Nhiều cản ngại
Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các hoạt động để triển khai thực hiện chiến lược cho từng giai đoạn; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức có liên quan trong việc thực thi các giải pháp. Theo đó, giai đoạn 2014 - 2015 cả nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ mang tính đột phá nhằm đảm bảo mục tiêu giảm 5 - 10% số người chết/năm do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu hàng năm giảm 3 - 5% số người chết do TNGT đường bộ, giảm ùn tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại “điểm đen” km3+720 trên tuyến ĐT 609B (xã Đại Hiệp, Đại Lộc). |
Có thể nói, Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là một chủ trương lớn. Nếu thực hiện nghiêm túc và bài bản sẽ kiềm chế, giảm thiểu TNGT đường bộ một cách bền vững chứ không thất thường như thời gian qua. Nhưng kế hoạch triển khai chiến lược nêu trên sẽ khó thành công đối với một số nhiệm vụ trước mắt trong giai đoạn 2014 - 2015, điển hình là việc cải tạo, xóa “điểm đen” TNGT. Trong khi nhiều “điểm đen” chưa được cải tạo và xóa bỏ kịp thời do thiếu kinh phí, một số dự án ra đời sau này lại tạo nên những “điểm đen” mới mà nguyên nhân bởi nguồn vốn eo hẹp khiến chủ đầu tư không thể xây dựng quy mô, mang tính đồng bộ khớp nối với công trình sẵn có. Ví dụ tại địa bàn Quảng Nam, công trình cầu Bà Rén mới (Quế Sơn) đưa vào sử dụng lập tức xuất hiện 2 “điểm đen” ở đường dẫn phía bắc và điểm giao nhau giữa quốc lộ 1 với đường dẫn phía nam. Rồi đây, công trình về hạ tầng giao thông khác trên địa bàn tỉnh khi thực hiện hoàn thành không ai dám chắc có nguy cơ phát sinh thêm “điểm đen” hay không.
Ủy ban ATGT quốc gia cũng đặt mục tiêu đào tạo đội ngũ tuyên truyền về “văn hóa giao thông” từ cấp trung ương đến cấp quận, huyện, thành phố xong ngay trong năm nay. Đây lại là câu chuyện thuộc về ý thức trách nhiệm, tâm huyết của người đứng đầu ban ATGT các địa phương. Vì thực tế cho thấy, vai trò của không ít trưởng ban ATGT cấp huyện, thành phố ở Quảng Nam khá mờ nhạt, dường như chỉ chú trọng chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội mà ít quan tâm cơ sở thực thi ATGT như thế nào, mọi vấn đề giao phó cả cho công an. Thế nên các địa phương cũng chưa mặn mà lắm việc “trích tiền” mua sắm trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Rõ ràng, lộ trình mà Ủy ban ATGT quốc gia hướng tới có thành công hay không còn phục thuộc vào hành động của lãnh đạo cấp huyện, thành phố, nơi mà cán bộ hầu hết chỉ làm công tác kiêm nhiệm.
SÁU CÒI