Nga chú trọng đào tạo nghề cho sinh viên

QUỐC HƯNG 02/04/2014 14:25

(QNO) - Việc đào tạo nghề nghiệp nhất là cho sinh viên để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước luôn là mối quan tâm ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nga.

Thống kê hiện cho thấy có khoảng 70% học sinh Nga tốt nghiệp trung học tiếp tục theo học đại học. Tuy nhiên, nhiều năm qua, một số ngành nghề hiện vẫn gặp phải tình trạng thiếu nhân lực có chuyên môn. Bởi thế, vào năm 2011, luật “Điều kiện cư trú của công dân nước ngoài và các đối tượng không có quốc tịch Nga” của Tổng thống Nga được ban hành đã giảm nhẹ đáng kể thủ tục tiếp nhận các chuyên gia trình độ cao vào làm việc tại các công ty Nga. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là thu hút và đăng ký thường trú những chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, doanh nhân và những người trẻ theo các ngành nghề có nhu cầu trên thị trường Nga. Ngoài việc áp dụng chính sách “giữ chân” nhân tài Nga, chính phủ khuyến khích áp dụng hiệu quả việc thu hút nhân tài gốc Nga quay trở về làm việc cho quê hương.

Sinh viên Nga trong ngày tốt nghiệp.
Sinh viên Nga trong ngày tốt nghiệp.

Các nhà lãnh đạo Nga khẳng định, giáo dục đại học ở Nga phải đáp ứng nhu cầu của đất nước. Trước hết điều này liên quan đến bộ phận giáo dục theo chế độ ngân sách, tức các sinh viên học hệ miễn phí và có bổn phận hoàn lại sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay không phải tất cả các chuyên viên trẻ đều tìm được việc làm theo chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh đó, Nga ghi nhận sự dư thừa về lượng sinh viên tốt nghiệp ở một số ngành nghề trong khi các chuyên gia kỹ thuật lại thiếu hụt rõ rệt. Do đó, chính phủ quyết định cải cách sự phân phối ngân sách trong các trường đại học, tùy thuộc vào đòi hỏi của xã hội, như ưu tiên tăng 21% ngân sách đào tạo kỹ sư kỹ thuật, vật lý và toán học.

Hiện nhiều sinh viên tại Nga vẫn đóng tiền học phí vào những ngành nghề mà họ yêu thích. Song, để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho phụ huynh, các ngân hàng cùng với nhà nước phát triển chương trình cho vay đặc biệt và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. Cụ thể, sinh viên có thể vay tiền cho chi phí đại học lần đầu, cũng như lấy bằng đại học thứ hai, thậm chí cấp tín dụng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Lãi suất được nhà nước Nga ấn định là không được vượt quá một phần tư tỷ lệ tái cấp vốn của nhà nước tại thời điểm ký hợp đồng và không tăng quá 5%. Các sinh viên có cơ hội trả nợ trong vòng 10 năm sau khi tốt nghiệp. Ngoài tiền học, họ còn có thể vay các khoản thanh toán chi phí ăn ở, mua tài liệu khoa học…

Theo ông Lev Lyubimov, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế tại Nga cho rằng, hệ ngân sách không nên chiếm quá 30% số sinh viên. Bù lại sẽ là hệ thống tín dụng của nhà nước và tư nhân, cho phép những ai không thi đậu sử dụng các chỗ học đóng tiền. Cả hai xu hướng đều đúng đắn. Thứ nhất, đưa con số học ngân sách đi sát nhu cầu đào tạo thực tế của nền kinh tế đất nước. Biện pháp thứ hai là tín dụng, dành cho những đối tượng có kết quả học tập trung bình nhằm trang trải chi phí trau dồi kiến thức.

Đáng chú ý, hiện chuyên viên tốt nghiệp với tấm bằng đại học Nga là nhân lực có giá trị trên thị trường lao động quốc tế.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG