"Ngưỡng"
(QNO) - Vụ ba mẹ con cô giáo quê Tam Lãnh huyện Phú Ninh, chết trong tư thế trói vào nhau ở hồ Phú Ninh, được phát hiện vừa rồi, gây bàng hoàng dư luận. Cô giáo, có lẽ do cùng quẫn, bức bách chuyện gia đình, nên đã ra đi, nhưng lại mang theo hai đứa con còn quá nhỏ. Những người biết rõ hoàn cảnh cô giáo vừa thương vừa giận cô.
|
Những đau khổ áo cơm của gia đình cô, không lớn bằng những tai ương tinh thần chụp xuống gia đình này, mà ác thay, cô giáo mầm non ấy lại là trụ cột. Không chia sẻ hoặc không có người sẻ chia, cô đã làm điều dại dột, lấy cái chết để giải thoát. Thôi, cũng xong một kiếp người. Tuy nhiên, chết chưa phải là hết. Có bài học nào cho người đang sống không, đâu phải người thân, bạn bè cô, mà cả những số phận đã đang sẽ lâm vào tình huống bi đát ?
Tôi nhớ một người quen, mới đây hỏi tôi đang làm ăn sinh sống ra sao, xong, phẩy tay: mình đang chơi cây cảnh, lâu nay mê trà đạo, mọi sự bây giờ như gió thổi đầu non. Tốt, ơn trời, mong lắm thay qua kiếp gió bụi trần ai. Nhưng bụng tôi, thiệt là không tin. Y như thế, đâu chừng nửa tháng sau, điện hỏi có quen hòa thượng nào không? Tưởng rằng muốn đảnh lễ để tham bác Phật học, nào ngờ nói tiếp: chán. Vì sao? Vì rớt qui hoạch cán bộ nguồn, chắc do mình không được mọi người yêu quý. Mà nhân vật này sinh sau 1975, nên tôi nói do chi cũng được, nhưng rớt cái uỳnh mà đâm ra quẩn lên tìm đến cửa chùa làm vui, thì chắc chắn cái sự cây cảnh, trà lá kia vứt vào sọt rác rồi, bởi a dua ăn theo cho đẹp đội hình, cho tự mình lẫn thiên hạ thấy mình đã “dứt thánh lìa trí” , thì làm sao dẹp được cơn bão trong chén trà, khi chưa luyện công phu vô nhiễm quyền lực?
Nói đến đây, tôi nhớ chuyện đã và đang phổ biến là già trẻ trai gái, nhất là ở thành thị đang tồn tại cái mốt: treo tràng hạt ở tay. Kẻ bảo đeo cho vui, người nói trang sức, lại bảo họ có mình có, người thì cố công tìm cho được dó trầm, tiện đẽo, khắc chữ Phật trên đó, tìm thấy an bình tâm thể khi có nó bên cạnh. Thiệt không ? Nhớ năm kia, rộ phong trào đeo vòng nano chữa bách bệnh thần kỳ, ra đường thấy ai cũng sáng lấp lánh, phát quang tưng bừng, từ ông bụng phệ làm to đến cô gái thướt tha công sở. Báo chí phanh phui : hàng dỏm, thứ lừa đảo, thế mà không ai bảo ai, cởi vòng tròn thân yêu ném vào bụi cây.
Nhắc lại vài ra cái gọi là phong trào này, để dẫn ý nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: dân ta là khối tự phát khổng lồ! Mà đã tự phát, tất tự tàn, mà tàn sớm hơn dự định. Quay lại chuyện cô giáo tự vẫn, dễ thấy càng ngày xu hướng tự xử càng lớn, bất luận giai tầng, lứa tuổi. Mà chuyện này đâu phải sáng kiến của ai. Nó xuất phát từ tâm lí đám đông lây lan, y như vụ hôi bia ở Đồng Nai vừa rồi. Thấy họ làm vậy, mình cũng làm, bất chấp đúng sai, hay dở. Có người bảo : tất cả là do giáo dục mà ra, giáo dục ở đây không chỉ bó hẹp trách nhiệm của thầy cô, của ông bộ trưởng giáo dục. Dân ta thiếu được trang bị kỹ năng sống, ứng phó tình huống khẩn cấp, phòng bị tương lai, cứ được chăng hay chớ, bắt chước, rồi bí quá sẽ làm liều. Nghĩa là ở đây, nói có vẻ chữ nghĩa, là không biết “ngưỡng” ở đâu, như thế nào và cách nào vượt nó an toàn, nên khi lâm nạn, hoặc tìm đến tôn giáo, hoặc đem mạng sống ra đánh đổi, trong khi chưa “đọc” hết mình là ai. Nhưng làm thế nào để “đọc được ngưỡng”? - Thật khó. Từ hay dùng hiện nay là trải nghiệm. Nhưng trải nghiệm chi cũng đừng dùng tính mạng làm vật thí nghiệm, bởi nói như Nguyễn Du “tỉnh ra thì đã muộn màng”.
TRUNG VIỆT