Hoa đỏ Điện Biên lan tỏa núi Bồ Bồ
Những bước đi chiến lược
Trong kế hoạch chiến lược đông xuân 1953 - 1954 của địch, Tướng Na-va Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương xác định: Để thắng được Việt Minh phải giữ thế phòng ngự vững chắc ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam. Đặc biệt là tiến công chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5, một địa bàn quan trọng về nhân - tài - vật - lực và chiến lược quân sự của Việt Minh. Vì vậy, Na-va đã tập trung vào chiến trường Liên khu 5 một lực lượng cơ động khá đông. Mục đích của Na-va trong việc tập trung lực lượng lần này là để mở một cuộc hành quân mang tên Át-lăng trên chiến trường Liên khu 5.
Sơ đồ trận tập kích Bồ Bồ. |
Trước âm mưu và kế hoạch chiến lược đó của địch, Khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết tâm đập tan kế hoạch Na-va và cuộc hành quân Át-lăng của chúng. Do đó, quyết định điều động Trung đoàn chủ lực của Liên khu lên Tây Nguyên mở cuộc tiến công chiến lược đánh chiếm Bắc Tây Nguyên nhằm đập tan âm mưu bình định miền Nam của Na-va.
Lúc này, lực lượng địch tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng có 9 tiểu đoàn, chúng điều thêm 6 tiểu đoàn ở các nơi khác về đồng thời củng cố Trung đoàn ngụy Võ Tánh có 2 Tiểu đoàn 253 và 254. Đưa các đại đội Commando (đội cảm tử) trong nội thành Đà Nẵng ra ngoài tăng cường tuyến phòng ngự Nam Bắc sông Cẩm Lệ thành lập phân khu Quá Giáng nơi vĩ tuyến 16. Trong thời gian này, trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, từ vùng tự do ra vùng bị chiếm, đi đến đâu cũng thấy không khí sôi nổi của nhân dân với khẩu hiệu: “Quyết tâm đập tan kế hoạch Na-va!”; “Tất cả cho tiền tuyến - tất cả để chiến thắng”.
Lo sợ Đà Nẵng bị thất thủ, Bộ Chỉ huy quân Pháp tại chiến trường khu 5 vội vã điều lực lượng cơ động ứng chiến từ Tây Nguyên về để cứu nguy cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 16.7.1954 chúng triển khai cuộc hành quân “Con báo” dưới sự yểm hộ của máy bay, xe tăng và pháo binh mở đường cho chiến đoàn cơ động hỗn hợp gần 1 nghìn quân chia làm 2 mũi tiến vào vùng căn cứ du kích tây Điện Bàn đánh chiếm cao điểm Bồ Bồ.
Điện Biên Phủ ở đất Quảng
Qua phân tích đánh giá tình hình địch và ta sau chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ, thế ta đang thừa thắng xông lên, thế địch đang hoang mang dao động, nhiều nơi quân ngụy tan rã mang súng chạy về với cách mạng… Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam quyết định: Tập trung lực lượng tổ chức trận tập kích đánh vào căn cứ chiến đoàn hành quân của địch ở Bồ Bồ trong lúc chúng mới đến chưa quen thuộc địa hình, thế đứng chân chưa vững. Lực lượng của ta tập kích đánh lên Bồ Bồ gồm có Tiểu đoàn 20 do đồng chí Lê Bàng - Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy, được tăng cường Đại đội 22 trợ chiến, Đại đội bộ binh 64 độc lập, trung đội trinh sát - đặc công của Đại đội 15, trung đội của Đại đội 61, trung đội của Đại đội 26 Điện Bàn làm nhiệm vụ “đón lõng”, cùng với 500 dân quân du kích tập trung và 600 dân công hỏa tuyến được huy động ở một số xã trong huyện Điện Bàn.
Điểm cao trọng yếu Đồi Bồ Bồ thuộc thôn Châu Sơn, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, nằm trong vùng núi Đất Sơn. Cụm núi này có 5 điểm cao chạy từ tây sang đông, trong đó Bồ Bồ là điểm cao nhất cụm với độ cao 55m so mặt nước biển khống chế một vùng rộng lớn cả ba huyện: Đại Lộc, Điện Bàn và Hòa Vang. Chiến thắng Bồ Bồ được xem là trận đánh lớn nhất và chiến thắng oanh liệt nhất của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời kỳ chống Pháp, thường được gọi là “Điện Biên Phủ trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng”. |
Trận đánh bắt đầu vào đêm 18 rạng ngày 19.7.1954. Toàn bộ hỏa lực của ta bất ngờ dồn dập nã đạn vào các cao điểm, trận địa pháo, bãi xe của địch. Các mũi xung kích xông lên các cụm quân địch, thực hành đánh thọc sâu, bao vây, chia cắt đội hình địch ra từng mảng, dùng thủ pháo, lựu đạn, tiểu liên... tiêu diệt hết bộ phận này đến bộ phận khác, một số xe tăng, xe thiết giáp địch bị bốc cháy sáng rực trên núi Bồ Bồ... Sau 2 giờ chiến đấu quyết liệt, trước sức tấn công dũng mãnh và ngoan cường của bộ đội ta đã dập tắt sự ngoan cố chống trả trong tuyệt vọng của địch, trận đánh kết thúc. Kết quả: Ta đã tiêu diệt gần 400 tên địch, bắt sống 293 tên (hầu hết là lính Âu Phi), trong đó có tên Đại tá Cami Lét-ti Phê-lít chỉ huy cuộc hành quân lên chiếm núi Bồ Bồ. Ta đã thu 124 súng các loại, phá hỏng 10 xe, phá hủy khu thông tin, trận địa pháo và hàng trăm súng khác. Ta đã chiến thắng và làm chủ núi Bồ Bồ. Đây là trận đánh chứng minh sinh động sức mạnh tổng hợp của phong trào chiến tranh nhân dân, trong điều kiện không có lực lượng chủ lực của Liên khu 5 chủ công nhưng đã đánh thiệt hại một chiến đoàn cơ động hỗn hợp của địch, đập nát hoàn toàn cuộc hành quân “Con báo” của quân viễn chinh xâm lược Pháp trên núi Bồ Bồ trước một ngày Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở 3 nước Đông Dương được ký kết.
Nhờ biết phát huy chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, học tập tinh thần Điện Biên Phủ, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã dũng mãnh thừa thắng xông lên đánh thắng trận Bồ Bồ góp phần tô thắm thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam.
“Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng…”. Và hoa đỏ Điện Biên đã lan tỏa mùi hương chiến thắng rực rỡ trên núi Bồ Bồ Quảng Nam.
Đại tá NGUYỄN TRÍ TỔNG
(Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu 5)