Vững từ cơ sở

VINH ANH 27/03/2014 09:07

Nhiệm kỳ qua, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh (Mặt trận Phú Ninh) đã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền và tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tích cực xây dựng nông thôn mới.

Mặt trận và các tổ chức thành viên thôn Cây Sanh, Tam Dân làm công tác vận động dân. Ảnh: VINH ANH
Mặt trận và các tổ chức thành viên thôn Cây Sanh, Tam Dân làm công tác vận động dân. Ảnh: VINH ANH

Vì người nghèo

Nhiệm kỳ 2008 - 2013, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn của một huyện mới thành lập nhưng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tầng lớp nhân dân huyện Phú Ninh đã đoàn kết một lòng, quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị địa phương. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực là tiền đề để đánh dấu sự phát triển về nhiều mặt trong đó có phần đóng góp không nhỏ của hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên. Theo ông Nguyễn Ngọc Ảnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh, với rất nhiều nỗ lực, những cuộc vận động do Mặt trận chủ trì đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia thực hiện. Bộ mặt văn hóa, văn minh ở các khu dân cư thay đổi tích cực theo hướng nông thôn mới…

Đặc biệt, với vai trò, trách nhiệm của mình, Mặt trận Phú Ninh đã thực hiện thành công, có hiệu quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Trong vai trò cầu nối, Mặt trận đã vận động các tổ chức, đơn vị, cán bộ và nhân dân trong và ngoài huyện tham gia tích cực vào cuộc vận động này. Qua 5 năm triển khai, nguồn Quỹ vì người nghèo từ huyện đến cơ sở đã thu được trên 5 tỷ đồng. Qua đó đã xây dựng, sửa chữa trên 750 nhà đại đoàn kết, nhà 167 cho hộ nghèo và thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội khác như trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ khám chữa bệnh, trao phương tiện sinh kế cho người nghèo… Đến nay, huyện Phú Ninh đã hoàn toàn xóa được nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Toàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 2 - 3%, và hiện còn 7,44% hộ nghèo. Đó là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đó Mặt trận đóng vai trò chủ công. “Chúng tôi đã tích cực kêu gọi mọi tổ chức, gia đình, cá nhân bớt một phần chi tiêu để chung tay giúp đỡ người nghèo. Có thể mỗi năm, một người bớt 15 nghìn đồng, một cán bộ bớt 1 ngày lương nhưng đã tạo nên sức mạnh tập thể xây dựng hàng trăm ngôi nhà đại đoàn kết. Đó chính là minh chứng cụ thể nhất cho khối đại đoàn kết vững mạnh” - ông Ảnh nói.

Vững ở cơ sở

Nhờ làm tốt công tác vận động nên người dân khu phố chợ Cây Sanh (thôn Cây Sanh, xã Tam Dân) đã nhanh chóng di dời, nhường đất để xây dựng chợ mới. Rồi đây, khi chợ hoàn thành sẽ không còn cảnh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, cản trở giao thông như trước nữa. Nhớ đến đây, chị Nguyễn Thị Vinh - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Cây Sanh không quên thời gian Mặt trận và các hội, đoàn thể đi vận động nhân dân. Đó là ví dụ điển hình cho thấy vai trò của khối Mặt trận, đoàn thể ở thôn Cây Sanh đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển ở địa phương. Nhiều năm liền, Mặt trận thôn Cây Sanh dẫn đầu phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Nhân dân đóng góp trên 15 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo Ủy ban MTTQ huyện Phú Ninh, 5 năm qua, cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước, Mặt trận từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân đóng hàng trăm nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn mét vuông đất, chặt phá, dỡ bỏ hàng triệu cây cối và vật kết trúc để xây dựng 59km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 108km kênh mương nội đồng, tổng giá trị trên 15 tỷ đồng. (V.A)

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Ngọc Vũ - Bí thư Chi bộ thôn Cây Sanh cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng của Mặt trận nên những năm còn giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Dân ông đã chỉ đạo và đề nghị đồng chí Vinh (lúc này là Phó Bí thư Chi bộ thôn Cây Sanh) giữ chức vụ Trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Chính vì vậy, đến nay sau gần 10 năm công tác thì đã thấy rất rõ hiệu quả của việc bố trí cán bộ này. Ông Vũ giải thích: “Mặt trận lãnh đạo các hội, đoàn thể vì vậy người làm Mặt trận muốn có “tiếng nói” thì không có cách nào khác là phải được cơ cấu là đảng viên, đồng thời phải nằm trong cấp ủy. Như ở thôn Cây Sanh, trưởng ban công tác Mặt trận là phó bí thư chi bộ, do đó tất cả những chủ trương, đường lối của Đảng xuống cơ sở thì Mặt trận đều nắm. Đồng thời có tiếng nói phản biện, giám sát tất cả những chủ trương đó. Có lúc bí thư chi bộ vắng mặt thì trưởng ban công tác Mặt trận nghiễm nhiên có thể chủ trì cuộc họp ban quân dân chính thôn. Nói tóm lại, Mặt trận có tiếng nói và không “đứng ngoài cuộc” bất cứ vấn đề gì ở cơ sở”.

Ông Nguyễn Ngọc Ảnh khẳng định: “Đến nay, Trưởng ban công tác Mặt trận ở 85/85 khu dân cư trên 10 xã, thị trấn của huyện Phú Ninh đều là đảng viên. Trong số đó, có nhiều người là phó bí thư chi bộ và nằm trong cấp ủy chi bộ. Đây là kết quả cụ thể hóa Nghị quyết 05 của Huyện ủy về việc bố trí cán bộ lãnh đạo Mặt trận và các hội đoàn thể ở khu dân cư phải là đảng viên”. Điều này cho thấy, một khi Mặt trận có “tiếng nói” thì tính hiệu quả của hoạt động Mặt trận sẽ được nâng lên rất nhiều.

VINH ANH

VINH ANH