Đò dọc sông Thu - Bài 1: Ký ức dòng sông
Những chuyến đi qua bờ bãi Thu Bồn, chúng tôi bắt gặp những phận người gắn với phận sông, cứ vậy miên miết chảy về phía biển, phía vô tận cuộc đời. Không tham lam kể lại hết câu chuyện của sông, chỉ như vài lát cắt nhỏ, cũ có, mới có, hành trình đi dọc sông Thu của chúng tôi chắt chiu nhiều cảm xúc...
Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Từ muôn trùng ghềnh thác, Thu Bồn xuôi xuống hạ du. Cuộc sinh tồn qua hàng thế kỷ của xóm làng theo những chuyến đò giang, cứ thế hòa cùng nhịp chảy dòng sông, dày thêm trang huyền sử…
Hành trình không đơn độc
Cứ mỗi lần bồn chồn nhớ quê, ông Cao Nhứt lại xuống bến Đại Bường, trầm ngâm bên những chiếc đò cắm sào dọc sông. Quá nửa thế kỷ lênh đênh theo những chuyến đò, với ông, sông Thu Bồn là bạn. “Chừ không theo ghe, theo đò nữa, ông nhớ chi nhứt?”. “Mùi mắm cái! Ghe chở mắm từ dưới Hội An lên, chưa đến nơi, lũ con nít đã đứng trên bờ chực chờ. Thèm mắm như cái chi!”. Ông trả lời, rồi lại ngó ra sông. Trong cái nhìn thăm thẳm của ông già đã ngoài 70 tuổi nơi bến đò Đại Bường, mơ hồ một niềm tiếc nuối. Trên sông, ông chẳng bao giờ cô đơn. Quê gốc Điện Quang, giặc giã, thôn xóm không bình yên, ông theo bà con ngược nguồn chạy giặc. Dừng ở Đại Bường, dựng nhà, nhập làng. Những chuyến đò dọc là những cuộc trở về, còn sông thì như cuống rốn nuôi níu những đứa con xa. Lần hồi theo cuộc mưu sinh bán buôn đủ thứ, đến khi không còn đủ sức gánh gồng ông lại theo chân những chuyến đò ghé về quê chơi. Mà thực ra, hai bên bờ sông đâu cũng là quê, vì anh em, bà con đều tản mát đó đây. “Bước lên bờ là có chỗ ăn, chỗ ngủ. Rứa mới đã chớ” - ông lão khề khà. Không chỉ là dòng sông, hành trình của những “bạn nguồn” trên sông Thu như lão Nhứt cũng theo đó, chẳng bao giờ đơn độc…
Những thanh tre phơi thuốc lá vào mùa nắng ở Quảng Huế (Đại Lộc) sẽ trở thành vật dụng chằng chống nhà cửa vào mùa mưa lũ.Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Suốt cuộc lãng du của mình, vắt qua Hòn Kẽm - Đá Dừng xuôi về Giao Thủy, Kiểm Lâm, Thu Bồn hợp rồi chia, chia rồi hợp trước khi hòa mình vào biển lớn. Đâu đâu cũng một màu ngăn ngắt phù sa. Những cánh đồng vàng hoa cải, xanh bắp xanh dâu, Thu Bồn rẽ ra muôn ngả ban phát sức sống diệu kỳ của mình cho bao nhiêu vùng đất: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An… Hành trình ấy còn in bóng “một trục không gian văn hóa trải dài với các trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, chính trị, thương mại nổi tiếng và là cửa ngõ để giao lưu với văn hóa bên ngoài, đồng thời là điểm dừng chân trên con đường tơ lụa” (Nguyễn Chí Trung - Mảnh đất và con người xứ Quảng). Theo cuộc ngược nguồn kiếm tìm sản vật, xuôi đò giang đổi lụa, đổi “cá chuồn”, dòng sông mang theo câu chuyện của mình sớt lại bên những bến đò giang. Dấu chân người mở cõi, vết tích của tháp đền huyền bí Chămpa và đô thị cổ Hội An lưu lại đến ngày nay. Không đơn độc nhờ góp nhặt những sông Tranh, sông Tiên, Vu Gia vào dòng chảy của mình. Không đơn độc, còn nhờ những chuyến đò giang làm bạn đồng hành. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, sự hình thành của một vùng đất bao đời vẫn không tách khỏi quy luật ấy. Với Thu Bồn, còn có một đặc trưng nữa là “thị cận giang”. Những chợ Trung Phước, Giao Thủy, Thu Bồn, Bàn Thạch, Hội An… hàng trăm năm bám lấy bến sông mà trường tồn…
Dòng sông lũ
Bao nhiêu phận đời bám víu vào sông mẹ, là bấy nhiêu phận người đến, ở hay đi trên những đò dọc, đò ngang. Những mảnh đời riêng chỉ “chung” vào nhau khi Thu Bồn bời bời nước lũ. Dân Hội An giờ đã quen với lũ. Quen đến nỗi phố cổ vào mùa nước lũ trở thành một “đặc sản du lịch” như mùa mưa ở Huế, lọt vào khung hình của hàng trăm nhiếp ảnh gia. Chỉ có điều, lũ không còn hiền lành để đợi chờ như những ngày xưa cũ…
Sông quê mùa nước lũ. |
Nói như thế, để nhắc nhớ những trận lụt năm Thìn 1964, đại hồng thủy 1999, 2007, rồi 2009, những trận lụt nhấn chìm cả tiếng bi thương. Những chợ, những làng tả tơi rều rác dưới dòng lũ: Bàn Thạch, An Phước, Mã Châu, Duy Trinh, Giao Thủy, Gò Nổi, Phú Chiêm, La Qua, Vĩnh Điện, Thanh Hà, Kim Bồng... Gò Nổi, thuở trước nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Triền bãi trồng dâu, chắc chẳng có thứ gì ngăn ngắt xanh hơn thế. Ấy vậy mà mùa lũ, nhìn bốn phía chỉ thấy mênh mang. Có những năm lũ dữ, của mất người trôi, chóp nón chìm dần chỉ đủ để định vị một hình hài trong dòng lũ. Bốn mùa, Thu Bồn riêng lấy một mùa để gọi tên: dòng sông lũ. Những người già kể: “Lũ thành quen. Nhà to nhà nhỏ gì cũng phải có gác mái, và ghe. Rồi cứ mắm cái cá khô mà chờ nước rút. Mà không có lũ, lấy đâu ra lúa, ra màu, ra dâu cho những nong tằm”. Đời ông, cũng như bao nhiêu gia đình khác, trải qua hàng chục lần dựng lại nhà, lại chòi sau lũ… Nhưng trớ trêu, lũ lụt ngày càng khắc nghiệt. Lũ không còn do trời nữa, lũ từ những “túi nước” trên đỉnh đầu của chính con người, sẵn sàng bình định cả một thôn làng, bằng những cơn cuồng nộ họa hoằn của ngày xưa…
Thì sông vẫn cứ lũ, như một mặc định của chính mình. Nhưng hơn hết, sức sống của những người con trên sông Thu càng thêm mãnh liệt. Nước rút, bãi bồi lại xanh. Chúng tôi đi qua Giao Thủy, dọc đường làng kín đặc những cây sào phơi lá thuốc, đậu phụng, bắp… Mấy tháng mùa mưa, cũng cây sào tre ấy chằng chống cho mái nhà ven sông qua lận đận gió bão, chở che cho những phận người. “Đời sông là đời người”, một đặc điểm nhận diện vận vào những xóm làng bên sông. Nông Sơn là huyện miền núi, vậy mà năm nào nước lũ cũng lên tới nóc nhà. Lũ về, trâu chết, treo sừng trên ngọn cây cao. Nước bạc vỗ oàm oạp sập từng mảng đất phía lở dòng. Con trâu treo sừng trên ngọn cây ấy ở Quế Lộc. Còn những bờ bãi sạt dần theo dòng lũ thì dài theo hành trình của dòng sông. Năm tháng qua đi, bao nhiêu lần bến sông dời sào chuyển bến, lòng người vẫn kiên gan. Hết lũ, hạt giống gieo xuống, cây lại nảy mầm, đất lại xanh. Những nóc nhà sau hàng chục lần dựng lại, vẫn đủ sức chở che cho người.
Chúng tôi qua đò Giao Thủy, nước Thu Bồn lấp lánh dưới nắng chiều. Trên sông Mẹ, những con đò vẫn miệt mài ngang dọc, chở những cuộc mưu sinh…
-------------
Bài 2: Phận người, đời sông
Những phận người - tuy không làm những cuộc thiên di cùng dòng sông, nhưng câu chuyện đời họ đủ để làm nên những ký ức sông Thu…
Ghi chép của PHƯƠNG GIANG