Bệnh truyền nhiễm đang hoành hành tại nhiều nước
Bệnh truyền nhiễm bùng phát tại không ít quốc gia khiến nhiều ca tử vong và nhiều trường hợp để lại biến chứng.
Mặc dù số ca tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận đã giảm 78%, từ 562 nghìn ca tử vong năm 2000 xuống còn 122 nghìn trường hợp trong năm 2012, nhưng hiện bùng phát rất phức tạp tại nhiều nơi. Từ đầu năm đến giữa tháng 2 năm nay, số ca nhiễm bệnh sởi tại Philippines đã lên con số đỉnh điểm với hơn 3.400 ca. Chính phủ Philippines đã công bố dịch sởi sau 23 ca tử vong và tổ chức tiêm phòng vắc xin trên quy mô lớn.
Tiêm phòng vắc xin là biện pháp ngăn ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất. |
Đến ngày 5.4, Singapore xác nhận có 80 người ở nước này mắc sởi, trong đó có 23 người từng đến Philippines. Số còn lại có một nửa là trẻ em không tiêm vắc xin. Mặc dù sẽ bị chính quyền phạt tiền nếu không đưa con đi tiêm chủng nhưng nhiều phụ huynh tại đảo quốc sư tử đã không thực hiện vì lo ngại rủi ro có thể xảy ra. Mới đây, các chuyên gia dịch tễ học tại New York (Mỹ) cảnh báo, đợt bùng phát dịch sởi khiến hàng chục người nhiễm bệnh gần đây ở thành phố này có thể xuất phát từ chính các cơ sở y tế do việc cách ly bệnh nhân không kịp thời của các y bác sĩ. Còn nhớ vào năm 2013, Bộ Y tế của Cộng hòa Công Gô báo cáo 54 nghìn ca mắc bệnh sởi và gần 800 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, các chuyên gia vi rút học đang lo ngại sâu sắc về dịch Ebola “chưa từng có tiền lệ” đang bùng phát tại Tây Phi từ đầu năm đến nay đã làm hơn 120 người thiệt mạng, gây rúng động thế giới. Vi rút gây bệnh được xem là “sát thủ” hàng đầu thế giới rất dễ lây lan, khả năng gây tử vong cao, trong khi chúng ta hiện vẫn chưa có cách chữa trị hay vắc xin phòng ngừa mà chỉ có thể ngăn chặn bằng cách cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và kiểm dịch tất cả những người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) đang bao trùm các nước vùng Vịnh. Cơ quan y tế Ả rập Xê út đang bắt tay vào một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh bùng phát đã kéo dài 18 tháng qua. Hồi cuối tháng 3 vừa qua, WHO cho biết đã có 206 trường hợp xác nhận nhiễm chủng vi rút MERS, trong đó có 86 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu ở Ả rập Xê út. Hiện vẫn chưa có vắc xin ngừa chủng vi rút này và các chuyên gia đang nỗ lực nghiên cứu. Nguy hiểm không kém, tại Malaysia hôm 16.4 ghi nhận một trường hợp tử vong do vi rút MERS.
Trước mối đe dọa của bệnh truyền nhiễm, Chính phủ Mỹ vừa phát động Chương trình an ninh y tế toàn cầu mới để đối phó các dịch bệnh truyền nhiễm. Vào cuối năm nay, Nhà Trắng sẽ tổ chức một sự kiện quy tụ các quốc gia cam kết bảo vệ thế giới khỏi các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm để đánh giá tiến độ và đưa ra cách thức tiến tới xây dựng một hệ thống toàn cầu phục vụ công tác ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các hiểm họa. Cũng trong vòng 5 năm tới, Mỹ có kế hoạch làm việc với ít nhất 30 nước đối tác (với tổng số dân tối thiểu là 4 tỷ người) để ngăn chặn, phát hiện và ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm.
KIM OANH