Chùa Quảng Phong và truyền thuyết lịch sử
Theo những dấu tích còn lại, chùa Quảng Phong tại làng Phú Xuân Hạ, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, vốn là ngôi cổ tự hình thành cách đây 250 năm, từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, tọa lạc trong khu rừng nguyên sinh. Thầy Thích Nguyên Hòa, năm nay gần 90 tuổi, ở thôn Trung Toàn, xã Tam Quang là người địa phương, tu hành ở chùa Quảng Phong cho hay, chùa Quảng Phong khi xưa là ngôi cổ tự có giếng Om bên cạnh. Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Huế đánh bại quân triều đình, Nguyễn Ánh bỏ chạy vào nam. Trên đường chạy trốn từ Huế vào đến phủ Tam Kỳ và dừng chân tại cầu Bến Ván (cầu An Tân, thuộc huyện Núi Thành ngày nay), những tưởng Nguyễn Ánh phải vong thân nơi này, vì nguồn lương thực đã cạn, chúa tôi đều bị đói! May sao, có một người phụ nữ ở ấp Bù Nhum thuộc thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa tên là Lê Thị Quảng thường hay mua bán trầu cau tại cầu An Tân và chợ Chùa, thấy cảnh đáng thương nên bà tự nguyện hầu, lo đãi cơm nước và tìm nơi cho Nguyễn Ánh nghỉ ngơi an toàn.
Thầy Thích Nguyên Hòa giảng giải ý nghĩa các câu liễn trước điện thờ chùa Quảng Phong. Ảnh: HUY HOÀNG |
Trong lúc chưa định hướng đi, bất ngờ nghe tin báo quân Nguyễn Lữ đã án binh tại Dốc Sỏi (khu vực giáp ranh giữa Quảng Nam - Quảng Ngãi ngày nay) đón đợi, Nguyễn Ánh hốt hoảng bèn mở đường chạy xuống cửa An Hòa (cảng Kỳ Hà bây giờ) để tìm cách tẩu thoát bằng đường biển. Khi cùng đoàn tùy tùng chuẩn bị phương tiện vượt biển, do thuyền nhỏ, người đông, lương thực cạn kiệt, Nguyễn Ánh đành bỏ lại một số tùy tùng, trong đó có bà Lê Thị Quảng. Sau khi chia tay Nguyễn Ánh, bà Quảng về lại quê nhà tiếp tục lao động với cảnh ruộng đồng, đi chợ Chùa mua bán trầu cau. Mỗi lần đến chợ Chùa bà thường dừng chân trước ngôi cổ tự nguyện cầu xin Long thần Hộ pháp, Đức Phật phù hộ, độ trì cho Nguyễn Ánh được tai qua nạn khỏi, bình yên nơi đất khách và được đoàn tụ sau này. Bà còn cất giữ chiếc áo Nguyễn Ánh thường mặc để làm kỷ niệm.
Còn Nguyễn Ánh, từ cảng Kỳ Hà cùng đoàn tùy tùng lênh đênh giữa đại dương muôn trùng sóng gió, cũng nhờ trời yên biển lặng, đến được miền Đông Nam Bộ, Phú Quốc rồi qua Lục Chân Lạp, Thủy Chân Lạp đến tận Xiêm La. Sau 25 năm sống vất vưởng phía nam và chịu cảnh lưu vong, Nguyễn Ánh củng cố thế lực, cầu viện Xiêm (Thái Lan) và Pháp đợi ngày phục quốc. Được sự viện binh của quân Pháp, Nguyễn Ánh đưa quân trở lại Phú Xuân với những tàu chiến hiện đại và đánh bại hoàn toàn quân Tây Sơn.
Năm 1802 Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, chỉnh đốn triều chính, và nhà vua không quên ơn nghĩa người phụ nữ đã giúp mình trong cơn hoạn nạn năm xưa ở An Tân, bèn xuống chiếu, cho sứ giả truyền rao cả nước hầu mong tìm gặp. Khi nghe tin sứ giả truyền rao, bà Quảng vội vã từ xứ Bù Nhum - thôn Định Phước, thuộc xã Tam Nghĩa ngày nay, đến trước ngôi cổ tự vái lạy cho bà đi gặp được nhà vua, nếu toại nguyện sẽ xin vua cho xây dựng lại ngôi cổ tự này cao to và trang nghiêm hơn. Sau đó, bà Quảng đến tận thành Thăng Long có đem theo chiếc áo Nguyễn Ánh mặc khi bôn tẩu thuở xưa.
Sau cuộc trùng phùng đầy cảm động, Nguyễn Ánh sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho bà Quảng thật chu đáo. Và theo lời nguyện ước của bà, nhà vua chuẩn thuận, lệnh cho Lễ bộ cử một vị quan trực tiếp điều hành cho quân lính đem tài vật đại trùng tu ngôi cổ tự thành ngôi chùa mới cao to, uy nghiêm như ngày nay. Nhà vua còn xuống chiếu phong tặng cho bà Quảng là “Nhũ mẫu”, đồng thời truyền thợ giỏi đang xây dựng cung điện ở Huế đến xây chùa Quảng Phong, cấp cho nhà chùa diện tích đất là 2 mẫu, 11 sào, 9 thước và gần hai mẫu ruộng để lo phật sự, nuôi dưỡng “Nhũ mẫu” và người phục vụ. Ruộng, đất vua cấp cho dân trong vùng lo cày cấy, không phải nộp thuế. Chùa được xây từ năm 1817, hiện còn 4 câu liễn thờ bằng chữ Hán do Gia Long ban tặng treo trước chánh điện. Triều đình còn thỉnh mời Đại đức Lâm Tế Chánh Tôn Tam Thập Thất Tuế từ kinh đô về trụ trì tại chùa để dạy kinh sử cho bà Quảng. Trang trí trong chùa thuộc dòng nghệ thuật triều Nguyễn. Các mô típ rất phong phú về đề tài, bố cục chặt chẽ, triết lý sâu sắc về hình tượng, tác động lớn về Phật học của thời hưng thịnh Nho giáo. Đây cũng là một công trình văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Điều đáng lưu ý ở công trình là có những hình trang trí đắp nổi trên những bức tường trong chùa với chủ đề riêng biệt theo các tích xưa như: “Nhị thập tứ hiếu”, “Trúc lâm thất hiền”, “Ngư tiều canh mục”, “Thỉnh kinh”... cùng một số biểu tượng của đạo Phật, những hình tượng quen thuộc về phong, vân, tùng, bách, nai, hạc... Chất liệu màu sắc hòa trộn hài hòa, thể hiện một cách trau chuốt đến từng chi tiết cũng như bố cục của mỗi nội dung trong khung hình.
Cụ Huỳnh Tiên (91 tuổi, ở thôn Thanh Long, xã Tam Quang) thường đến lễ chùa nói: “Cái giếng Om gắn liền với ngôi cổ miếu là nơi bà Quảng thường lấy nước phục vụ cho Nguyễn Ánh lúc gặp nạn. Sau này giếng được cải tạo sâu, rộng thêm đủ nước dùng cho cả chùa. Hiện nay, giếng Om vẫn đang sử dụng và mộ “Nhũ mẫu” (bà Quảng) được an táng phía sau chùa”. Chùa Quảng Phong nay vẫn còn nguyên giá trị văn hóa lịch sử, hằng năm thu hút đông đảo khách thập phương viếng hương lễ bái.
NGUYỄN HUY HOÀNG