Cách làm hay của Mặt trận Đại Lộc

HOÀNG LIÊN 16/04/2014 10:25

Nhằm phối hợp thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm theo Nghị định 09/CP của Chính phủ, năm 2013, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” tại 18 xã/thị trấn trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Công Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc cho biết, để phong trào có chất lượng và đi vào chiều sâu, Mặt trận huyện và các xã/thị trấn đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tại nhiều xã, thị trấn các câu lạc bộ pháp luật ở các khu dân cư ra đời, được người dân đồng lòng hưởng ứng. Cùng với đó, hằng năm, Mặt trận huyện phối hợp với Công an huyện tổ chức từ 1 - 2 diễn đàn lắng nghe ý kiến của nhân dân trên quy mô cấp huyện, qua đó giúp ngành công an nâng cao vai trò, trách nhiệm thực tế hoạt động của ngành, đánh giá thái độ phục vụ của công an đối với nhân dân.

Quảng Đại 2 (Đại Cường) là thôn đi đầu trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ”. Ảnh: H.L
Quảng Đại 2 (Đại Cường) là thôn đi đầu trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ”. Ảnh: H.L

Ngoài ra, Mặt trận huyện thường xuyên tổ chức các buổi “Tọa đàm toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ”. Các buổi tọa đàm không chỉ là dịp để công an địa phương đánh giá cụ thể về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, đưa ra các biện pháp cảm hóa, răn đe, giáo dục một số đối tượng cá biệt mà còn là nơi để người dân giãi bày, hiến kế trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. “Tại tọa đàm, bà con cũng sẽ bỏ phiếu góp ý về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tố giác tội phạm, góp phần hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an trong đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn” - ông Nguyễn Công Thanh nói.

Đặc biệt, mô hình “Ánh sáng đường làng” đã hình thành tại 18/18 xã/thị trấn và được duy trì từ nguồn xã hội hóa do dân đóng góp. Tại các xã như Đại Hòa, Đại An, Đại Cường, Đại Nghĩa… 100% khu dân cư đã xây dựng xong mô hình. Ngoài ra, các mô hình như “Tiếng kẻng an ninh” hay “Tổ an ninh tự quản”… cũng được nhân rộng tại nhiều xã/thị trấn của Đại Lộc như Đại Minh, Đại Thạnh, Đại Hòa, Đại An, Đại Tân… trở thành “điểm sáng” trong phong trào toàn dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

Một “điểm sáng” khác của phong trào là xã Đại Cường. Ông Nguyễn Thành Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Cường thông tin, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ” đã trở thành mục tiêu trọng tâm trong chương trình công tác của Mặt trận xã với mục tiêu mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ ANTQ. Mỗi năm, xã tổ chức từ 1 - 2 buổi tọa đàm về bảo vệ ANTQ tại 1 - 2 khu dân cư. Các câu lạc bộ pháp luật, nhóm tuyên truyền pháp luật, các tổ hòa giải cơ sở ra đời tại các khu dân cư.

Một trong những thôn văn hóa điển hình làm tốt công tác bảo vệ ANTQ của xã là Quảng Đại 2. Về Quảng Đại 2 hôm nay, dễ nhận thấy nhiều đổi thay rõ nét: hội trường thôn được xây dựng khang trang, đường làng được bê tông hóa sạch đẹp. Cũng như 8 thôn của xã, từ sự vận động của Mặt trận xã, bà con Quảng Đại 2 tích cực chỉnh trang lại cổng ngõ tư gia, phong trào “Ánh sáng đường làng” phủ khắp đầu thôn cuối xóm. Nhiều năm liền, Quảng Đại 2 là thôn đi đầu các phong trào, hưởng ứng các diễn đàn, tọa đàm bảo vệ ANTQ, câu lạc bộ pháp luật và các nhóm tuyên truyền pháp luật tại đây hoạt động khá sôi nổi. “Chính phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ” gắn với việc xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa đã đưa Quảng Đại 2 hoàn thành tiêu chí số 18 về an ninh trật tự. Diện mạo nông thôn mới đang hình thành tại Quảng Đại 2 và lan tỏa mạnh mẽ” - ông Dũng khẳng định.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN