Xử lý vi phạm rừng ở thôn Thạch Kiều: Dân tụ tập cản trở
Hàng trăm người dân thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) đã mang theo gậy, rựa kéo lên núi Đập cản trở, chặn đường tổ công tác xử lý vi phạm rừng. Vụ việc kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ mới vãn hồi.
Xô xát trên núi Đập
Sáng sớm, con đường dẫn lên núi Đập (thuộc thôn Thạch Kiều) bụi mịt mù bởi xe cơ giới. Khi lực lượng trong tổ công tác của huyện Núi Thành (gồm 13 cán bộ công an xã, huyện và hàng chục kiểm lâm, nhân viên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam (chủ rừng) có mặt tại hiện trường thì hàng trăm người dân địa phương đã tụ tập kéo lên núi. Nhiều thanh niên mang theo cây, dao rựa, la hét kích động lực lượng chức năng. Khi phát hiện thấy người của Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam thuê đến phát dọn thực bì, cưỡng chế, một số đối tượng manh động tấn công khiến Công an huyện Núi Thành phải bắn chỉ thiên cảnh cáo. Đến khoảng 10 giờ, khi xe của tổ công tác nổ máy rời hiện trường, người dân đã bao vây, chặn đường đi. Gần 12 giờ trưa, người dân mới chịu cho xe chạy. Một số người đưa ra lý lẽ, trong khi đất rừng còn tranh chấp, giải quyết chưa ngã ngũ, hơn 100 hộ dân bỏ tiền trồng keo gần một năm tuổi thì không ai có quyền chặt phá, cưỡng chế.
Hàng trăm người dân kéo đến núi Đập chống đối việc cưỡng chế cây trồng. Ảnh: T.H |
Có mặt tại hiện trường núi Đập, chúng tôi nhận thấy tính chất vụ xô xát tranh chấp đất trồng rừng rất nghiêm trọng, tạo ra “điểm nóng” phức tạp. Một số đối tượng vì bị xúi giục mà có hành động xem thường kỷ cương pháp luật, tấn công lại lực lượng chức năng. Trong khi đó, nhiệm vụ cưỡng chế, phát dọn thực bì để cho các hộ dân được nhận giao khoán trồng rừng của tổ công tác đã thất bại.
Vì sao nhiều người dân Thạch Kiều phản đối thái quá với lực lượng chức năng và chủ rừng? Mọi việc bắt đầu từ nguyên nhân Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam đã giao đất trồng rừng cho 18 hộ dân khác của địa phương với diện tích 17,4ha. Đây là phần đất do đơn vị quản lý, sử dụng. Từ năm 2006, xí nghiệp này đã hợp đồng giao khoán với 6 nhóm hộ dân và đã khai thác toàn bộ keo trong cơn bão hồi năm ngoái. Lợi dụng việc quản lý đất lỏng lẻo, hơn 100 hộ dân tiến hành trồng keo lấn đất tại đây, hiện keo gần một năm tuổi. Trước đây, khi 18 hộ dân đã hợp đồng giao khoán với chủ rừng tiến hành phát dọn thực bì trồng rừng, đã bị hơn 100 hộ dân trồng rừng trái phép luôn tìm cách cản phá. Do vậy, để có cơ sở giao khoán đất, xí nghiệp cùng với lực lượng chức năng địa phương lên phát dọn thực bì, cưỡng chế số keo trồng trái phép của người dân. Tuy nhiên, dù nhiều lần ra quân cưỡng chế cây trồng trái phép song đều không thành. Vì thế, hợp đồng giao khoán giữa Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam và 18 hộ dân tại núi Đập đến thời điểm này cũng chỉ nằm trên giấy.
Địa phương không xử lý nổi
Một số thanh niên quá khích mang theo hung khí nhằm cản trở, chống lực lượng chức năng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận khách quan bản chất của sự việc. Nhiều người dân Thạch Kiều cho rằng, bất đắc dĩ họ phải kịch liệt chống đối để bảo vệ quyền lợi. Bà Đỗ Thị Kề nói: “Keo trồng chu kỳ 7 năm mới thu hoạch. Nhận khoán hợp đồng trồng 2ha, sau chừng ấy năm, người dân mới có 8 triệu đồng. Chủ rừng hưởng 70%, dân tôi chỉ được 30%, ai mà chịu thấu. Vì quá bất bình nên dân chiếm giành đất để sản xuất”. Quyền lợi ăn chia giữa chủ rừng với người dân trong hợp đồng giao khoán rừng đã được đem ra “mổ xẻ” nhiều lần. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 – ông Trần Thanh Xuân cho biết: “Với vai trò là “trọng tài”, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại giữa các bên. Người dân sở tại cũng có nhiều nhóm xung đột lợi ích với nhau. Số hộ đã trồng trái phép thì tìm cách không cho 18 hộ nhận hợp đồng giao khoán rừng lấy đất sản xuất. Tâm lý của họ là muốn giành chiếm luôn đất, không muốn Nhà nước giao đất cho xí nghiệp. Sau khi có đề nghị của địa phương, phía xí nghiệp đã nâng lên tỷ lệ hưởng lợi cho người dân sau khi thu hoạch rừng là 35%”. Trong khi đó, ông Phan Minh Toàn – Phó Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam cho rằng, trước đây nhóm hộ nhận hợp đồng hưởng 35%, nay lên 38%, xí nghiệp hỗ trợ thêm ngân sách địa phương 2%. Sở dĩ năng suất keo thời gian qua chưa cao là do khai thác trước tuổi vì bão làm ngã đổ. “Ngoài hưởng quyền lợi sau khi thu hoạch, hộ nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng còn được xí nghiệp trả công và hỗ trợ tiền. Bằng mọi cách, chúng tôi phải lấy lại đất để cho nhóm hộ đã nhận khoán triển khai theo kế hoạch” – ông Toàn nói.
“Đất rừng ở đây vô cùng phức tạp. Chúng tôi cầu cứu Trung ương, tỉnh vào cuộc xử lý dứt điểm, chứ địa phương thì không thể giải quyết được. Vụ xô xát này gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương”. (Ông Nguyễn Văn Thường – Phó Trưởng Công an xã Tam Xuân 2) |
Trước “điểm nóng” đất rừng ở Thạch Kiều, thời gian qua, chính quyền huyện Núi Thành đã thành lập tổ công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tại đây. Tuy nhiên, việc cưỡng chế cây trồng trên đất bị xâm chiếm trái phép tại núi Đập của ngành chức năng và chính quyền xã Tam Xuân 2 hầu như là nhiệm vụ bất khả thi. Ông Nguyễn Văn Thường – Phó Trưởng Công an xã Tam Xuân 2 thừa nhận: “Đất rừng ở đây vô cùng phức tạp. Chúng tôi cầu cứu Trung ương, tỉnh vào cuộc xử lý dứt điểm, chứ địa phương thì vượt quá khả năng. Vụ xô xát này gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương”. Còn nhớ, năm 2013, tại thôn Thạch Kiều, cũng vì tranh chấp đất rừng mà xảy ra tình trạng hỗn chiến gây chết người.
Rõ ràng, qua những gì tận mắt chứng kiến, chúng tôi thấy vụ tranh chấp đất rừng trên núi Đập đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng, nếu chính quyền các cấp không can thiệp kịp thời thì hệ lụy sẽ rất khó lường. Vụ xô xát này cũng cho thấy chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện Núi Thành không thể giải quyết vụ việc được, mà cần phải có sự chỉ đạo của các cấp, các ngành ở tỉnh.
TRẦN HỮU