Văn nghệ sĩ cần tiếp tục tạo đột phá trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật đất Quảng

23/04/2014 17:26

LTS: Hôm nay 23.4, Đại hội Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam diễn ra tại TP.Tam Kỳ. Đại hội vinh dự có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu tại Đại hội (tít chính và các tít phụ của bài do tòa soạn đặt).

  • Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019)

Một đời sống văn nghệ sinh động, lành mạnh

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, văn học, nghệ thuật đã góp phần to lớn xây dựng nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc, tạo nên cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam, bản lĩnh dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải
Đồng chí Nguyễn Đức Hải

Từ khi có Đảng, đội ngũ trí thức nói chung, trí thức trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật nói riêng một lòng tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, thực sự là những người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đã cống hiến, hy sinh góp phần giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Nhiều văn nghệ sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Nam “trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, xuất phát từ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, mà trọng tâm là tập hợp và phát huy sáng tạo của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, nên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng sớm được thành lập và là một trong những hội địa phương mạnh của cả nước. Khi tỉnh Quảng Nam được tái lập vào năm 1997, thì Hội VHNT tỉnh cũng đã được nhanh chóng củng cố và hoạt động. Trong bối cảnh khó khăn của một tỉnh mới tái lập, anh em văn nghệ sĩ luôn đồng hành cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong xây dựng và phát triển Quảng Nam.

Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng vai trò đội ngũ trí thức văn học - nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nói chung, trong phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh nói riêng. Xác định văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, nên nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội VHNT tỉnh trong việc tập hợp và tổ chức các hoạt động sáng tác với tinh thần tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ để đóng góp vào sự nghiệp phát triển của tỉnh Quảng Nam.

Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà, chúng ta vui mừng nhận thấy Hội VHNT tỉnh đã không ngừng  đổi mới nội dung và phương thức hoạt động và có bước phát triển . Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; phần lớn các hội viên Hội VHNT Quảng Nam giữ vững vai trò nòng cốt trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà, nhiều hội viên giữ vị trí chủ chốt của  ngành văn hóa từ tỉnh đến các địa phương; một số hội viên tiêu biểu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, huân chương lao động và các giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

Hội VHNT tỉnh đã thể hiện rõ vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ. Ngoài việc duy trì tốt các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của hội viên như tổ chức các trại sáng tác, tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm, tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu hàng năm, nâng cao chất lượng tạp chí Đất Quảng, tham gia triển lãm khu vực, tham gia các giải thưởng quốc gia, quốc tế, tổ chức xét và trao thưởng VHNT của tỉnh hàng năm… Hội đã thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng, sinh hoạt chính trị nhằm giúp hội viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, đường lối trong lĩnh vực phát triển văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng.

Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, hầu hết văn nghệ sĩ của tỉnh luôn tỏ rõ sự vững vàng về chính trị, tâm huyết trong sáng tạo các tác phẩm văn học - nghệ thuật, góp phần cổ vũ, động viên các phong trào của tỉnh, không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự tác động của các trào lưu văn hoá xa lạ, ngoại lai; nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khắc họa sinh động đời sống xã hội, cùng truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc về vùng đất và con người xứ Quảng.

Có thể khẳng định, Hội VHNT và giới văn, nghệ sĩ tỉnh nhà đã góp phần quan trọng, tạo nền tảng tinh thần cho xã hội và thực hiện tốt việc giao lưu văn hóa giữa vùng miền, khu vực và thế giới, đưa hình ảnh về con người, vùng đất văn hóa Quảng Nam giàu bản sắc đến với đông đảo công chúng, bạn đọc trong nước và thế giới. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận và biểu dương những thành quả của Hội VHNT và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Nâng tầm hoạt động văn học - nghệ thuật

Về nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đến. Tôi cơ bản thống nhất về định hướng và những nhiệm vụ, giải pháp mà báo cáo của Ban Chấp hành đã trình tại Đại hội. Tôi mong rằng, Đại hội sẽ đề ra những giải pháp nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian đến.Tôi bàn thêm một số nội dung sau đây để đại hội nghiên cứu, vận dụng.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải trò chuyện cùng văn nghệ sĩ tại đại hội. Ảnh: SONG ANH
Đồng chí Nguyễn Đức Hải trò chuyện cùng văn nghệ sĩ tại đại hội. Ảnh: SONG ANH

Thứ nhất, trong nhiệm kỳ đến, cần có những giải pháp cơ bản để tạo sự đột phá về phát triển nền văn học, nghệ thuật tỉnh nhà xứng tầm với vùng đất  “địa linh, nhân kiệt”, vùng văn hóa truyền thống xứ Quảng, vì sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, vừa có tác dụng to lớn góp phần vào việc giáo dục, hình thành nhân cách con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Giải pháp cơ bản nhất là phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động và phát huy vai trò cá nhân trong sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Bởi vì, hầu hết các tác phẩm văn học, nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi người, nếu không phát huy được sự sáng tạo của mỗi cá nhân thì sẽ không có tác phẩm. Tất nhiên, mỗi cá nhân cần dựa vào tập thể, cộng đồng, tổ chức nghề nghiệp để nâng mình lên, sáng tạo nhiều tác phẩm đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.

Thứ hai, cần có các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt vị trí, vai trò của Hội VHNT trong việc tập hợp và phát huy khả năng sáng tạo của từng hội viên; thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm là một hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Nam.

Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá, vì vậy, tôi đề nghị Hội VHNT tỉnh, các hội chuyên ngành phối hợp với các cơ quan chức năng của cấp ủy đảng và chính quyền nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu của thực tế, để có những định hướng, hướng dẫn hội viên sáng tác, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của đời sống tinh thần, những khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, góp phần phát triển tỉnh Quảng Nam và xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc… Chú trọng vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ yêu cầu tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, phản ảnh các hoạt động thực tế của đời sống xã hội, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sáng tác và quảng bá các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, các tác phẩm theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phát triển văn học - nghệ thuật các dân tộc miền núi; giới thiệu đất và người xứ Quảng với bạn bè thế giới; quan tâm tuyển tập các tác phẩm văn học và dịch ra tiếng nước ngoài... Ngoài ra, hội cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý hội viên, quan tâm đến đời sống, hỗ trợ hoạt động sáng tác của từng hội viên …

Trong tình hình, điều kiện mới - điều kiện cả nước đang thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nhĩa và hội nhập quốc tế, Hội VHNT tỉnh cần có những giải pháp đổi mới về cơ chế quản lý và hoạt động nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư và phát triển hội. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, cần có những cơ chế trong việc quảng bá các tác phẩm; gắn với thị trường để mang lại hiệu quả kinh tế trong sáng tạo văn học, nghệ thuật… Nghiên cứu để các tác phẩm của văn nghệ sĩ tham gia vào một số lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, xuất bản điện tử, số hóa... nhằm nhanh chóng phổ biến, phát hành rộng rãi hơn trong và ngoài tỉnh. Các tác phẩm có giá trị được nhà nước mua lại, sưu tầm trưng bày trong thư viện, bảo tang, công trình văn hóa.

Thứ ba, hoạt động văn học - nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng nhằm biểu dương các phong trào hành động cách mạng, tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái mới, tích cực, tiến bộ, nhưng đồng thời phải phê phán, lên án cái xấu, cái ác, các biểu hiện lạc hậu, sự tha hóa về nhân cách. Ngòi bút, lời ca, tiếng hát, các tác phẩm của giới văn nghệ sĩ sẽ đóng góp tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Tuy nhiên, không vì phê phán cái xấu, cái ác mà quá tập trung, chỉ viết về mặt trái của xã hội, làm cho mọi người thấy xã hội toàn là hiện tượng tiêu cực mà quên đi việc đề xuất những định hướng mang tính xây dựng để định hướng khắc phục cái xấu, hạn chế cái ác làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Tác phẩm văn học nghệ thật là phản ảnh các sự việc đã và đang xảy ra trong đời sống xã hội và dự báo phát triển, nên phải phản ảnh một cách chân thực, đúng đắn bản chất, quy luật khách quan; không được đưa ý kiến chủ quan không có cơ sở khoa học và thực tiễn, bôi đen hoặc tô hồng quá đáng.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị Hội VHNT tỉnh, anh chị, em văn, nghệ sĩ tỉnh nhà tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, ngăn chặn tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm văn hóa không phù hợp với thuần phong, mỹ tục cũng như chống lại xu hướng phát triển của dân tộc, của tỉnh Quảng Nam. Kiên quyết không để các lực lượng thù địch lợi dụng hình thành các tổ chức bất hợp pháp với mục đích chia rẽ, phá hoại.

Thứ tư, hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật là lao động sáng tạo có tính đặc thù cao, mang đậm dấu ấn cá nhân và cần được tôn trọng và tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, mỗi văn, nghệ sĩ phải có bản lĩnh chính trị, tài năng, tâm huyết và vốn sống mới có thể sáng tạo được.

Chúng ta khẳng định rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ là đội ngũ trí thức quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; đội ngũ trí thức cùng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân là nền tảng của Nhà nước ta. Vì vậy, tôi yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức Hội VHNT phải thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để văn, nghệ sĩ nâng cao bản lĩnh chính trị, biết ứng xử trước cuộc sống vốn hết sức phong phú, đa dạng, phức tạp; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng về đường lối cách mạng Việt Nam nói chung, đường lối văn hóa, văn học - nghệ thuật nói riêng; gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng, hòa mình trong cuộc sống lao động của nhân dân, tích lũy vốn sống, cảm nhận được hơi thở của cuộc sống để khơi dậy và nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo của mình phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân.

Thứ năm, đề nghị Ban Chấp hành mới có chương trình hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng, trong đó có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 23, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đồng thời, phối hợp tốt với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền Mặt trận, đoàn thể để xây dựng và phát triển đội ngũ văn, nghệ sĩ của tỉnh trong thời gian đến.

Tích cực và chủ động hơn trong vai trò tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh các cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đối với hoạt động của hội và các văn nghệ sĩ như cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sĩ có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội…

Hoạt động của Hội VHNT là hoạt động chuyên nghiệp, nhưng đề nghị Hội VHNT chú ý tăng cường phối hợp cùng các ngành, các cấp thúc đẩy xây dựng, phát triển văn hoá - văn nghệ quần chúng; hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy văn nghệ dân gian Quảng Nam trong thời gian đến như như hô hát bài chòi, dân ca Quảng Nam, nghệ thuật tuồng, hát lý và các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đưa tác phẩm văn hoạc, nghệ thuật của hội đi vào quần chúng, nhân dân, phát huy bản sắc đặc sắc của vùng văn hóa xứ Quảng. Hội phải là cầu nối với các văn nghê sỹ quê hương ở các vùng miền trong cả nước ở TP.Đà Nẵng anh em, tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… mở rộng giao lưu quốc tế.

Nhân đây, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để Hội VHNT tỉnh, các hội chuyên ngành, các văn nghệ sĩ thâm nhập thực tiễn, tìm hiểu, nắm bắt các chủ chương đường lối, chính sách phát triển kinh tế -xã hội, văn hóa, văn nghệ, tôn trọng tự do sáng tạo của văn, nghệ sĩ, động viên, hướng dẫn, tôn vinh văn nghệ sĩ có những tác phẩm có giá trị cao. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hoạt động hiệu quả cuả Hội VHNT hơn nữa trong thời gian đến.

Tôi tin tưởng rằng với đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Nam ngày một lớn mạnh trong Đại hội lần này sẽ có bước trưởng thành và đóng góp có hiệu quả hơn nữa trong thời gian đến.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi chân thành cảm ơn Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các cơ quan, hội chuyên ngành Trung ương, các văn nghệ sĩ người Quảng Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc và các văn nghệ sĩ của các tỉnh, thành bạn đã gắn bó với Quảng Nam, quan tâm giúp đỡ các hoạt động của Hội VHNT tỉnh trong những năm qua.