Sử dụng năng lượng tái tạo ở Cù Lao Chàm: Thiếu ổn định, nhiều hạn chế

ĐỖ HUẤN 02/04/2014 12:05

Việc nghiên cứu tìm ra giải pháp để cấp điện ổn định lâu dài cho xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) được quan tâm từ nhiều năm nay. Một trong những giải pháp đã và đang được tiến hành là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo nhưng lại tồn tại nhiều hạn chế và thiếu ổn định. Dân đảo Cù Lao Chàm đang mơ về nguồn điện lưới quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội.

Địa hình Cù Lao Chàm rất ít diện tích phù hợp để lắp đặt pin mặt trời vì cần có không gian lớn.
Địa hình Cù Lao Chàm rất ít diện tích phù hợp để lắp đặt pin mặt trời vì cần có không gian lớn.

Năng lượng tái tạo không lớn

Là cụm đảo nằm cách đất liền khoảng 20km, Cù Lao Chàm có diện tích tổng thể 16km2 nhưng hết 2/3 là rừng, núi và khu vực đất phục vụ quốc phòng, đồng thời đây còn là vùng đảo nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên việc khai thác nguồn năng lượng sinh khối dường như là không thể. Đối với nguồn thủy năng thì chỉ có vài con suối nhỏ nhưng chỉ có nước vào mùa mưa, các mùa khác trong năm hầu như bị cạn kiệt, không đủ để khai thác làm thủy điện.

Từ tháng 8.2012, Công ty TNHH Năng lượng gió Việt Nam đã tiến hành đo đạc số liệu tại Eo Gió với cột đo gió 45m. Qua hơn 1 năm theo dõi, tốc độ gió trung bình đo được ở khu vực này đạt 5,4m/s. Tuy nhiên vào mùa hè (từ tháng 6 – 9), trong những giờ cao điểm (từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều) thì lượng gió đạt rất thấp (dưới 3m/s). Những thông số đó, theo các chuyên gia chỉ có thể cho phép phát triển các tua-bin gió có công suất nhỏ và vừa.

Còn về nguồn năng lượng mặt trời, ông Đỗ Đình Phô - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho biết, đến nay chưa có trạm khí tượng thủy văn nào đo trực tiếp trên đảo để cung cấp các dữ kiện xác thực nhất. Chỉ có số liệu của các trạm khí tượng thủy văn khu vực xung quanh, gần nhất là TP.Đà Nẵng cho biết, bức xạ mặt trời đo được khoảng 4,42km/h/m2. Như vậy có thể thấy tiềm năng năng lượng tái tạo trên đảo Cù Lao Chàm thực sự không nhiều, khả dĩ có thể khai thác được nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời nhưng cũng không lớn lắm.

Nhiều hạn chế

Thực tế, một số dự án năng lượng tái tạo hiện đang triển khai trên địa bàn xã đảo Tân Hiệp cho thấy còn nhiều mặt hạn chế khi sử dụng. Dự án được thực hiện từ đầu năm 2010 đến nay là trạm phát điện hỗn hợp pin năng lượng mặt trời và máy phát diezen với công suất 28kW, cấp điện cho khoảng gần 100 hộ dân ở thôn Bãi Hương do tổ chức SIDA (Thụy Điển) tài trợ. Ngoài ra, dự án điện gió cũng được triển khai từ tháng 8.2012 do Công ty TNHH Năng lượng gió Việt Nam thực hiện. Cùng với việc lắp đặt trạm phát điện thử nghiệm năng lượng gió – mặt trời và máy diezen tại thôn Bãi Làng với tổng công suất 10kW, công ty này cũng mới dừng lại ở việc tiến hành thu thập số liệu về gió và bức xạ mặt trời để lập dự án cụ thể.

Do là loại năng lượng không ổn định nên khi sử dụng để phát điện phải kết hợp nhiều nguồn năng lượng khác nhau. Rồi địa hình ở đây chủ yếu là đồi, núi nên có rất ít diện tích phù hợp để bố trí đầu tư xây dựng trạm phát điện bằng năng lượng mặt trời, đặc biệt cần không gian tương đối lớn để lắp đặt pin mặt trời. Trong khi đó, muốn đầu tư nhà máy điện gió thì sẽ gặp khó khăn trong việc vận chuyển, lắp đặt thiết bị bởi vì đường dẫn lên các khu vực, chẳng hạn khu vực có lượng gió tốt nhất là Eo Gió thì mặt cắt đường nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, theo tính toán thì chi phí đầu tư cho các dự án này chắc chắn rất cao nhưng tính ổn định lại không cao. Số liệu báo cáo của Phòng Kinh tế Hội An cho biết, chỉ với 28kW công suất của trạm phát điện hỗn hợp pin năng lượng mặt trời và máy phát diezen do tổ chức SIDA (Thụy Điển) đầu tư và chỉ có 100 hộ dân ở Bãi Hương sử dụng trong trạng thái “chập chờn” mà kinh phí đầu tư đã lên đến 6 tỷ đồng (vào năm 2010). Ông Phô còn cho biết, một hạn chế không dễ khắc phục là công tác vận hành hệ thống. “Như hệ thống điện năng lượng mặt trời ở Bãi Hương khi được tổ chức SIDA tài trợ cũng có tập huấn vận hành hệ thống này. Tuy nhiên, lớp tập huấn đó cũng chỉ mang tính lý thuyết thôi, thời gian tập huấn, đặc biệt là công tác điều hành, vận hành thực tế hệ thống rất ngắn nên hiện tại việc vận hành trạm phát điện pin mặt trời và diezen ở đây đang gặp khó khăn” - ông Phô nói.

Hiện tại, hơn 600 hộ dân với hơn 2.300 nhân khẩu trên đảo Cù Lao Chàm đang sử dụng điện thắp sáng nhờ hệ thống máy phát diezen là chủ yếu, với 7 tiếng đồng hồ một ngày, vừa bị động trong sinh hoạt vừa chấp nhận những tác động bất lợi của sự ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo xã Tân Hiệp cho biết, trong năm qua dù đã được hỗ trợ mang tính ưu đãi từ ngân sách nhà nước hơn 2,4 tỷ đồng nhưng người dân vẫn phải trả phí cho mỗi chữ điện (1kW/h) khoảng 4.500 đồng. Do vậy khi nghe tin lãnh đạo tỉnh và TP.Hội An quyết định và xúc tiến các công việc để đưa điện lưới quốc gia ra đảo, người dân Cù Lao Chàm vui mừng khôn tả.

ĐỖ HUẤN

ĐỖ HUẤN