Hoa Kỳ và Việt Nam chung tay xử lý điểm nóng dioxin tại Sân bay Đà Nẵng

QUẾ LÂM 19/04/2014 18:49

(QNO) - Sáng 19.4 Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.Hồ Chí Minh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Quân chủng Phòng không - không quân (thuộc Bộ Quốc phòng) tổ chức lễ đóng điện hệ thống xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng.
Nghi thức đóng điện hệ thống xử lý nhiệt tẩy dioxin tại Sân bay Đà Nẵng.
Nghi thức đóng điện hệ thống xử lý nhiệt tẩy dioxin tại Sân bay Đà Nẵng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng; phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ do Thượng Nghị sĩ Leahy - Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ dẫn đầu, cùng các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế tham dự.Theo ông JoaKim Parker - Giám đốc USAID Việt Nam, cách đây 7 năm Quốc hội Hoa Kỳ đã cung cấp khoản tài chính đầu tiên cho Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng” khoảng 400 nghìn USD và hiện nay tổng chi phí dự án đã tăng lên 84 triệu USD. Đây là vốn ODA không hoàn lại từ Chính phủ Hoa Kỳ và 35 tỷ đồng vốn đối ứng phía Việt Nam (do Quân chủng Phòng không - không quân thuộc Bộ Quốc phòng quản lý và thực hiện). Dự án sẽ xử lý khoảng 73 nghìn khối đất và bùn bị nhiễm bẩn, đáp ứng mục tiêu làm sạch dioxin trong bùn và đất trên tổng diện tích hơn 191.400m2 tại Sân bay Đà Nẵng (bao gồm hồ sen và khu đất ngập, khu vực pha trộn và chuyển tải, khu vực lưu trữ trước đây, mương thoát nước và khu vực trung tâm) sẽ được đào xúc, đưa vào một kết cấu bể chứa tại công trường và hấp giải nhiệt ở nhiệt độ cao (từ 335 độ C đến 700 độ C) khiến cho dioxin bị phân hủy. Đất và trầm tích sau khi xử lý sẽ được đưa ra khỏi kết cấu bể chứa và được kiểm tra để đảm bảo không còn ô nhiễm và “đất sạch” này sẽ được sử dụng san lấp mặt bằng tại Sân bay Đà Nẵng. Dự án sẽ giúp xây dựng năng lực cho Việt Nam để thực hiện các hoạt động xử lý tương tự tại các khu vực ở Việt Nam.  
Bể chứa 45 nghìn khối đất bùn nhiễm dioxin.
Bể chứa 45 nghìn khối đất bùn nhiễm dioxin.
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, dự án chính thức khởi công vào ngày 9.8.2012 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do khối lượng ô nhiễm tại công trường rất lớn, hoạt động đào xúc và xử lý đất và bùn nhiễm bẩn dioxin được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm phần lớn đất ở phía nam trong khu vực dự án và giai đoạn 2 gồm phần lớn bùn ở nửa bắc khu vực dự án. Đến nay, việc đào xúc giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản và bắt đầu đóng điện hệ thống xử lý nhiệt  bể chứa bằng diện tích một sân bóng đá chất đầy 45 nghìn khối đất và bùn nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng. Sau khoảng 4 tháng nữa, đất sẽ được lấy mẫu phân tích để khẳng định là “đất sạch”, sẽ được làm mát và chuyển ra khỏi bể chứa. Công tác đào xúc giai đoạn 2 bắt đầu trong năm 2014 và hoạt động xử lý được thực hiện tiếp theo vào cuối năm 2015. Dự kiến dự án hoàn thành và hoàn trả mặt bằng vào cuối năm 2016. Dự án được triển khai thành công sẽ tạo ra 29ha đất sạch sử dụng cho mục đích kinh tế, thương mại, làm mất nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm dioxin cho nhân dân xung quanh khu vực Sân bay Đà Nẵng, đồng thời đánh dấu sự phát triển về mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ.Đáng kể, dự án đã đặt mối quan tâm về sức khỏe và an toàn lên hàng đầu để bảo vệ mọi người làm việc cho dự án, cư dân TP.Đà Nẵng, cộng đồng xung quanh, nhân viên của Sân bay Đà Nẵng và hành khách tại Sân bay Đà Nẵng. Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, năm 2013 dự án triển khai giai đoạn 1 rất mạnh, mọi hoạt động xử lý môi trường được thực hiện nghiêm ngặt trong phạm vi khu quân sự của Sân bay Đà Nẵng. Các quy trình phù hợp được thực hiện nhằm đảm bảo đất, bùn, bụi và nước nhiễm bẩn không phát tán ra ngoài công trường dự án. Con số  4,5 triệu lượt hành khách đi đến Sân bay Đà Nẵng an toàn tuyệt đối trong năm 2013 là minh chứng. Trở lại Việt Nam lần này, Thượng nghị sĩ Patrich Leahy, Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ tâm sự: “Tôi rất vinh dự có mặt tại đây. Chúng tôi gồm 5 thành viên Đảng Dân chủ và Cộng Hòa của Quốc hội Hoa Kỳ. Ai cũng đều nhớ rõ những năm tháng chiến tranh giữa 2 nước... Đây là chuyến thăm thứ 2 của tôi đến Việt Nam. Vào lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1996, mục đích của tôi là giải quyết những nhu cầu của các nạn nhân bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại… Hôm nay, chúng ta có mặt ở đây là để ghi nhận những nỗ lực chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả của chất độc da cam”.                                                                                                                QUẾ LÂM

QUẾ LÂM