Nghị quyết cho tuổi trẻ Tây Giang
Để phát huy vai trò của tuổi trẻ, phấn đấu xây dựng địa phương thoát khỏi huyện nghèo nhanh và bền vững, Huyện ủy Tây Giang đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU, xác định thế hệ trẻ là nguồn lực chính trong xây dựng quê hương.
Giao việc cho thanh niên
Theo số liệu điều tra năm 2012, huyện Tây Giang có dân số 17.384 người, trong đó lực lượng thanh niên chiếm 26,26%. Và trong số này, thanh niên chưa có việc làm ổn định chiếm 69,43%, đa số là thanh niên dân tộc Cơ Tu. Năm 2013, tỷ lệ hộ đói nghèo toàn huyện chiếm 58,25%, thì hộ thanh niên đã chiếm 35%. Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây giang cho biết: “Đây là những con số rất đáng buồn. Nguyên nhân Tây Giang đói nghèo ở nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ quan là chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của địa phương”. Khi nói về Nghị quyết 13, ông Bh’riu Liếc cho rằng: “Chỉ có lực lượng thanh niên mới có thể đảm nhận được những công trình, phần việc mà huyện ủy đã giao. Bởi lực lượng này có sức khỏe, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Ngoài ra, vấn đề về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở 10/10 xã cần gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu, đảm bảo tốt an ninh trật tự, an ninh biên giới... thì thanh niên cũng là lực lượng kế thừa.
Tuổi trẻ Tây Giang tham gia cùng người dân làm đường tại xã Bha Lêê. Ảnh. Vĩnh Yên |
Phát triển kinh tế ở Tây Giang được chia theo 3 vùng: vùng 1 và vùng 2 là khu vực 6 xã vùng thấp, tập trung chuyên canh trồng cây cao su, trồng rừng sản xuất, rau sạch,… Vùng 3 là khu vực có độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển thuộc 4 xã A Xan, Tr’Hy, Ch'Ơm, Ga Ry. Tại vùng 3, trước mắt tập trung trồng bắp, trồng cây dược liệu, tr’đin…, từng bước tìm cây - con phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu và đầu ra cho sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra cả ba vùng tiếp tục trồng lúa nước ở ruộng bậc thang, làm trang trại đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm phục vụ tại chỗ và một phần bán ra ngoài huyện. Từng bước kêu gọi thu hút đầu tư phát triển kinh tế du lịch, trồng rau sạch, hoa… “Đó là những công trình được huyện ủy giao cho thanh niên đảm nhận. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, mọi người dân Tây Giang phải góp sức cùng thanh niên tình nguyện. Người không góp sức thì góp của để trang trải kinh phí chăm lo cho đời sống của những thanh niên đang tham gia nghĩa vụ công ích cho quê hương” - ông Liếc nói.
Rèn luyện để trưởng thành
nghị quyết về huy động lực lượng thanh niên tham gia lao động công ích, xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2013 - 2023 của Huyện ủy Tây Giang đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Theo đó, hằng năm huyện đoàn sẽ tham mưu và rút thanh niên ở các xã theo từng đợt, phù hợp nhu cầu công việc. Thanh niên sẽ tham gia lao động công ích để giải quyết dứt điểm những việc bức xúc cần làm ngay cho từng xã. Được biết, huyện đoàn đã tập trung 40 thanh niên của 4 xã vùng cao Tây Giang để làm đường từ xã A Xan lên khu rừng cây pơmu, với chiều dài khoảng 20km. Thanh niên dựng lán trại, ăn ở và sinh hoạt học tập ngay giữa rừng. Tại đây thanh niên đảm nhận làm đường, làm mương dẫn nước. Anh Lê Văn Bách - Bí thư Đoàn xã A Xan cho biết, mỗi thôn ở A Xan đều phát động để thanh niên tự nguyện xin vào đội tình nguyện tham gia phát đường, làm mương dẫn nước, thanh niên là dân quân tự vệ thì làm nhà gỗ theo 12 con giáp tại khu rừng pơmu để xây dựng thành rừng du lịch sinh thái.
Bí thư Huyện đoàn Tây Giang - Bríu Thị Sen cho biết: “Xác định chủ trương về định hướng xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang, huyện đoàn đã tích cực triển khai và vận động thanh niên đóng góp tài năng, trí tuệ, sức trẻ của mình cho quê hương. Tình nguyện trên tinh thần tự nguyện, tự giác, người dân và thanh niên phải thực sự có ý thức trong cách nghĩ và hành động. Phong trào phải lan tỏa trong thanh niên và mọi tầng lớp nhân dân”. Trước mắt, mỗi thanh niên có nghĩa vụ tham gia đóng góp sức trẻ của mình thời gian 6 tháng để làm nghĩa vụ công ích xây dựng Tây Giang. Trong thời gian này, ngoài lao động công ích còn có thời gian bồi dưỡng học nghề, học văn hóa Cơ Tu,… “Trong thời gian tham gia lao động, thanh niên nào làm tốt, có phẩm chất đạo đức tốt và đủ tiêu chuẩn sẽ được kết nạp Đoàn hoặc kết nạp Đảng ngay trên “công trường”. Sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ, những thanh niên nào muốn tiếp tục lao động, sản xuất ổn định lâu dài, huyện sẽ bố trí công việc phù hợp, tạo điều kiện đất đai cho hộ thanh niên phát triển kinh tế” - chị Sen nói.
VĨNH YÊN