Vì một thế giới an toàn

QUỐC HƯNG (tổng hợp) 25/03/2014 11:33

Trong hai ngày 24 và 25.3, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3 diễn ra tại thủ đô La Hay (Hà Lan) với sự tham dự của hơn 50 nguyên thủ cùng 5.000 đại biểu đến từ các nước và tổ chức quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân được tổ chức 2 năm một lần, theo đề xuất của tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là diễn đàn đa phương ở cấp cao nhất về an ninh hạt nhân, thể hiện cam kết của các quốc gia trong việc tăng cường cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân. Hội nghị cũng giúp tăng cường xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, trong đó có các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, các nước có công nghệ hạt nhân tiên tiến và các nước mới chủ trương phát triển điện hạt nhân.

Thủ tướng Hà Lan tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2014.
Thủ tướng Hà Lan tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2014.

Theo các nhà quan sát, hội nghị an ninh hạt nhân lần thứ 3 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề như khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và vũ khí hạt nhân, nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng. Hội nghị vì thế thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi vấn đề an ninh luôn là tâm điểm của thế giới trong nhiều năm qua. Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị là đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân bằng cách ngăn chặn vật liệu hạt nhân nguy hiểm rơi vào tay kẻ xấu hay chủ nghĩa khủng bố, các tổ chức tội phạm, đồng thời đánh giá những việc đã làm được, thảo luận, thống nhất định hướng lớn trong tương lai. Mục tiêu cuối cùng rất rõ ràng mà Thủ tướng Hà Lan khuyến nghị là hãy làm cho thế giới an toàn hơn.

Để đạt được mục tiêu đó, hội nghị lần này nêu bật tầm quan trọng của hệ thống luật pháp và quy định về an ninh hạt nhân cấp quốc gia; đặc biệt là vai trò của cơ chế đa phương trong việc hoạch định và điều phối các hoạt động quốc tế, nhằm đối phó với các thách thức. Đáng lưu ý, tại hội nghị lần này, một số nước công bố khả năng giảm nhiên liệu hạt nhân xuống tới mức nào hoặc sẽ chuyển giao vật liệu hạt nhân như thế nào. Trong đó, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị sau 2 hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất (năm 2010) và lần thứ hai (2012) và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế; ủng hộ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, ủng hộ các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo các nhà quan sát, các cuộc gặp song phương hay đa phương giữa các nhà lãnh đạo các nước bên lề hội nghị thượng đỉnh lần này nhằm nỗ lực tìm lối thoát cho các cuộc điểm nóng hiện nay như tại Ukraine hay trên bán đảo Triều Tiên… cũng hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

 QUỐC HƯNG (tổng hợp)

QUỐC HƯNG (tổng hợp)