Xã nghèo xơ xác vì vỡ hụi
(QNO) - …Một cụ già 70 tuổi bán bánh ú ở chợ mỗi tuần góp hụi 50 nghìn; một chị tật nguyền đang nhận trợ giúp của nhà nước hàng tháng 360 nghìn thì mỗi tháng cũng dành ra 300 nghìn góp hụi; một gia đình “gởi nhờ” 80 triệu đặng có thêm ít lãi để sau lấy tiền chữa bệnh…, tuy nhiên chưa đến ngày hốt hụi thì tất cả số tiền trên “bốc hơi” cùng với chủ hụi…
Chị Bùi Thị Lệ (người chống nạn) cũng tích cóp được hơn 7 triệu đồng góp hụi. |
Theo đơn tố cáo của 63 người tham gia chơi hụi tại xã Đại Lãnh (Đại Lộc), ngày 23.3, bà Trương Thị Diệu (55 tuổi, thôn Hà Dục Tây, Đại Lãnh) đã ôm số tiền hụi lên đến 2 tỷ đồng trốn khỏi địa phương.
Hầu hết số người bị giật hụi đều buôn bán nhỏ lẻ tại chợ Hà Tân (thôn Tân An). Vì tin tưởng người hàng xóm, cùng buôn bán lâu năm với bà Diệu ở chợ này nên hàng chục chị em nơi đây góp vốn chơi hụi từ 4 năm nay. Theo những người này, có 2 hình thức góp hụi cho bà Diệu, đó là có những gia đình đưa số tiền lên tới cả trăm triệu đồng để bà Diệu mượn, sau đó nhận được số lãi hàng tháng nhất định; còn hình thức góp hụi khác là hụi tuần, hụi tháng với số tiền tùy ý để bà Diệu “giữ giùm” đặng khi nào cần việc thì nhận lại luôn một thể. Cứ thế, số người chơi hụi ngày một tăng lên vì suốt 4 năm nay, bà Diệu luôn giữ được “chữ tín”.
Bị khuyết tật bẩm sinh, hơn 2 năm nay, từ số tiền hỗ trợ hàng tháng là 360 nghìn đồng, chị Bùi Thị Lệ (31 tuổi, thôn Tân An) đều trích ra 300 nghìn để bà Diệu “cất giùm”. Đến nay, số tiền dành dụm đã được hơn 7 triệu đồng thì bỗng dưng “không cánh mà bay”. “Tui là con đầu trong nhà có 5 người con. Dự định năm ni tui lấy số tiền trên từ cô Diệu để đi học nghề nhưng ai ngờ chuẩn bị lấy thì chủ hụi lại ôm tiền bỏ trốn. Bây giờ cần thì lại không biết lấy tiền đâu ra”, lau nước mắt, chị Lệ kể.
Dù đã cảnh báo về tình trạng vỡ hụi nhưng vì tin tưởng, lãi suất cao nên nhiều người dân cùng rủ nhau chơi hụi. |
Việc chơi hụi như chị Lệ thực ra là một hình thức góp vốn quay vòng, không có lãi suất nhằm sau này người chơi có việc gì cần thì có thể rút lại, hoặc tương trợ nhau làm ăn, buôn bán, Tương tự trường hợp chị Lệ, cụ Nguyễn Thị Minh (70 tuổi, thôn Đại An) cũng góp hụi được 16 triệu đồng để sau này lấy lại số tiền này để phòng thân tuổi già. Hằng ngày cụ lọm khọm gói bánh ú đem đến chợ Hà Tân bán, ngoài ít vốn có sẵn, mỗi tuần cụ góp hụi 50 nghìn. Được tin chủ hụi đã bỏ trốn khỏi địa phương, mấy hôm nay người ta không thấy cụ tới chợ bán bánh ú nữa.
Cán bộ thôn cũng ôm hụi bỏ trốn? Người dân thôn Tân An (Đại Lãnh) phản ánh bà Lê Thị Trẻ - nguyên Bí thư chi bộ thôn này đã ôm hụi với số tiền trên 1 tỷ đồng bỏ trốn vào tháng 10.2013. Vì đa số nạn nhân là công chức nhà nước nên không ai dám đứng ra tố cáo. Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kế xác nhận có nghe thông tin trên và cho biết người này đã rời khỏi địa phương cuối năm 2013, tuy nhiên không có người gửi đơn tố cáo nên địa phương không thể can thiệp. |
Nhiều người buôn bán tại chợ Hà Tân cho biết, cũng nhờ hình thức góp vốn này mà ngày càng có nhiều gia đình có thêm điều kiện làm ăn, tìm sinh kế. Vì thế mà niềm tin đặt vào chủ hụi ngày một tăng, không ai mảy may nghi ngờ. Đến khi sự việc vỡ lẽ thì mới hay niềm tin đã đặt nhầm chỗ.
Có rất nhiều người vỡ hụi thuộc diện khó khăn, đau ốm. Chị Trần Thị Hương (42 tuổi, thôn Đại An) cũng là một trong những người có gia cảnh như thế. Đang bị ung thư giai đoạn cuối nên gia đình chị đang rất cần số tiền đã góp hụi. Sau tết, đến lượt chị hốt hụi để đi chữa bệnh nhưng chủ hụi cứ lần lữa và cuối cùng “đánh bài chuồn”. “Khi trước tui với chị Diệu thân lắm! Chị còn nói sẽ cho gia đình tôi mượn thêm tiền để đi chữa bệnh. Nhưng đến khi cần tiền thì chị bảo cứ đợi thêm ít ngày, khi đó tui linh cảm có điều chẳng lành…”, chị Hương ngậm ngùi.
Trong biên bản thống kê thiệt hại chung của 63 người dân, người bị giật hụi nhiều nhất là 160 triệu đồng, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Ngày 26.3, ông Nguyễn Văn Kế, Phó trưởng Công an xã Đại Lãnh cho biết địa phương đã nhận được 17 đơn tố cáo về hành vi chiếm đoạt tài sản khi chơi biêu, hụi. “Khi người dân kéo tới nhà bà Diệu để siết đồ, chúng tôi đã tạm giữ số tài sản này về tại ủy ban xã, đồng thời hướng dẫn cho người dân viết đơn tố cáo. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền nguy cơ rủi ro về hình thức “tín dụng đen” này nhưng nhiều người dân bất chấp, vẫn tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”, ông Kế nói. Ông Kế cũng cho biết thêm, ngày 26.3, địa phương đã chuyển giao hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Đại Lộc điều tra, xử lý.
VĂN HÀO