Người Quảng ở Đắc Chưng

NGUYỄN DƯƠNG 01/05/2014 09:39

Tôi đọc được nỗi đau đáu nhớ nhà trong ánh mắt của những người Quảng sống ở Đắc Chưng (Lào) khi mỗi chiều nắng hạ dần sau ngọn núi. Nỗi nhớ ở nơi này như gấp vạn lần hơn…
ẤN tượng ban đầu của chúng tôi khi đặt chân đến Đắc Chưng (Lào) là cảnh nghèo xơ xác. Cơ sở vật chất ở trung tâm huyện lỵ cũng tạm bợ. Nhà cửa hầu như chỉ được dựng lên bằng những tấm gỗ sờn cũ trên nền đất chưa kịp đầm phẳng. Đường giao thông nông thôn là những vệt đỏ chạy dài theo đồng cỏ mênh mông, kéo dài tầm mắt xa tận ngút ngàn.

Mưu sinh xa xứ

Ở góc chợ cũ, lác đác những lều quán được dựng tạm với lẻ tẻ đôi ba mặt hàng. Chủ yếu hàng nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, hàng nội tìm thấy ở chợ là những lọ phấn rôm. Thấy chúng tôi đang loay hoay chọn mua vài thứ, người phụ nữ mở miệng, nói rặt tiếng Quảng Nam: “Người Việt hả? Nhìn cái biết liền. Cần mua chi, tui chỉ cho. Qua đây lạ nước lạ cái, lại bất đồng ngôn ngữ, dễ tốn tiền mà chẳng mua được cái mình muốn mô…”. Chị là Trịnh Thị Cường, quê gốc ở Bình Lâm (Hiệp Đức). “Chu choa, qua đây gặp người Việt mình là mừng lắm rồi chứ đừng nói là người Quảng nữa. Thường thì người ta có tiền, toàn qua mấy tỉnh giàu có của Lào mà kiếm cơm, chứ mấy huyện nghèo này thì người Việt cũng chỉ lác đác thôi. Như tụi mình đây, cố kiếm được đồng ra đồng vào là mừng rồi…”- vừa nói, tay chị vừa kéo chiếc ghế cho chúng tôi ngồi.

Chị Trịnh Thị Cường, trú tại Bình Lâm, Hiệp Đức đang bán hàng cho khách tại chợ huyện Đắc Chưng.
Một góc chợ huyện Đắc Chưng, Lào.

Chị Cường vốn là một giáo viên dạy cấp 2, nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy, cuối cùng hai vợ chồng lại dắt díu nhau qua Lào kiếm sống. “Ai cũng muốn có được công việc ổn định, thu nhập tuy thấp nhưng được ở quê nhà, gần cha mẹ. Nhưng cuộc sống vốn không như mình mong muốn, nên tôi phải gửi con cho nhà ngoại rồi đưa nhau qua đây. Vợ chồng tôi cố gắng tích góp được đồng vốn rồi quay về quê làm ăn” - chị Cường nói.

Quanh một góc chợ Đắc Chưng đã có đến 3 - 4 hàng quán là của người Quảng, tập trung nhiều nhất là người ở các xã của huyện Đại Lộc. Những mặt hàng buôn bán chủ yếu là nhu yếu phẩm, rau củ quả phục vụ cuộc sống hằng ngày. “Ở đây, người ta ăn không giống mình, phong tục cũng khác, nên để buôn bán thuận lợi cũng khó. Lúc đầu qua đây, cũng định buôn bán những mặt hàng như bún, mì Quảng hay bánh bèo… nhưng không ai dùng. Rồi lại phải loay hoay tìm cách chế biến những món đó từ của mình thành của họ, phụ hợp với khẩu vị của họ thì mới bán được” - bà Trần Thị Lài, quê Đại Hồng, huyện Đại Lộc nói.

Chị Trịnh Thị Cường, trú tại Bình Lâm, Hiệp Đức đang bán hàng cho khách tại chợ huyện Đắc Chưng.
Chị Trịnh Thị Cường, trú tại Bình Lâm, Hiệp Đức đang bán hàng cho khách tại chợ huyện Đắc Chưng.

Cả khu chợ trung tâm huyện Đắc Chưng chỉ duy nhất có tiệm sửa chữa đồng hồ, chủ nhân là anh Trung, quê ở Hiệp Đức. Anh cười, lý giải: “Hồi trước, tôi cùng bạn qua đây chơi, nhìn quanh chẳng thấy chỗ nào sửa đồng hồ, mà cái đó ở bên mình thì...một mét vuông vài ba anh thợ chữa. Rứa là quyết định học nghề qua đây lập nghiệp. Dù sao cũng kiếm được đồng ra đồng vào so với ở bên mình”.

Nhớ quê

Xa xứ nên ai cũng mang nỗi nhớ quê chung. “Nói rứa chớ răng mà không nhớ cho được. Muốn có được đồng vốn lận lưng rồi mới trở về quê làm ăn. Dù người dân ở đây rất hiền lành, chất phác, chính quyền địa phương cũng hết sức tạo điều kiện cho mình sinh sống nhưng ai cũng muốn chờ ngày về lại quê” - chị Lê Thị Nhạn, quê ở Tam Hiệp (Núi Thành) tâm sự. Theo chị Nhạn, người Việt nói chung và người Quảng Nam nói riêng đang sinh sống ở Đắc Chưng khá nhiều. Vì mưu sinh nên dắt díu nhau qua đây để kiếm sống. “Mới đầu lạ nước lạ cái, học lỏm vài đôi ba câu tiếng Lào, may mà có những anh chị qua trước giúp đỡ nên khó khăn cũng bớt dần. Chỉ cần nộp thuế đầy đủ, buôn bán đàng hoàng thì chính quyền tạo điều kiện hết. Làm ở đây vài ba năm rồi, cố gắng dành dụm, tiết kiệm thì cũng kiếm được ít vốn để về mình mà làm ăn” - anh Phan Minh Mạnh, quê Đại Lộc cho biết.

Ông Nuphet Chanthamat, Phó Huyện trưởng huyện Đắc Chưng cho biết, người Việt trong mấy năm trở lại đây qua làm ăn, sinh sống trên địa bàn huyện khá nhiều. Huyện cũng cố gắng để tạo điều kiện tốt cho họ sinh sống. “Dù gì cũng là anh em một nhà. Mình qua bạn, bạn cũng tạo điều kiện, giúp đỡ vậy thôi. Việt - Lào vốn có truyền thông lâu nay như vậy rồi. Mỗi dịp lễ, tết, mình cũng mời người Việt cùng tham gia cho vui, thắt chặt thêm tình hữu nghị” - ông Nuphet Chanthamat nói.

Tháng Tư, người Lào ăn tết cổ truyền Bunpimay, từng nhóm người quây thành vòng tròn, cùng nâng ly rượu chúc an lành, cùng say sưa nhảy điệu lăm vông. Ở nơi đó, thấp thoáng những người con Quảng Nam đang miệt mài mưu sinh. Họ hòa mình vào điệu nhảy của người anh em Đắc Chưng, như để vơi bớt những nhọc nhằn và nỗi niềm xa xứ…

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG