Hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải ở các cơ sở y tế: Khó khăn nguồn vốn

PHƯƠNG GIANG 15/04/2014 13:40

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 28/31 cơ sở y tế chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải do thiếu nguồn lực, phải ưu tiên đầu tư các hạng mục phục vụ khám chữa bệnh…

Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, một trong 3 cơ sở được UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: P.Giang
Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, một trong 3 cơ sở được UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: P.Giang

Thiếu hệ thống xử lý

Theo thống kê của Sở Y tế, đến thời điểm hiện tại, có đến 21/38 bệnh viện, trung tâm y tế các tuyến chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế. Đó là chưa kể công nghệ xử lý chất thải lỏng y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đều được đánh giá hoạt động không ổn định, hoặc đang được đầu tư xây dựng. Công nghệ đang áp dụng xử lý hiện tại đa số là công nghệ vi sinh. Tuy nhiên, theo thời gian, hầu hết hệ thống xử lý này đều bị xuống cấp nghiêm trọng, bị hư hại dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, hoặc quá tải. Chỉ có những bệnh viện mới được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ vi sinh như Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Thăng Bình, Bệnh viện Đa khoa TP.Tam Kỳ… cơ bản đáp ứng được những yêu cầu về môi trường trong xử lý. Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn bởi nhiều nguyên nhân. Ông Nguyễn Công Thành - Phó ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ngành y tế (thuộc Sở Y tế) cho biết: “Trước đây, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế hầu hết được ưu tiên cho các hạng mục khám chữa bệnh, xây mới các khoa phòng nên hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở còn thiếu, yếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn từ các chương trình của Bộ Y tế, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế bắt đầu được chú trọng, tuy nhiên hoàn thiện hệ thống này cần cả một lộ trình”.

Tình trạng thiếu hệ thống xử lý nước thải hoặc bị xuống cấp, cũ kỹ diễn ra khá phổ biến ở các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở TN-MT, trong năm 2013, qua kiểm tra có đến 7 trung tâm y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được yêu cầu xử lý, khắc phục gồm Trung tâm Y tế các huyện Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, TP.Tam Kỳ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Riêng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đang tiến hành xây dựng hệ thống nước thải, các đơn vị còn lại (trừ Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước) đều chỉ mới vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải, mẫu phân tích chưa đạt yêu cầu hoặc đang lập báo cáo kinh tế kỹ thuật chờ UBND tỉnh phê duyệt.

Nỗ lực hoàn thiện

Ông Nguyễn Viết Thuận - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, hiện tại chi cục đang kiểm tra, lấy mẫu phân tích làm cơ sở đánh giá các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đối với những cơ sở nằm trong danh mục, đơn vị cũng đã lập hồ sơ, báo cáo để có hướng xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc đang chờ nguồn vốn để xây dựng nên tình trạng trên vẫn còn khá phổ biến.

Hiện tại, dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 27 tỷ đồng, gồm các hạng mục xử lý nước thải theo công nghệ vi sinh và màng lọc sinh học có công suất xử lý hơn 500m3/ngày đêm và hệ thống xử lý chất thải rắn y tế; dự án tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc có tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng, công suất xử lý nước thải hơn 300m3/ngày đêm và dự án tại Bệnh viện Đa khoa khu vực (tại Điện Bàn) có tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng, công suất xử lý nước thải hơn 200m3/ngày đêm. Riêng hệ thống xử lý nước thải tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, huyện Nông Sơn và cụm 3 trung tâm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Phòng chống sốt rét bướu cổ tỉnh) được UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng, giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trình các cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện.

Trước nhu cầu bức thiết về hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải ở các trung tâm y tế, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 404/UBND-VX, 405/UBND-VX, 406/UBND-VX về việc đầu tư xây dựng hệ thống nước thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang và 3 trung tâm y tế tuyến tỉnh, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở trên dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng thế giới, cân đối ngân sách và nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Đây được xem là một trong những động thái quyết liệt nhằm giúp các trung tâm y tế khắc phục những tồn tại về hệ thống xử lý nước thải. Bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Với việc đưa vào xây mới, cải tạo, sẽ từng bước giải quyết những bức xúc về môi trường nảy sinh trong quá trình hoạt động của các trung tâm này, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh đang ngày càng cao”.

Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ngành y tế, những vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ, thẩm định để được hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chủ trương này. “Nhiều cơ sở muốn được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng qua kiểm tra thẩm định thông số gây ô nhiễm môi trường không thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên không được hưởng cơ chế hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Các hệ thống xử lý theo công nghệ cũ cũng đã xuống cấp, lạc hậu nhưng bệnh viện lại không có nguồn sửa chữa lớn, nên phải chờ kinh phí” - ông Nguyễn Công Thành nói thêm.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG