Tuyển sinh vận động viên bóng đá lứa tuổi 10 - 13: Đãi cát tìm vàng

TƯỜNG VY 21/04/2014 09:15

Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) vừa tổ chức tuyển sinh vận động viên bóng đá ở lứa tuổi sinh vào các năm từ 2002 đến 2005 (10 - 13 tuổi) tại sân vận động Tam Kỳ. Quảng Nam là một trong 49 địa phương trên cả nước được PVF tìm đến để săn “vàng”.

Các cầu thủ nhí thi đấu dưới sự quan sát của HLV Hứa Hiền Vinh. Ảnh: TƯỜNG VY
Các cầu thủ nhí thi đấu dưới sự quan sát của HLV Hứa Hiền Vinh. Ảnh: TƯỜNG VY

Niềm đam mê bóng đá

Đợt tuyển sinh của PVF thu hút khá đông học sinh trên địa bàn Quảng Nam tham gia dự tuyển. Thông báo của Ban tổ chức là 8 giờ sáng mới thi tuyển, nhưng ngay từ sáng sớm, đã có hàng trăm thí sinh (TS) cùng người nhà chờ sẵn trước cửa sân vận động Tam Kỳ, cho thấy niềm đam mê và giấc mơ trở thành cầu thủ trong nhiều cậu bé đất Quảng. Một nhóm phụ huynh ngồi chờ bên ngoài sân vận động cho biết, họ chở con em bằng xe máy từ Tiên Phước xuống Tam Kỳ lúc 6 giờ 30. “Qua thông tin từ nhà trường, thấy các cháu cũng có năng khiếu và niềm đam mê nên chúng tôi quyết định đưa đến để thử sức. Nếu trúng tuyển thì quá tốt, còn không cũng thỏa mãn, qua đó biết được khả năng của con em mình đến mức nào. Sáng nay phải xin nhà trường cho cháu nghỉ học để đi thi” - anh Huỳnh Hữu Tiên (xã Tiên Phong) nói.

PVF là quỹ phi lợi nhuận, được thành lập năm 2008 nhằm mục đích khuyến khích, phát triển và bồi dưỡng tài năng bóng đá trẻ Việt Nam, đào tạo những thế hệ cầu thủ đủ thể lực và trình độ chuyên môn cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Học viên sẽ được huấn luyện bởi các HLV là những cựu danh thủ của bóng đá Việt Nam trong thời gian 10 năm. Học viên của PVF được đào tạo hoàn toàn miễn phí, học văn hóa, tiêu chuẩn ăn 200 nghìn đồng/ngày, được cấp tiền sinh hoạt phí 500 nghìn đồng/tháng, hỗ trợ tiền tàu xe về nghỉ hè. Sau 5 năm tổ chức tuyển sinh, hiện PVF đang đào tạo 180 học viên, trong đó Quảng Nam có 5 em.

Ngoài tình yêu bóng đá, có lẽ sức hút từ danh tiếng của PVF trong thời gian qua, nhất là sự hấp dẫn về chương trình đào tạo, huấn luyện bóng đá lẫn học văn hóa đã kéo nhiều bậc phụ  huynh đưa con em đến dự thi. Anh Nguyễn Minh Thành (huyện Phú Ninh) cùng vợ cũng rời nhà từ khá sớm để đưa đứa con trai út của mình đi thi. Anh Thành chia sẻ: “Mới học lớp 5 nhưng thằng nhỏ có mơ ước lớn lên trở thành cầu thủ. Ở nhà hễ rảnh chút nào là nó đi đá banh với bạn bè. Biết là rất khó được tuyển chọn nhưng thấy con thích quá nên hôm nay dẫn đi cho thỏa mãn. Hơn nữa, Quảng Nam lâu nay cũng không tuyển sinh lứa tuổi này. Ngoài ra, mình cũng biết, tuy là đào tạo thành cầu thủ bóng đá, nhưng các cháu cũng được PVF chăm lo việc học văn hóa chu đáo”. Do không có điều kiện, ở nhiều địa phương, các bậc phụ huynh còn nhờ thầy cô giáo ở trường hoặc cán bộ trung tâm, phòng VH-TT đưa con em mình đi dự tuyển.

Chứng kiến cảnh đông nghịt TS đến dự tuyển với mơ ước trở thành cầu thủ, những nhà tuyển trạch của PVF rất vui. Cựu cầu thủ Hứa Hiền Vinh, một trong những huấn luyện viên làm nhiệm vụ tuyển chọn của PVF chia sẻ: “So với các địa phương ở miền Trung mà chúng tôi tổ chức tuyển sinh trong thời gian qua, Quảng Nam là tỉnh có nhiều TS dự thi nhất. Điều này cho thấy niềm đam mê với bóng đá của người dân nơi đây rất lớn”.

Tìm “vàng”

Có thể nói, tuyển sinh cho được một tài năng bóng đá là câu chuyện khó khăn chẳng khác nào “đãi cát tìm vàng” cho dù đây mới chỉ là khâu đầu tiên của quá  trình đào tạo. Tuy nhiên, điều đó lại là rất quan trọng bởi trong số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn TS, sàng lọc để phát hiện, tuyển chọn chính xác một vài trường hợp thật sự có năng khiếu không phải dễ. Nội dung kiểm tra của PVF gồm các yêu cầu khá đơn giản như thi đấu, chạy 30m xuất phát cao, bật xa tại chỗ, chuyền bóng vào cầu môn, đo thể hình. Đầu tiên là cho các em thi đấu một cách khá thoải mái theo kiểu “mạnh ai nấy đá” mà không đặt vấn đề thắng - thua. Mỗi lượt 10 cầu thủ nhí chia làm 2 đội, sau khoảng 10 phút quần nhau với trái bóng, trận đấu sẽ kết thúc. Bài thi này chủ yếu để các huấn luyện viên (HLV) xem “chân” các em như thế nào. Tùy theo sự thể hiện của từng TS mà các HLV sẽ quyết định chọn ai. TS nào vượt qua vòng này mới được thử sức ở vòng tiếp theo.

Theo quan sát của chúng tôi, những TS có kỹ thuật khéo léo, biết cách chạy chỗ để nhận bóng hoặc chuyền bóng tốt cho đồng đội nhận được tín nhiệm cao. TS nào lọt vào tầm ngắm của HLV sẽ được ghi nhận các thông tin cá nhân như họ tên cha mẹ, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại để sau này liên lạc. Kết thúc ngày tuyển sinh, có một số trường hợp được ghi nhận thông tin. Dù vậy, TS nào được chọn vẫn còn là ẩn số. Theo HLV Hứa Hiền Vinh, sau khi kết thúc tuyển sinh tại 49 địa phương, PVF mới chấm chọn với phương thức lấy các TS có điểm từ cao đến thấp cho đủ chỉ tiêu 120 em nên bây giờ chưa thể nói trước được điều gì. Sau khi được tuyển chọn, các em sẽ tập trung tại Trung tâm Đào tạo của PVF ở TP.Hồ Chí Minh để tập luyện trong vòng 2 tháng dưới sự chỉ dẫn của các HLV. Đến tháng 8.2014, PVF sẽ tổ chức tuyển chọn lần nữa để lấy 50 em có khả năng tốt nhất và đào tạo chuyên nghiệp trong vòng 10 năm. Nhận xét về đợt tuyển sinh tại Quảng Nam năm nay, HLV Hứa Hiền Vinh nói: “So với những năm trước, năm nay số lượng TS ở Quảng Nam dự thi đông hơn khá nhiều. Tuy nhiên, chất lượng thì không bằng”.

TƯỜNG VY

TƯỜNG VY