Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Cán bộ tiếp dân phải chia sẻ, trân trọng ý kiến người dân"
Tại buổi làm việc với cán bộ Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo (KNTC), vào cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ ngày 1.7.2014 và khi luật đi vào cuộc sống, yêu cầu công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phải có chuyển biến thực sự, phải giảm được số vụ, số người KNTC.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC vừa qua của các cơ quan chức năng đã có nhiều kết quả, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong những dịp đất nước có sự kiện lớn. Tuy nhiên, việc số đoàn, số người đến KNTC ở Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tăng lên, trong đó có nguyên nhân từ việc nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điều này đòi hỏi mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân. Tiếp công dân là khâu quan trọng liên quan đến những vấn đề của công dân như tâm tư, nguyện vọng về chính sách, đầu mối thông tin về tiêu cực, tham nhũng... Vì thế công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phải được quan tâm. “Cán bộ tiếp dân phải tận tụy, có trách nhiệm với công việc được giao; có năng lực hiểu biết pháp luật để nắm sự việc; phải biết chia sẻ, trân trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân. Trụ sở tiếp công dân không phải là nơi nhận đơn thư mà phải là nơi tiếp dân đúng nghĩa, nơi lắng nghe, đối thoại, tiếp nhận, hướng dẫn dân, đôn đốc kiểm tra kết quả giải quyết KNTC của dân; đề xuất chính sách, giải quyết bất cập. Cán bộ phải gắn mình, đặt mình vào vị trí của người khiếu kiện để làm tốt nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết KNTC” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Phó Thủ tướng cũng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố sau khi rà soát, kiểm tra lại các vụ việc phải thông báo công khai kết quả giải quyết, tổ chức thi hành triệt để. Các vụ việc đã trao đổi, thống nhất biện pháp giải quyết với Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhất là các vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần tuyên truyền, vận động giải thích cho công dân đúng pháp luật, có lý, có tình. UBND các địa phương cần tiếp tục rà soát kiểm tra các vụ việc phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Thanh tra Chính phủ và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của mình.
* Tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày mai 22.4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì họp trực tuyến về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Tham gia họp trực tuyến, tại điểm cầu Hà Nội sẽ có các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và môi trường, LĐ-TB&XH, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công an; Thanh tra Chính phủ; Ban Nội chính Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
L.V (Theo chinhphu.vn)