"Khó xử" vì thay đổi đột ngột
Những ngày qua, một số đơn vị, trường học phản ánh đến Báo Quảng Nam việc họ đang rơi vào tình thế khá “khó xử” trước văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT về kỳ thi học sinh giỏi (HSG) lớp 9 toàn tỉnh năm học 2013-2014.
Cụ thể, nhiều năm qua, theo quy định của sở, kỳ thi HSG lớp 9 toàn tỉnh sẽ tổ chức thi 6 môn là Toán, Văn, tiếng Anh, Lý, Hóa, Tin. Từ đầu năm học đến nay, ngoài Công văn 1393 (31.10.2013) về việc mở rộng thêm 3 môn thi nữa là Sinh, Sử, Địa, sở chưa có văn bản hướng dẫn nào liên quan đến kỳ thi. Chính vì vậy, nhiều địa phương vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định như nhiều năm qua: mỗi môn thi huyện đồng bằng, thành phố tập trung từ 8 - 10 HSG, miền núi 4 - 6 HSG để dạy bồi dưỡng, chuẩn bị cho kỳ thi tỉnh. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi mới đây, ngày 11.3.2014, sở ban hành Công văn 240 về việc hướng dẫn tổ chức thi HSG lớp 9 năm học 2013-2014; trong đó nội dung khiến các địa phương “ngã ngửa” là số lượng thí sinh (TS) mỗi môn bị cắt giảm. Thay vì như trước đây quy định khá “mềm” từ 8 - 10 TS/môn đối với các huyện đồng bằng thành phố, lần này sở hạn chế bằng quy định “cứng”: các môn Toán, Văn, Lý, Hóa, tiếng Anh 6 TS/môn, các môn Sinh, Sử, Địa, Tin học 3 TS/môn. Tương tự, đối với các huyện miền núi trước đây là 4 - 6 TS mỗi môn thì nay chỉ còn 4 với các môn Toán, Văn, Lý, Hóa, tiếng Anh, 2 với các môn Sinh, Sử, Địa, Tin học.
Một cán bộ của một phòng GD-ĐT (xin được giấu tên) bức xúc: “Trước đây, theo quy định của sở phải đủ số lượng mới được xếp hạng đồng đội và toàn đoàn nên các địa phương phải cố gắng đưa HSG dự thi cho đủ. Hơn nữa, đây là cơ hội tốt cho các em HSG thể hiện mình nên địa phương luôn tạo điều kiện tối đa cho các em. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là nếu hạn chế số lượng thì sở phải ban hành công văn chỉ đạo sớm để các địa phương chuẩn bị. Đằng này, thời gian dài vừa qua các địa phương tập trung HSG về huyện để bồi dưỡng, tốn kém công sức, tiền bạc của địa phương và cả phụ huynh. Đến nay, khi ngày thi đã cận kề (ngày 8.4 - P.V) thì sở mới có văn bản chỉ đạo buộc lòng chúng tôi phải cho nhiều HSG nghỉ học giữa chừng”. Hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ: “Nhiều em học trò đã khóc, phụ huynh bức xúc còn chúng tôi thật “khó xử”, không biết giải thích ra sao. Với tình hình này, năm sau chúng tôi không dám đưa HSG đi bồi dưỡng nữa vì sợ làm mất niềm tin trong phụ huynh”.
Rõ ràng, những bức xúc của các đơn vị, trường học, phụ huynh và học sinh trước việc hướng dẫn chậm trễ của Sở GD-ĐT là hoàn toàn chính đáng.
XUÂN PHÚ