Sự hối hận muộn màng
Trong lúc chờ nghị án, nhiều người dân thôn Phiếm Ái 1 (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) đã chạy đến bên bị cáo dúi vào tay những đồng tiền còn chưa ráo mồ hôi của mình và dặn dò phải chấp hành án tốt để làm lại cuộc đời. Nhìn những khuôn mặt thân quen, bị cáo òa khóc nức nở. Tiếc thay, sự hối hận đã quá muộn màng…
1. Khoảng 20 giờ ngày 18.9.2013, sau khi giúp hàng xóm chuyển đồ đạc để tránh lũ, Võ Ngọc Long (SN 1986, trú thôn Phiếm Ái 1) về nhà mình để chằng chống nhà cửa. Khi tìm chiếc đèn pin trong nhà không thấy, Long nghi ngờ người hàng xóm là Trương Văn Hải (SN 1947) lấy trộm. Qua nhà ông Hải, Long hỏi: “Chú có lấy đèn pin của con không?”. Ông Hải trả lời: “Đèn pin chi mà lấy? Sao mi lại nói tao lấy?”. Do trước đó đã uống rượu nên Long không còn tỉnh táo mà một mực cho rằng ông Hải lấy trộm đèn pin của mình. Chỉ một lúc sau, Long và ông Hải xảy ra xô xát. Dù được Trương Thị Đào (SN 1996, cháu gọi ông Hải bằng bác) can ngăn nhưng Long vẫn khăng khăng với ông Hải: “Nếu chú không trả đèn pin là tôi đâm chú đó”. Tưởng Long chỉ dọa, ông Hải quay sang bảo, “Mi có giỏi thì đâm đi, chứ tao lấy đèn pin của mi làm gì”. Long bước tới, đẩy Đào ngã sóng soài giữa nhà. Thấy vậy, ông Hải bực tức, tiện tay, ông rút chiếc thanh giường ra định đánh Long vì vu oan cho ông và làm ngã đứa cháu gái. Long liền chạy về nhà, lấy chiếc cuốc chĩa 3 răng và một con dao phay chạy sang nghênh chiến với người hàng xóm, hai bên xô xát với nhau một hồi. Thấy Long cầm dao với thái độ hung hãn, Đào liền kêu lên: “Bác Hai ơi, coi chừng hắn có dao kìa!”. Thừa lúc ông Hải nhìn qua phía Đào, Long dùng dao đâm thẳng vào phía dưới ngực phải của ông Hải. Ông Hải chạy vào đến hiên nhà thì gục xuống. Sau khi đâm ông Hải, Long bỏ chạy về nhà. Rồi lương tri thức tỉnh, Long chạy sang và cùng mọi người băng bó vết thương cho ông Hải, trong lòng thầm mong người hàng xóm qua cơn nguy kịch. Thế nhưng, sự thức tỉnh đã quá muộn màng, ông Hải đã tử vong ngay sau đó…
2. Chúng tôi gặp bà Trần Thị Bốn (SN 1952), mẹ của Võ Ngọc Long ngay tại đám tang ông Trương Văn Hải. Từ miền Nam, nghe tin con trai gây ra tội tày đình, bà tức tốc đón xe về tạ lỗi với gia đình người hàng xóm. Bà ngồi lặng lẽ, khuôn mặt đau đớn hiện lên trên theo nếp nhăn. Kể chuyện với chúng tôi, bà không khóc. Nhưng từng lời của bà khiến người nghe quặn cả lòng.
Bà bắt đầu câu chuyện về người hàng xóm quá cố. Gia đình bà và gia đình ông Hải thân nhau từ rất lâu. Hàng xóm láng giềng, nhất là ở miền quê nghèo khó này, họ quý nhau ở cái tình người. Ông Hải xem Long như con cháu trong nhà. Bởi thế, mấy tháng lao động ở Bình Dương bà vẫn gọi điện về nhờ ông Hải trông cậu con trai út giúp mình. Bà bảo: “Vợ chồng ông ấy (ông Hải - NV) hiền lành lắm. Vợ ông ấy cũng như tôi, vào miền Nam phụ giúp con cái. Ông bà có 5 người con thì cả 5 đều ở xa cả. Nhà tôi các con cũng đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn một mẹ một con. Vì cả hai gia đình hoàn cảnh đơn chiếc nên thông cảm, tối lửa tắt đèn có nhau. Thằng Long nhà tôi vẫn thường chạy sang bên ấy ăn cơm. Vậy mà ngờ đâu, nó lại trả nghĩa hàng xóm bằng nhát dao oan nghiệt”.
Kể về Võ Ngọc Long, bà Bốn cho biết, Long là con trai út trong 4 người con của bà. Từ nhỏ, Long đã thể hiện tính khí nóng nảy. Bình thường, Long cũng hiền lành nhưng hễ uống rượu vào là trở chứng...
3. Mới đây, tại UBND xã Đại Nghĩa, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên lưu động, xét xử sơ thẩm hành vi giết người của Võ Ngọc Long. Đứng trước tòa và đông đảo người dân trong xã, Long đã bật khóc hối hận cho hành vi nông nỗi của mình. Long thú nhận, chỉ vì quá nóng nảy, lại thêm có men rượu trong người mà không làm chủ được bản thân. Giờ nghị án, nhiều người dân trong thôn chạy đến bên Long. Biết Long sai nhưng những người dân hiền hòa ấy vẫn vị tha và tin rằng Long sẽ tìm về nẻo thiện. Khi tòa tuyên Long lãnh án 20 năm tù giam, mọi người lặng im trong buồn bã. Nước mắt bà Bốn chảy dài trên gò má đã quá nhiều nếp nhăn. Một phụ nữ mang nhiều bệnh tật như bà, liệu 20 năm sau có còn sống để đón đứa con trai trở về…
PHƯƠNG NAM