vấn đề thường gặp của nhiều người khi bắt đầu bước vào lứa tuổi trung niên. Mới đây, tại hội thảo người tiêu dùng do Công ty Sữa Vinamilk tổ chức tại TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Hữu Toản - chuyên gia dinh dưỡng, thành viên Hội loãng xương TP.Hồ Chí Minh cho hay, trong một cuộc khảo sát vừa tiến hành, ở Việt Nam có khoảng một triệu người cao tuổi bị loãng xương.
“Khi chúng tôi đem máy đo loãng xương miễn phí cho người tiêu dùng ở TP.Tam Kỳ, qua kết quả đo khám cho thấy, loãng xương không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn mà cả người dân sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa… cũng không tránh khỏi” - ông Nguyễn Hữu Toản nói. Bà Nguyễn Thị Hồng (đường Trần Nhật Duật, TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Lâu nay tôi thường cảm thấy đau nhức trong xương, nhất là khi đêm về nhưng không hề nghĩ đó là dấu hiệu của loãng xương. Nhờ đi kiểm tra lần này, tôi mới hiểu và có thêm thông tin về căn bệnh mình đang mắc phải”.
Tiêu dùng thông minh, - Thăm, đo loãng xương định kỳ. - Ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, protein,vitamin D như tôm, cua, ốc, uống sữa và các chế phẩm của sữa có chứa nhiều thành phần canxi, sinh tố D. Nên ăn thêm trái cây, rau, giá đỗ (chứa nhiều estroden) vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. - Cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương. - Những người bị loãng xương không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp và tránh ngã, vấp. |
Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, loãng xương là một trong những bệnh lý thường gặp ở số đông những người có tuổi. Loãng xương là tình trạng xương mỏng mảnh và yếu đến mức rất dễ gãy. Tuy không gây chết người nhưng bệnh loãng xương làm giảm chất lượng cuộc sống. Người mắc bệnh loãng xương còn rất dễ bị gãy xương ở vùng cột sống, cổ xương đùi và cổ tay. Đặc biệt khi gãy cổ xương đùi, người bệnh phải nằm bất động và xuất hiện nhiều biến chứng khác rất dễ gây tử vong .
Điều đáng nói, tỷ lệ người mắc bệnh loãng xương ở thành phố thường cao hơn so với người dân sống vùng nông thôn. “Người dân ở vùng nông thôn thường lao động chân tay nhiều nên cơ hội để xương hấp thụ vitamin D cao hơn so với người thành phố. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng của người sống ở nông thôn có thể đa dạng, phong phú hơn so với người ở đô thị thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, thức ăn công nghiệp nhiều dầu mỡ... Vì vậy, mọi người khi đến tầm 30 tuổi cần phải kiểm soát chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động để phòng chống loãng xương” - ông Nguyễn Hữu Toản nói.
PHAN AN