Kỷ vật của làng Rô
Làng Rô (xã Cà Dy, Nam Giang) được biết đến là nơi cưu mang nhà thơ Tố Hữu trong lần vượt ngục Đắk Gley năm 1942. Dù thời gian đã trôi xa nhưng những món quà của nhà thơ tặng làng Rô vẫn được người dân nơi đây nâng niu gìn giữ như kỷ vật của làng.
Kỷ vật quý giá
Trong ký ức của bà Kapu Thị Đẹp (82 tuổi) vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều cuối xuân của hơn 70 năm về trước khi già làng làng Rô lúc bấy giờ về báo tin cho gia đình ông Đinh Deh biết trên rẫy của họ ở bên kia dòng sông Ngầm Nước Lũ đang có một cán bộ Việt Minh lẩn trốn. Sau này, khi đã trở thành vợ ba của ông Đinh Deh bà mới được nghe chồng kể lại rằng, người cán bộ đó chính là nhà thơ Tố Hữu vượt ngục Đắk Gley (Kon Tum) năm nào. Trong suốt một tuần, ông Đinh Deh đã không ngại hiểm nguy mang cơm muối sang tiếp tế cho nhà thơ, dù lúc đó giặc Pháp bố ráp cũng như dụ dỗ ai bắt được nhà thơ Tố Hữu sẽ thưởng trâu bò, gạo, muối. Để tri ân đồng bào và gia đình ông Đinh Deh, tháng 5.1973 trong một chuyến công tác ngang qua Bến Giằng, nhà thơ đã biếu tặng làng nhiều món quà gồm muối, gạo, bật lửa, kéo cắt tóc, chăn màn, đặc biệt gia đình ông Đinh Deh được nhà thơ tặng riêng một radio và tấm ảnh chân dung bên dưới ghi những dòng chữ ân tình: “Kính tặng các đồng chí và đồng bào làng Rô thân yêu để nhớ lần đầu đến làng, những ngày vượt trại giam Đắk Lây vào cuối tháng 3.1942 và lần về lại thăm làng tháng 5.1973” và 4 câu thơ “Ôi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy” (trường ca Nước non ngàn dặm). Qua thời gian, chiến tranh, các hiện vật hầu hết đã bị hư hỏng, thất lạc duy chỉ có chiếc radio và tấm ảnh chân dung nhà thơ vẫn được gia đình ông Đinh Deh gìn giữ như kỷ vật gia đình. “Năm 2006 trước khi chết, ông Đinh Deh dặn tôi là phải giữ lại 2 kỷ vật này không được làm hư hại để khi nào gia đình nhà thơ vô sẽ trả lại” - bà Đẹp tâm sự.
Chiếc radio và bức chân dung nhà thơ Tố Hữu – kỷ vật của làng Rô. Ảnh: VĨNH LỘC |
Bây giờ trên bàn thờ gia đình, bên cạnh di ảnh ông Đinh Deh là bức chân dung nhà thơ Tố Hữu tặng năm nào được bà và gia đình ngày đêm hương khói. Chiếc radio cũng được bà đặt trang trọng trên chiếc bục gỗ cao nhất trong nhà, thỉnh thoảng lại mang ra lau chùi tỉ mẫn, nâng niu như báu vật. Năm 2010 khi nhà truyền thống huyện Nam Giang xây dựng hoàn thành, 2 kỷ vật của nhà thơ Tố Hữu được huyện mượn về trưng bày tại nhà truyền thống phục vụ khách tham quan nhưng một thời gian sau gia đình bà Đẹp xuống mang về lại. “Đây là 2 kỷ vật của cán bộ cách mạng Tố Hữu tặng chồng già nên không yên tâm giao cho người lạ. Sau này nếu già chết đi thì mấy đứa con của già sẽ tiếp tục giữ, chúng nó không giữ được thì làng sẽ giữ” - bà Đẹp nói. Cũng như mẹ mình, những người con của ông Đinh Deh đều nhất quyết phải giữ lại kỷ vật mãi mãi, vì đây không chỉ là kỷ niệm của gia đình mà còn là niềm tự hào của làng Rô anh hùng.
Dù còn khó khăn nhưng làng Rô hôm nay đã đổi thay nhiều với 100% trẻ em được đến trường. |
Dựng nhà lưu niệm nhà thơ
Ông Đinh Văn Tánh - Bí thư Chi bộ thôn Rô cho biết, gia đình bà Đẹp nằm trong số 76/101 hộ nghèo của làng, căn nhà bà đang ở được làm từ lâu hiện đã xuống cấp xiêu vẹo. “Nhà bà Đẹp hư hết rồi, mấy năm trước cứ đến mùa mưa là dột nước khắp nhà, cũng may năm 2013 vừa rồi con nhà thơ Tố Hữu về thăm cho 5 triệu đồng mua tôn lợp lại nhưng cũng chỉ tạm thời”. Ông Tánh sợ rằng, mưa gió ẩm ướt lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến những kỷ vật nên đã bàn bạc với thôn huy động nhân dân lên rừng đốn cây về dựng một nhà truyền thống của thôn để trưng bày các hiện vật lịch sử cách mạng, văn hóa của làng Rô và xin phép gia đình bà Đẹp đưa 2 kỷ vật của nhà thơ vào trong đó vì đây cũng là kỷ vật chung của làng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Năm 2012 làng Rô họp dân thống nhất sẽ lên rừng hạ cây về để dựng nhà truyên thống nhưng cây vừa tập kết xong chuẩn bị dựng nhà thì có đoàn công tác của Quỹ phòng chống thiên tai khu vực miền Trung đến thăm và hứa sẽ vận động hỗ trợ kinh phí 2,5 tỷ đồng giúp làng dựng nhà truyền thống kết hợp làm chỗ phòng chống thiên tai, nhưng 2 năm rồi nhân dân chờ mãi nhưng chẳng thấy tăm hơi đâu” - ông Tánh cho biết. Những cây gỗ dự định làm nhà truyền thống cũng đã mục gần hết do phơi nắng mưa nhưng ngôi nhà truyền thống, lưu niệm của làng vẫn chỉ là mơ ước.
Theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, huyện sẽ xây dựng tại làng Rô nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu vì đây là nguyện vọng chính đáng không chỉ của làng Rô mà của nhân dân toàn huyện. Kế hoạch, vị trí đất đai đã được thường vụ thống nhất rồi chỉ chờ có nguồn là triển khai” - ông Sơn khẳng định.
Làng Rô hôm nay dù chưa hết khó khăn nhưng đã có nhiều thay đổi, 100% trẻ em đến tuổi được đến trường, riêng năm học 2013 - 2014 toàn làng có 5 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng; hoạt động văn hóa, lễ hội được duy trì thường xuyên như ăn mừng lúa mới, đâm trâu tết, đan lát đan gùi, múa tâng tung da dá…. Đặc biệt, truyền thống cách mạng luôn được các thế hệ tuổi trẻ làng Rô duy trì phát huy với 8/12 đảng viên có tuổi đời dưới 40 tuổi. “Cứ mỗi thanh niên làng Rô lên đường làm nghĩa vụ quân sự thôn đều có phần quà tặng là 500 nghìn đồng để động viên khuyến khích thế hệ trẻ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, để xứng đáng là con cháu của làng Rô anh hùng nơi có những tấm gương sáng một đời theo Đảng bảo vệ cách mạng như ông Đinh Deh hay bà Kapu Thị Đẹp” - ông Tánh tâm sự.
VĨNH LỘC