Cách trở Kà Dăng…

LĂNG A CÚI 04/04/2014 09:11

Con đường về trung tâm xã Kà Dăng (huyện Đông Giang) nhiều đoạn cách trở khiến xã vùng sâu này bị cô lập với thế giới bên ngoài, nhất là vào mùa mưa lũ.

Dốc Ba Nga luôn là nỗi ám ảnh của những người đến với Kà Dăng.
Dốc Ba Nga luôn là nỗi ám ảnh của những người đến với Kà Dăng.

“Ốc đảo” giữa rừng

Sau gần mười năm, tôi mới có dịp trở lại. Kà Dăng vẫn thế. Con đường đất ngoằn ngoèo, bụi tung mù mịt sau trận gió thổi mạnh từ phía thượng nguồn sông. Suốt hành trình vượt rừng về Kà Dăng, quá trưa, ngồi tựa lưng dưới gốc lòn bon mới biết “bột đất” đã nhuộm đỏ cả người.

Từ phía bên này sông nhìn về trung tâm xã, một diện mạo mới đã khác xưa. Chiếc cầu treo bắc qua con sông lớn cách đây vài năm nay đã được thay thế bằng cây cầu bê tông vững chãi, từ dự án của chương trình nông thôn mới. Hàng quán ven đường đã bắt đầu xuất hiện. Có cả một điểm vui chơi nhỏ tại trung tâm xã, tạo không gian sinh hoạt giải trí cho đồng bào. Nhưng, Kà Dăng thì vẫn luôn cách trở, từ bao đời. Con đường đất đá vẫn nguyên trạng gồ ghề, dựng đứng. Như con dốc Ba Nga, bột đất mịn đến không ngờ. Phủ cả bàn chân người lữ khách. Chỉ một cơn gió thoảng qua, bụi bay mù mịt như có cuồng phong. Trong ký ức của thầy giáo Trần Văn Hà, nguyên giáo viên của Trường THCS Phan Bội Châu (xã Kà Dăng), dốc Ba Nga luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi đến trường. Ngày nắng cũng như mưa, dốc Ba Nga luôn trơn trượt. Xe máy muốn qua dốc phải nhờ đến người đẩy từ phía sau. Ớn lạnh. “Dốc thì dựng đứng, lại trơn trượt. Mùa mưa, nhiều thầy cô giáo đều phải gửi xe ở làng Tu Núc, rồi cuốc bộ cả cây số đến trường. Rứa mà vẫn thấy lo” - thầy Hà cười, nhớ lại.

Cây cầu khỉ bắc qua sông là lối đi độc đạo dẫn về làng Achôm 1.
Cây cầu khỉ bắc qua sông là lối đi độc đạo dẫn về làng Achôm 1.

Giữa heo hút cồn mây, những bản làng đồng bào Cơ Tu nằm ẩn mình dưới thung lũng, bốn bề núi. Chiếc ngầm nối con đường bê tông từ Nhà máy thủy điện Sông Kôn 2 (thôn Ngật, xã Jơ Ngây) với dốc Ba Nga bị đứt đoạn do đợt lũ lớn vừa qua. Người dân địa phương đã sửa tạm bằng cách nối vài miếng ván gỗ đủ để chiếc xe máy đi qua ngầm. Phía bên kia sông, làng Achôm 1 yên bình giữa màu xanh của rừng. Chiếc cầu khỉ được người dân dựng tạm trên mặt nước, từ trên cao nhìn xuống hệt như con rắn khổng lồ đang uốn mình bắc qua con sông lớn. Mùa hè, dòng sông trong xanh lạ thường nhưng hễ đến mùa mưa lại giống “con quái vật”, như muốn nuốt chửng cả xóm làng. Như đợt mưa bão năm ngoái, căn nhà kiên cố của vợ chồng anh Ta Cooi Tốt, ở thôn Bồn Gliêng cũng bị vùi lấp sau trận sạt lở đất đá từ phía thượng nguồn suối trước nhà. Chỉ phút chốc, nhà cửa tan hoang. Bốn người trong một gia đình trẻ suýt mất mạng vào lúc nửa khuya. Bây giờ, số gỗ nhà đã được tập kết nhưng vật liệu để dựng nhà vẫn chưa thể vận chuyển lên được, do con đường đầy cách trở. “Từ chợ Hà Tân của Đại Lãnh chở vật liệu xi-măng, gạch lót nền,… nên tiền vận chuyển gần gấp đôi. Khó khăn lắm nhưng cũng không biết làm sao” - anh Tốt ngậm ngùi.

Kà Dăng, trong suy nghĩ của nhiều người là một “ốc đảo” nằm lọt thỏm giữa rừng. Cũng chẳng hề quá lời, mùa mưa lũ hằng năm, cả xã nghèo luôn ở trong tình thế cô lập hoàn toàn. Mọi thông tin liên lạc đều bị gián đoạn, giao thông cách trở và chỉ có chính quyền địa phương cùng người dân tự tìm cách xoay xở, vượt qua hoạn nạn. Và, mùa mưa năm nào, một số hộ dân có điều kiện cũng đều tự mổ heo nhà bán thịt để cung ứng cho “thị trường” tại chỗ, giúp nhau trong những ngày mưa lũ. Sau lũ, người dân phải tự mình đến nhận và gùi gạo từ bên kia trạm gác Nhà máy thủy điện Sông Kôn 2, đưa về nhà với quãng đường gần cả chục cây số.

Mơ một con đường

Đường hiểm trở, nhiều bệnh nhân chết dọc đường khi cấp cứu

Ông Alăng Den - Chủ tịch UBND xã Kà Dăng xác nhận, đã có nhiều trường hợp người dân trong xã chết dọc đường vì đường sá cách trở khi đau ốm, bệnh tật. Bởi hầu hết bệnh nhân nặng phải chuyển bệnh viện tuyến trên đều được khiêng theo 2 hướng: qua xã Jơ Ngây (Đông Giang) hoặc An Điềm (Đại Hưng, Đại Lộc) với đoạn đường dài. Theo tìm hiểu của người viết, năm 2009 ở thôn Bồn Gliêng có 2 người chết do cấp cứu không kịp, là Alăng Thị Nh. và Alăng R.; năm 2011, bà Alăng Thị Bh. (thôn Hiệp) cũng chết dọc đường khi đang cấp cứu. Trong khi đó, vào các đợt mưa lũ hằng năm, ở xã Kà Dăng cũng có rất nhiều bệnh nhân chuyển tuyến phải cáng khiêng cấp cứu kịp thời nhưng rất gian nan.

Vốn được xem là vùng “ốc đảo” nên Kà Dăng chịu thiệt thòi rất nhiều so với các địa phương khác. Từ việc đi lại, đời sống dân sinh, cho đến “đầu ra” cho các sản phẩm nông sản của người dân cũng đều… thua thiệt. Chung quy là cũng do đường sá cách trở mà ra. Ông Alăng Bót - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kà Dăng nói đùa rằng, người dân địa phương không nghèo về tiềm năng kinh tế, mà chỉ nghèo về con đường đi lại để giao thương. Bởi trên thực tế, câu nói của ông chủ tịch Hội Nông dân đúng mười mươi như một. Không có gì lạ. Như đợt thu hoạch lòn bon mới đây, dù được mùa nhưng người dân thì chẳng mừng làm mấy. Sống ở đó từ hàng chục năm, người nông dân đã quá quen với việc bị ép giá mỗi khi được mùa. Ấy nhưng, chính bản thân họ cũng hiểu, thương lái đã vào tận nơi này tìm mua hàng cũng đã rất khó khăn. “Người dân thì bị ép giá. Rõ quá rồi. Nhưng các tiểu thương họ cũng than nếu không làm như thế thì họ có mà đường lỗ. Vì phí vận chuyển quá cao do đường sá cách trở. Chẳng biết nói sao” - ông Bót phân trần.

Ông Bót dẫn chứng lòn bon chỉ là một trong số nhiều nông sản mà người dân địa phương làm ra nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở nhiều vùng, người dân trồng chuối chuyên canh, cũng vài chục hecta nhưng giá bán luôn thấp. Thế là thua thiệt. Làm được nhiều nhưng… chẳng được bao nhiêu! Chắt chiu từng cắc, từng đồng rồi lại xoay vòng làm kinh tế. Từ mô hình này cho đến mô hình khác, nhưng cuối cùng thì giá bán vẫn thế. Tiểu thương họ viện cớ này nọ, đường sá khó khăn, cách trở. Bởi vậy, người dân thì muôn đời vẫn “thua thiệt”. “Mai mốt mà có đường đẹp, chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ít ra có thể tự mình xuống bán trực tiếp tại chợ đầu mối. Giá sẽ cao hơn bây giờ” - Bí thư Xã đoàn Alăng Uông mơ ước.

Rất nhiều đoạn gồ ghề, khó đi trên đường đến Kà Dăng.
Rất nhiều đoạn gồ ghề, khó đi trên đường đến Kà Dăng.

Chủ tịch UBND xã Kà Dăng Alăng Den cho rằng, một khi đường giao thông chưa được thông suốt thì đời sống người dân luôn bị ảnh hưởng. Trong khi đó, mặc dù chính quyền tỉnh, huyện đã quan tâm hỗ trợ cho phát triển vùng Kà Dăng nhưng do thiếu nguồn vốn nên vẫn chưa có chủ trương đầu tư đồng bộ. Hằng năm, Kà Dăng luôn là địa phương tiếp nhận gạo hỗ trợ dự trữ phòng chống mưa bão khá chậm, do điều kiện đi lại khó khăn. Ông Den cũng thông tin, dự kiến cuối năm nay, dự án tuyến đường từ trung tâm xã cho đến Hang Gợp - điểm giáp ranh với xã Ma Cooih sẽ được hoàn thành, mở hướng giúp đồng bào Kà Dăng thoát khỏi tình thế cô lập. “Nhưng còn một tuyến cũng từ trung tâm xã về đến thôn Achôm 2 không biết đến khi nào mới được “giải phóng”. Người dân chờ đợi lâu lắm rồi!” - Chủ tịch UBND xã Kà Dăng Alăng Den mong mỏi.

LĂNG A CÚI

LĂNG A CÚI