Ghi ơn tiền nhân
Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10.3 âm lịch hằng năm từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Các thế hệ làng Trừng Giang, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn sắm lễ vật dâng lên các vua Hùng. Ảnh: HÀ AN |
Ngọt ngào làn điệu dân ca
Phụ nữ Tam Kỳ vừa mang đến một sinh khí mới, khá ngọt ngào và sâu lắng tại không gian Văn Thánh Khổng Miếu bằng những làn điệu dân ca để dâng lên các vua Hùng qua “Liên hoan hát ru - hát dân ca” TP.Tam Kỳ, thu hút khá đông người dự khán. Từ hô hát bài chòi, làn điệu dân ca khu 5 đến cả làn điệu quan họ xứ Kinh Bắc đều góp mặt tại liên hoan, bởi những giọng ca chân chất nhưng ngọt lịm. Những phụ nữ đến từ 13 chi hội phụ nữ của TP.Tam Kỳ tham gia liên hoan với mong muốn mang những lời ru ngày xưa đến đông đảo người xem. Sâu lắng, đầy tâm tình là những gì mà khán giả cảm nhận bởi những giọng ca trong liên hoan. Từ trang phục, đạo cụ cho đến âm nhạc hỗ trợ, các chị đều chuẩn bị rất chu đáo. Chị Lữ Thị Ánh Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN phường An Phú chia sẻ: “Để chuẩn bị cho liên hoan toàn thành phố, chúng tôi đã tổ chức hội thi tại cơ sở, chọn ra 2 tiết mục, rồi tiếp tục tổ chức cho các chị tập luyện để có thể trình diễn tốt nhất tại sân khấu thành phố. Hội phụ nữ phường An Phú tuy hội viên chủ yếu là nông dân, nhưng tinh thần văn nghệ, đoàn thể thì chắc không thua nơi nào”. Lần này, phường An Phú mang đến liên hoan tiết mục hô hát bài chòi và làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh do chính người con của xứ Kinh Bắc biểu diễn. Ấy là hai người phụ nữ đã luống tuổi, về làm dâu xứ Quảng, mang cả “đặc sản” xứ mình về làm quà cho “quê chồng”.
Cũng trong buổi tổ chức “Liên hoan hát ru - hát dân ca 2014 TP.Tam Kỳ”, một cuộc thi kết mâm hoa quả dâng lên vua Hùng cũng được tổ chức dành cho các chi hội phụ nữ của 13 xã phường trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN TP.Tam Kỳ cho hay: “Đây là một trong các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương. Đồng thời đây cũng là dịp để cán bộ hội viên phụ nữ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, tăng cường sự gắn kết giữa cán bộ, hội viên phụ nữ góp phần xây dựng phong trào và hoạt động hội ngày càng vững mạnh”. Không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa một sân chơi, “Liên hoan hát ru - hát dân ca” còn như một tiếng chuông đánh thức người phụ nữ hiện đại tìm về với với làn điệu dân ca, lời ru ngọt ngào, để vỗ về và nuôi nấng những giấc mơ con trẻ.L.QUÂN |
Ấn tượng nhất trong buổi liên hoan là tiết mục hát “Ru con” của Thùy Trang, phường Hòa Thuận. Tuy còn trẻ, nhưng giọng ca Trang khá chín, mùi mẫn với sắc điệu dân ca Nam Bộ. Chia sẻ về cảm nhận của mình với làn điệu dân ca này, Thùy Trang nói: “Thực ra thì Trang dùng tình cảm của một người đã làm mẹ để đưa hết vào tiết mục biểu diễn, nên khi cất tiếng hát, cùng với động tác đưa nôi, mình thấy cảm động có cảm xúc để hát”. Tiết mục của Trang nhận được sự đánh giá cao từ phía Ban giám khảo cũng như tràng vỗ tay tán thưởng từ phía khán giả. Hát ru, dân ca không mới nhưng để có thể đưa làn điệu này lên sân khấu từ những “nghệ sĩ không chuyên” mới thấy được sức sống của làn điệu hát ru là vô tận. Tạo sân chơi là một lẽ, để lại dư vị sau sân chơi mới là điều đáng quý. Hội LHPN TP.Tam Kỳ đã làm nên một vĩ thanh khá nhẹ nhàng như vậy, sau khi bài hát Ru con - dân ca Nam Bộ của Thùy Trang kết thúc cho buổi liên hoan.
Ghi ơn tiền nhân
Ở Quảng Nam có làng Trừng Giang, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn đã xây dựng đền tưởng niệm các vua Hùng và Bác Hồ trong khu văn hóa truyền thống của làng. Nếu ai có dịp về làng Trừng Giang trong những ngày tháng 3 lịch sử này, sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng, cờ xí ngập đường, chào đón những người con của mọi miền đất nước tập hợp về đây để Giỗ Tổ Hùng Vương, các bậc tiền bối và anh hùng liệt sĩ đã góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương.
Năm 1982, dân làng và những người con xa xứ của làng Trừng Giang đã góp công, góp của xây dựng khu quần thể này, Đền thờ tọa lạc trên vùng đất rộng, chia làm 3 khu. Trang trọng nhất là nơi thờ các vua Hùng và Bác Hồ. Ở vị trí trang trọng nhất, khắc câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Phía trước đền là bia thờ khắc tên các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng, bên trái là nơi thờ cúng những người có công lập và xây dựng làng.
Giỗ tổ nghề yến Hàng năm cứ vào mùng 10.3 âm lịch, người dân Cù Lao Chàm, TP. Hội An và những người quản lý và khai thác yến sào Cù Lao Chàm tụ họp về thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp để giỗ tổ nghề yến. Năm nay, không chỉ có người dân bản địa, mà doanh nghiệp sản xuất yến khắp nơi và du khách cũng về Bãi Hương với lòng thành kính, tri ân tổ nghề yến. Hiện nay thương hiệu yến sào Cù Lao Chàm nổi tiếng với chất lượng tuyệt hảo, doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi năm, đóng góp rất lớn cho ngân sách của Hội An. Minh Hải |
Những ngày này, con em của vùng quê Gò Nổi hội tụ về đây, dâng lễ vật tưởng nhớ công ơn tổ tông, trong lòng mỗi người đều lâng lâng niềm cảm xúc, bởi công trình Đền thờ Hùng Vương, nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là bao công sức, tâm niệm của mỗi người dân nơi đây. Gặp các ông Lê Văn Khanh, Nguyễn Thanh Bình… những người con của ngôi làng này, làm ăn thành đạt ở xứ người, dù bận rộn đến đâu, các ông cùng bạn hữu và gia đình, mùng 10.3 năm nào cũng hội tụ về quê hương để cúng làng, giỗ tổ. Ông Lê Văn Khanh chia sẻ: “Niềm vinh hạnh nhất của tôi đó là mùng 10 tháng 3 hằng năm về quê tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương”. Những năm trước, ông cùng tham gia đoàn hành hương về đền Hùng, Phú Thọ để viếng Tổ và xin thỉnh nghinh linh khí Quốc tổ về Đền thờ vua Hùng ở ngôi làng này.
Mục đích của việc xây đền tưởng niệm này, không ngoài ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Bởi, đây là vùng đất được mệnh danh “đất học”, là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.
LÊ QUÂN - HÀ AN