Món Quảng ở Sài thành
(QNO) – Giữa Sài thành, muốn tìm món ăn dân dã quê nhà Quảng Nam không mấy khó nếu chịu lội ra chợ Bà Hoa... Để có mọi món ngon ở đấy, có một “con đường” đã hình thành từ lâu giữa những tiểu thương chợ Bà Hoa và ngoài Quảng, chuyên chở không chỉ món ngon mà cả... "món nhớ" cho người Quảng xa quê.
Thương hiệu Quảng
Dạo một vòng chợ Bà Hoa ở TP.Hồ Chí Minh, sẽ thấy ở chợ Quảng Nam có gì, chợ Bà Hoa có nấy, có khi còn phong phú hơn cả chợ quê nhà. Ở quê, giờ đố tìm ra chợ nào có hàng đổ bánh thuẩn, hay nướng bánh tráng tại chỗ như chợ Bà Hoa. Còn ở đây, từ khoai lang khô, đường bát, củ nén, ớt xanh, bắp chuối, đến cái gai lể ốc gạo cũng có mặt ở cái chợ vốn được những người Quảng xa quê ví là “quê nhà thu nhỏ”.
Quầy mắm Quảng của dì Thanh ở chợ Bà Hoa. |
Gian hàng mắm của dì Thanh dễ nhận ra từ xa bởi mùi mắm cái thơm nức mũi và cam kết rằng ngay cả chính người Quảng gốc cũng chưa chắc muối ngon bằng dì. Bằng chất giọng Quảng rặc ri, dì Thanh giải thích cách muối mắm ngon: mắm ngon phải được muối tận ngoài khơi, chưa từng ướp đá, cho mùi vị thơm ngon tuyệt hảo. Một khi cá vào bờ, đã qua ướp đá, sẽ không bì được với cá muối ngay ngoài khơi. Người Quảng xa quê thường săn lùng mắm ngon, nên tui phải đặt hàng loại đặc biệt này. Dù đắt một chút, nhưng không thấy ai phiền hà gì”. Dì Thanh giới thiệu một cách rất tự tin về gian hàng mắm các loại của mình như vậy.
Rau Trà Quế cũng có mặt ở Sài Gòn sau khi chuyên chở bằng thùng xốp. |
Tại chợ Bà Hoa, không hiếm gian hàng rau chủ yếu lấy từ các nhà vườn ở Củ Chi, Hóc Môn. Dù vậy, khi hỏi muốn mua các loại rau được chuyển từ Quảng Nam vào, mọi người đều vui vẻ chỉ đến gian hàng chị Thơm. Gian hàng chị Thơm đông khách hơn hẳn các gian khác. Mọi người chen nhau chọn lựa. Chị Thơm nói: “Rau Trà Quế (Hội An) chính hiệu đây, có mùi thơm đặc biệt, tươi giòn không lẫn với rau nơi khác”. Gian hàng của chị Thơm và hai gian lân cận (chia lại rau của chị) cũng có rau é, rau quế, húng lủi - loại rau đặc trưng của làng Trà Quế. Có một cách nhận ra người đồng hương của mình ở quầy rau chị Thơm là hễ là người Quảng thì khi lượn qua đây ai cũng... ngắt thử lá rau é, đưa lên mũi, xuýt xoa “mùi quê hương”. Các chợ ở TP.HCM bán không thiếu bất kỳ loại rau thơm nào, nhưng mùi thơm của rau được trồng ở Trà Quế đặc biệt hơn hẳn. Điều đó giải thích vì sao gian hàng chị Thơm lúc nào cũng đông khách.
Chữ tín trong kinh doanh
Dì Thanh vừa được bạn hàng chuyển vào 3 thùng mắm to bằng đường xe đò để bán dần. Dì Thanh cho biết lâu nay vẫn thanh toán tiền hàng theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Mua bán trong cách trở về khoảng cách, càng phải lấy chữ tín làm đầu, mới có thể duy trì mới quan hệ lâu dài. Người Quảng buôn bán ở chợ Bà Hoa đặc biệt trọng chữ tín, xem đó là thuật làm ăn. Dù mối lái ngoài quê có thể cho khất một chuyến hàng, hoặc chỉ cần nhấc điện thoại, muốn mặt hàng nào, đều được đáp ứng ngay. Nhưng những người bán buôn ở chợ Bà Hoa cũng cố thu xếp giao tiền đầy đủ, thông qua các chủ xe đò. “Làm ăn lâu dài, lại xa xôi như thế, tốt nhất là nên sòng phẳng. Bù lại, dù giá cả biến động mạnh, nhưng mối lái ngoài quê cũng cố giữ bình ổn giá cho bạn hàng ở chợ Bà Hoa. Người Quảng mình trọng nghĩa tình như thế, quý lắm” - dì Thanh chân thành nói.
Và bánh tráng Quảng Nam nướng sẵn... |
Với những mặt hàng khó vận chuyển như rau quả, chị Thơm nói vui: “Giữ rau như giữ kem! Rau được bỏ trên thùng xốp to, chuyển vào bằng xe đò. Mang vào bao nhiêu cũng bán hết”. “Vậy trả tiền cho mối bằng cách nào hả chị?” “Thông qua chủ xe đò. Chuyến nào, thanh toán chuyến ấy”. Xem ra, đó là cách thanh toán đã ngầm “mặc định” của những người buôn bán ở chợ Bà Hoa. Người Quảng Nam xưa nay thẳng thắn, bộc trực, vốn sòng phẳng, cho ra cho, mượn ra mượn, làm ăn thì phải đặt uy tín lên hàng đầu. Xác định như thế, mọi sự hợp tác đều trở nên dễ dàng, cho dù xa cách đến mấy, đôi bên cũng yên tâm về nhau. Đó là lời tổng kết của những người Quảng bán hàng ở chợ Bà Hoa.
LÊ THỊ PHI KHANH