Cũng là... thập loại chúng sinh
Tôi nghe đối thoại giữa ông thầy thuốc và bà già: “Răng mấy tháng qua, bác không đến con giúp cho?”. “Mắc đập lúa rồi tùm lum việc”. “Mấy bà hồi mô cũng rứa. Mà riêng chi mấy bà. Cái ông lái xe buýt, tôi đã nói rồi, tê hết tay phải, nghỉ mấy bữa tôi châm cứu cho, không nghe, chừ tê luôn, làm ăn chi nữa. Dân mình là rứa, bệnh nặng mới chạy đến thầy, được vài bữa ngó đỡ đỡ chút là nghỉ. Chữa kiểu đó thánh cũng không giúp được, nói chi tôi”.
Tôi cũng vậy. Đau đầu từ thời học đại học ở Huế, mà nguyên nhân là do... ngu. Cắm đầu đọc nhiều sách khó nhằn đến mức hoang mang, nên đau. Bạn bè bày đến Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế (nằm trong chùa Diệu Đế) ở Gia Hội. Thầy Tuệ Tâm nhìn tôi cười “dục tốc bất đạt”. Châm cứu. Đỡ. Nhưng, lại bệnh lười sinh viên, tham uống rượu, la cà, bệnh nặng thêm. Kéo dài nhiều năm, có lúc nó bay biến đâu mất. Bốn năm nay, bệnh trở lại. Tôi ra Hà Nội, vào Sài Gòn, bạn bè dẫn đến các giáo sư đầu ngành về thần kinh học, kết luận đau dây thần kinh số 5. Cho thuốc uống, không hết, tiền bay vèo vèo. Nghi ngờ tất cả. Lên gặp ông này, bắt mạch, phán: “Tắc mạch quá chừng. Nặng. Chịu khó đi, tôi châm sẽ đỡ”. Y chang luôn.
“Mấy ông bà ngang, nóng, lỳ lắm, bớt giận đi, sẽ đỡ”. Lời khuyên cho ai bị đau đầu. Có một người bạn nói: “Trong số sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, bán chạy nhất là sách nói về giận (sân)”. Nóng giận chiếm thành phần chủ yếu trong sự thất bại thân tâm. Làm sao bớt giận? Mênh mông ơi là mênh mông. Tôi nói với ông thầy: “Phòng khám của anh như “thập loại chúng sinh”. Nhà báo, thầy giáo, công an, thầy chùa, linh mục, tài xế, cán bộ văn phòng, nam phụ lão ấu, cư ngụ từ Dùi Chiêng Tí Sé đến Tây Nguyên. Chung quy, có mấy bệnh: đau đầu, lưng, liệt, dạ dày, suy gan, thận, mất ngủ”. Có bữa bỗng nhiên ông thầy nói với tôi, đầy ưu tư: “Bạn có tin không, từ đầu năm đến giờ, mình chữa cho hơn 100 người bị đau đầu, mất ngủ”. Tôi theo đuổi hơn một tháng, để ý 5 người đến thì 2 đau đầu, 2 đau lưng. Có người ra từ Sài Gòn, bảo bỏ công ty vì chữa 3 năm rồi nhưng đêm nào mắt cũng trợn dộc lên, thèm ngủ đến chết nhưng y như thằng trộm. Ra đây chữa được một tuần, ngủ được hơn 3 tiếng. Thần kỳ!
Ông thầy hiền lành, ân cần, giúp tận tâm, khuyên bảo thật lòng, không có kiểu dọa, nói quá. Ôi, đi chữa bệnh, cần cái nói đúng bệnh, vấn an tâm lý, thật lòng chữa hết bao nhiêu phần, chứ không cần anh hùng, tiểu nhân. Người ta đau mới đến thầy, mỗi chuyện đó đã thấy một trời đau khổ rồi, thấy mình nhũn như con chi chi rồi, dọa dẫm làm chi nữa. Lời thề của ngành y cũng chỉ là trên sách, còn thiên lương mỗi người sâu cạn, dò làm sao nổi. Nhưng, ở phòng khám này, tôi càng nghiệm ra cái thói tật không mới nhưng không bao giờ cũ của dân mình: ăn xổi ở thì! Đau triền miên, vái thập phương không hết, đến đây vài bữa, có dấu hiệu đỡ, thế là hối thúc: răng lâu rứa? Tôi nghe giải thích: “Bệnh bà, con chữa đỡ mỏi mệt, ngủ được, rồi mới vào bệnh chính. Không ăn ngủ được, sức đâu chống chọi bệnh?”. Không cần nghe, vài bữa thấy chưa chuyển, đi biệt luôn. Có hôm ông thầy bực: “Chữa bệnh chứ ai chữa tật. Bác bị liệt nhiều năm, con châm được một tuần, chân bắt đầu lê được rồi, bác ráng đi chứ, con cũng ráng, chứ bác biểu đi như thanh niên răng được?”. Bà cũng đi biệt, nửa tháng sau quay lại, chân sưng vù, con gái đi cùng nói đi cúng xin, thầy bói cho thuốc đắp, nên vậy. Nghĩ lạ. Dân ta có thói tin thầy bói hơn thầy thuốc. Có một chiêm tinh gia thuộc hàng cao thủ nói với tôi: “Trong các ông thầy, thì có một thầy không cần học hành chi, nhưng nói ai cũng nghe, mà không chịu trách nhiệm bao giờ về lời nói của mình, là thầy bói. Đọc vài ba cuốn âm dương ngũ hành đâu đó, thế là phán, ai nhập vào chi đó, cũng phán. Con nhang đệ tử đến xin, cứ thế y lời, chẳng biết phán đúng sai, tin sái cổ, lại lạy như tế sao, bao nhiêu tiền hốt đưa hết. Nhà đang yên, rước thầy về, thế là tan nát, mà chẳng dám trách một lời. Chứ thầy thuốc mà cho đơn sai, có chuyện lập tức.
Muốn biết độ kiên nhẫn của mình, cứ đến chỗ châm cứu. Đông y là phải đánh từ từ, khép vòng vây và tiêu diệt, chứ không như tây y đánh như đặc công “nở hoa trong lòng địch”. Không kiên trì, còn lâu mới hết. Lý lẽ này ai cũng biết, nhưng vốn như sự đời, khoảng cách giữa “tri” và “hành” thăm thẳm mịt mù. Viện cớ lâu hết, tốn tiền, mất thời gian, công việc nhà nhiều lắm, rồi ráng, ráng, ráng, đến khi đổ cái uỳnh thì “một đồng sợ tốn bốn đồng không đủ”. Nghĩ mãi, mới thấy ta không có tác phẩm lớn, công trình vĩ đại, thiếu sáng tạo bất ngờ rung chuyển hành tinh, là do không trường sức, mà trường sức có được từ kiên trì, thập diện mai phục. Cái câu “quân tử trả thù mười năm không muộn”, có nghĩa khác, là người ta có tầm nhìn xa hơn, không gà què ăn quẩn cối xay. Nghĩ ngắn, làm nhỏ, mang bệnh thời đại “tư duy toàn cầu, sản phẩm địa phương”, đó là tập tính của người Việt. Ông thầy nói: “Tôi làm không phải vì tiền, muốn người ta bớt đến để tôi còn chơi. Nhưng nghiệp rồi, không thể dứt. Khổ là đạo làm thầy cao một thước thì sự thiếu kiên nhẫn của bệnh nhân cao một trượng! Ai có đau thập tử nhất sinh mới biết quý mạng mình, mới biết phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ví dụ như bệnh dạ dày của anh, chắc chắn tôi chữa khỏi, bởi tôi từng… liều mạng như anh, nếm mùi đau khổ rồi, mới rút ra kinh nghiệm. Ở đời, cái gì quá, đều hỏng. Ô hô, nhưng nghĩ lại đi, cả tôi và ông lẫn đám đông đến rồi đi kia, thảy là thập loại chúng sinh, không thoát khỏi nghiệp trần ai gợi niềm cay đắng”. Đáp lại, là cái cười như mếu.
TRUNG VIỆT