Trợ giúp pháp lý lưu động: Mang luật đến gần dân
Mỗi đợt Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình trợ giúp pháp lý lưu động, luôn có nhiều người dân nhờ tư vấn. Qua những hoạt động thiết thực này, việc khiếu nại - khiếu kiện vượt cấp ngày càng hạn chế. Công tác trợ giúp pháp lý tại Phú Ninh là một ví dụ.
Buổi trợ giúp pháp lý lưu động do Phòng Tư pháp huyện Phú Ninh phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức tại xã Tam Dân (huyện Phú Ninh) thu hút gần 100 người dân đến tìm hiểu, nhờ tư vấn. Trong đó, có hơn 40 trường hợp cụ thể, có đơn thư đã được tư vấn, giải thích và hướng dẫn giải quyết vụ việc. Như nhiều địa phương khác, mảng chế độ chính sách, đất đai vẫn luôn là câu chuyện “nóng” mỗi khi người dân có khiếu nại khiếu kiện hay thắc mắc cần tư vấn.
Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh. Ảnh: D.L |
Đến với buổi trợ giúp pháp lý, bà Võ Thị Tài (78 tuổi, thôn Dương Đàn, xã Tam Dân) cần trợ giúp về chế độ người có công dành của mình. Bà Tài cho biết, nghe thông báo trên đài phát thanh nên tìm đến buổi tư vấn pháp lý này. Bản thân bà Tài là vợ liệt sĩ, đã nộp hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ người có công giúp đỡ cách mạng từ năm 2011 nhưng chưa được giải quyết. Bà Tài nói: “Tôi đến để hỏi cơ quan chức năng xem hồ sơ của tôi có đủ điều kiện được hưởng chế độ người có công không. Được hay không thì tôi cũng cần câu trả lời cụ thể để khỏi trông đợi”. Và bà Tài đã được cán bộ tư vấn hướng dẫn quy trình, bước đi cụ thể, những giấy tờ gì thiếu cần bổ sung cũng được chỉ dẫn cặn kẽ. Còn ông Huỳnh Ngọc Thông (thôn Kỳ Tân, xã Tam Dân) bày tỏ: “Trực tiếp đến với nhân dân để tư vấn pháp lý là việc nên làm, nhân dân rất cần. Bởi, nhiều người dân không rành luật pháp, người thì già cả, đau ốm không đi đến nơi để hỏi, nhờ có những buổi tư vấn như thế này mà những thắc mắc của chúng tôi được giải đáp. Tôi thấy nên có nhiều buổi tư vấn pháp luật ở cơ sở hơn để người dân đỡ mất công thưa kiện ở cấp huyện, tỉnh”. Chia sẻ nguyên cớ khiến mình phải đến buổi trợ giúp pháp lý lưu động này, ông Thông cho biết đang tranh chấp cùng anh trai là Huỳnh Ngọc Luận về mảnh đất vườn cha mẹ để lại. Anh em mâu thuẫn vì sổ đỏ của mảnh đất vẫn do cha ông đứng tên nhưng anh trai giữ sổ và không chịu chia đất. Ông Thông cũng cho hay, chuyện trong nhà không muốn ồn ào làm chi, nhưng thấy anh trai ứng xử không công bằng nên phải làm cho ra lẽ. “Vườn là của chung, hai anh em trồng keo từ năm 1998 đến nay, có chia ranh giới nhưng không rõ ràng. Đến khi tôi thu hoạch phần keo đã trồng thì anh Luận không cho khai thác, nói là keo trên đất của ảnh. Tôi tức quá cãi lại thì ảnh bảo tôi cứ đi kiện. Vì thế tôi đến đây nhờ trợ giúp xem cần phải làm gì để vừa đảm bảo quyền lợi cho cả hai vừa không đánh mất tình cảm anh em” - ông Thông nói. Và ông Thông đã được cán bộ tư vấn các bước thực hiện thủ tục hồ sơ giấy tờ để được hưởng thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.
Trong tháng 3.2014, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Phú Ninh thực hiện 2 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 2 xã Tam Lãnh và Tam Dân. Bên cạnh đó, thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện Phú Ninh thường xuyên trợ giúp nhân dân trong thực thi pháp luật. Ông Phan Chí Công - Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Ninh cho biết: “Tại Phòng Tư pháp huyện, chúng tôi liên tục tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp khi người dân cần tìm hiểu các vấn đề liên quan đến luật pháp. Phần lớn vẫn là các tranh chấp về đất đai, thắc mắc về chính sách, chế độ người có công, bảo trợ xã hội, mâu thuẫn gia đình. Tùy theo vấn đề, chúng tôi tìm cách tư vấn phù hợp để giải quyết vụ việc một cách thấu đáo nhất”. Cũng theo ông Công, đối với vấn đề đất đai, phải hiểu rõ ngọn ngành, xác minh vụ việc thật cụ thể, phân tích đúng - sai một cách cặn kẽ, hay vấn đề hôn nhân gia đình thì phải “đánh động” vào tâm lý, tình cảm của mỗi người.
Đến nay, toàn bộ 11 xã, thị trấn của huyện Phú Ninh đã có các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý thực hiện tư vấn tại xã, làm cầu nối chuyển tải thông tin pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Mỗi câu lạc bộ có đầy đủ các thành phần từ lãnh đạo UBND xã, thành viên các hội, đoàn thể, cán bộ chuyên môn, cán bộ lão thành, hưu trí, cán bộ thôn... cùng tham gia. Đây cũng là các hòa giải viên ở cơ sở và được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, nhất là đối với cán bộ cấp thôn. Trong những năm gần đây, theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện Phú Ninh, số vụ khiếu nại - khiếu kiện trên địa bàn huyện được hòa giải thành tại cơ sở đạt hơn 85%, nhờ vậy, hạn chế được việc khiếu nại khiếu kiện vượt cấp.
DIỄM LỆ