Giúp người khuyết tật hiểu pháp luật
(QNO) - Một chương trình tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật (NKT) vừa được tổ chức tại TP.Hội An, góp phần tạo cơ hội và là cầu nối quan trọng giúp NKT nâng cao hiểu biết về pháp luật.
Chương trình tư vấn pháp luật do Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) đang triển khai tại miền Trung. Tham gia vào chương trình này là cán bộ NKT và NKT, có nhu cầu tư vấn về pháp lý đối với các vấn đề của bản thân. Qua đó, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cán bộ hội người NKT và NKT trong công tác hỗ trợ pháp lý, vận động chính sách và bản thân có thể tư vấn pháp luật miễn phí cho NKT. Đồng thời, tăng cường sự hòa nhập xã hội và sự phát triển bình đẳng của NKT Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy các cơ hội tiếp cận pháp lý cho NKT.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc ACDC trực tiếp hướng dẫn cho NKT tại buổi tư vấn. |
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc ACDC, cho biết: “Chương trình của chúng tôi triển khai từ năm 2012, năm này tập trung tại khu vực miền Trung. Tham gia chương trình là các luật sư, cán bộ tư vấn dày dạn kinh nghiệm. Họ sẽ nghe và tư vấn trực tiếp cho từng trường hợp, giúp NKT giải quyết những vấn đề cụ thể của bản thân”. Theo bà Lan Anh, ngoài sự trợ giúp trực tiếp tại các buổi tư vấn miễn phí, ACDC còn tư vấn qua mail, tin nhắn điện thoại, điện thoại hoặc mạng xã hội facebook, thậm chí đến tận nhà tư vấn.
Sở dĩ có nhiều hình thức như trên vì đối tượng NKT rất đa dạng như khiếm thính, khuyết tật tay chân... Với những trường hợp nằm tại chỗ không đi lại được, ACDC sau khi nhận được thông tin cần tư vấn, sẽ có luật sư, cán bộ tư vấn đến tận nhà gặp NKT, tư vấn tận tình giúp NKT. Chương trình của ACDC sẽ tập trung ở những vùng dân cư còn nghèo khó, vùng sâu vùng xa, nơi NKT không có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tư vấn pháp luật.
NKT đã được các luật sư, cán bộ tư vấn trả lời vấn đề một cách cụ thể, rõ ràng. |
Đến tham gia buổi tư vấn, bà Nguyễn Thị Liễu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ NKT nữ TP.Hội An cần tìm hiểu hai vấn đề. Điều đầu tiên bà Liễu quan tâm là tại sao cũng là NKT nhưng có người được cấp thẻ BHYT, có người không được. Điều thứ hai là đối với bản thân bà, vừa là con liệt sĩ neo đơn, vừa là NKT thì chỉ được hưởng một chế độ của con liệt sĩ neo đơn. Vấn đề của bà Liễu đã được cán bộ tư vấn giải thích cặn kẽ. Thứ nhất, NKT được cấp thẻ BHYT chỉ khi có quyết định công nhận người đó là NKT, người nào chưa có quyết định này thì chưa được cấp thẻ BHYT. Thứ hai, bà Liễu chỉ được hưởng một chế độ cao hơn theo quy định của pháp luật, do đó bà chỉ được hưởng chế độ con liệt sĩ neo đơn. Được trả lời cụ thể, bà Liễu hài lòng: “Tôi vừa là NKT vừa là chủ nhiệm một câu lạc bộ, nên vấn đề chị em thắc mắc tôi phải đi hỏi để có thể trả lời thỏa đáng”.
Ông Thái Vinh (phường Minh An, TP.Hội An) thắc mắc: “Tôi có vợ con ở huyện khác, vợ tôi là con liệt sĩ, giờ tôi phải làm sao để chuyển vợ con về Hội An sống nhưng vợ tôi không mất chế độ dành cho con liệt sĩ, con tôi có thể học tại Hội An được? Con của NKT đi học có được miễn giảm học phí không?” Mong muốn của ông Vinh thực sự khá nan giải, vì thế ông được khuyên nếu muốn cả hai thì rất khó. Hoặc là vợ ông cắt khẩu về Hội An sống nhưng không hưởng chế độ, hoặc chỉ chuyển con ông về còn vợ thì không chuyển. Con ông phải được chuyển khẩu về Hội An trước 6 tháng khi bắt đầu năm học mới thì mới được vào học tại các trường ở nơi mới theo quy định. Riêng chế độ miễn giảm học phí dành cho con của NKT hiện chưa có quy định nào như vậy, chỉ có quy định con thương binh liệt sĩ, nhà nghèo, đặc biệt khó khăn, NKT... mới được hưởng chế độ miễn giảm học phí và các khoản khác.
Tất cả 40 NKT đến với buổi tư vấn pháp luật đều đoược giải đáp các thắc mắc một cách cặn kẽ. Bao gồm chế độ cấp đất, hỗ trợ làm nhà, vay vốn làm ăn, quy định về mức độ khuyết tật, cấp thẻ BHYT, việc làm, những ưu tiên dành cho NKT, chế độ dành cho con em NKT đi học... Tất cả những vấn đề trên đều được các luật sư của ACDC và cán bộ tư vấn thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam trả lời cụ thể, rõ ràng nhất. Điều đó khiến NKT đến với buổi tư vấn rất hài lòng.
DIỄM LỆ