Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện: Phát huy công tác dân vận

THIÊN LƯƠNG 19/03/2014 13:29

Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) vừa trao giải cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp giải quyết cây cối trong hành lang an toàn lưới điện” (HLATLĐ). Được tổ chức từ tháng 10.2013, cuộc thi nhằm tìm kiếm giải pháp xử lý những vướng mắc về HLATLĐ.

Người dân là lực lượng chủ yếu trong việc phát quang cây cối trong hành lang an toàn lưới điện.  Ảnh: T.L
Người dân là lực lượng chủ yếu trong việc phát quang cây cối trong hành lang an toàn lưới điện. Ảnh: T.L

Nhiều vướng mắc

Toàn tỉnh có trên 370 nghìn hộ dân cùng khoảng 20 nghìn doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được cung ứng điện (chiếm 98,7% dân số). Để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng thì vấn đề bảo vệ HLATLĐ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ý tưởng tổ chức cuộc thi nói trên xuất phát từ thực tế trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lưới điện trên địa bàn tỉnh, nhất là những vướng mắc phát sinh trong quá trình giải tỏa cây cối trong hành lang tuyến. Đến thời điểm này, lưới điện do PC Quảng Nam quản lý vận hành trên 500km đường dây 35kV, khoảng 6.000km đường dây trung, hạ áp và 2.630 trạm biến áp (TBA) phân phối, mà phần lớn đất đai trong và sát HLATLĐ đều được tận dụng triệt để. Vùng đồi núi lưới điện thường băng qua những cánh rừng tự nhiên hoặc người dân trồng rừng áp sát lưới điện; khu vực đồng bằng lưới điện thường len lỏi qua các bụi cây trồng, qua hàng rào nhà dân, qua những khu đất trống, đồi trọc được người dân tận dụng trồng cây lấy gỗ, lấy củi.

Việc người dân trồng cây trong và gần lưới điện chỉ đơn thuần là tận dụng đất, giá trị mang lại không nhiều, song tác hại với lưới điện thì vô cùng lớn. Hằng năm, khi công nhân điện tiến hành kiểm tra phát quang cây cối thì thường gặp sự phản kháng của chủ cây, bắt buộc phải đền bù. Một số nơi, do chủ không cho chặt cây, tỉa cành nên khi cây lớn ngã đổ gây hư hỏng lưới điện. Bản chất của vấn đề HLATLĐ là giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, xã hội; đồng thời phải giải quyết trên cơ sở “lý, tình”. Rất nhiều công trình điện nông thôn được xây dựng trước đây gần như chỉ dựa vào cái “tình”, tức là dựa vào sự đóng góp, cống hiến của người dân về đất đai, cây cối, thậm chí có nơi “cam kết miệng” nếu người dân hiến đất sẽ được sử dụng điện không tốn tiền… Khi thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện, ngành điện nhận về hầu hết công trình vừa xuống cấp vừa không đủ hồ sơ pháp lý. Vì vậy, nhiều vướng mắc về đất đai, cây cối phát sinh sau khi giao nhận lưới điện. Khách quan mà nhìn nhận, khi lưới điện còn thuộc quyền sở hữu của các chủ tài sản ở nông thôn thì việc xâm phạm HLATLĐ rất ít xảy ra, bởi đa số người dân trong vùng có lưới điện đi qua đều hỗ trợ, phối hợp rất tốt để địa phương xử lý, bảo vệ lưới điện. Tuy nhiên, sau khi lưới điện được bàn giao cho PC Quảng Nam quản lý vận hành thì tình trạng vi phạm HLATLĐ phát sinh ngày càng nhiều, trong đó có một số vụ việc dai dẳng, khó giải quyết do một số hộ dân đòi trả đất, đòi bồi thường hoa màu, thậm chí có nơi cản trở quyết liệt khi PC Quảng Nam tiến hành cải tạo, nâng cấp lưới điện.

Vì lợi ích cộng đồng

Trở lại với cuộc thi, các tác giả đoạt giải chủ yếu là công nhân tổ lưới ở các Điện lực - những người đã từng gắn bó với người dân và đã có những bài học “xương máu” trong việc chặt cây, tỉa cành để giữ an toàn cho lưới điện. Kết thúc cuộc thi vào tháng 2.2014, giải nhất, nhì, ba thuộc về các Điện lực Núi Thành, Trà My, Quế Sơn và các Phòng Kỹ thuật - kỹ thuật an toàn, Điều độ, Tài chính. Về cá nhân, Đào Phước Tiệp, Lương Chí Thành (Điện lực Trà My, giải nhất); Nguyễn Đức Ngộ (Điện lực Đông Giang, giải nhì) và Nguyễn Ngọc Quốc (Điện lực Núi Thành, giải ba). Hầu hết giải pháp tham gia cuộc thi đều không dựa vào căn cứ pháp lý, cũng không dùng tiền để đền bù trong các trường hợp mà chủ yếu dựa vào sự phối hợp của chính quyền địa phương (xã, thôn, đội), thông qua họp dân tuyên truyền vận động để có tiếng nói chung; đồng thời đến các hộ là chủ cây để giải thích tác hại của cây cối đối với sự an toàn của lưới điện, và vận động họ xử lý. Khi người dân được nghe giải thích cặn kẽ, và nhất là khi được cán bộ lãnh đạo địa phương và công nhân điện tôn trọng ý kiến giải quyết của họ đối với cây cối thì họ ủng hộ nhiệt tình và cho phép đốn cây vô điều kiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Ngộ - Tổ trưởng tổ hỗn hợp Tây Giang (thuộc Điện lực Đông Giang) cho biết, quan trọng nhất là phải sâu sát với dân, công nhân muốn chặt cây thì phải đến từng hộ vận động, tuyệt đối không tự tiện chặt cây, tỉa cành khi không được phép của chủ cây. Mặt khác phải cùng với chính quyền xã và ban nhân dân thôn tuyên truyền để người dân hiểu mà tự giác giải quyết cây cối trong hành lang tuyến. “Qua nhiều năm tiếp xúc, vận động người dân chặt cây, chúng tôi nhận thấy, đa số các hộ dân không cần tiền đền bù cho một vài cây mà họ cần sự rõ ràng, minh bạch, cần có cách ứng xử tốt. Vì vậy, công nhân điện cần phải đến tận nhà giải thích, bàn bạc cách tiến hành và nghe ý kiến giải quyết của người dân thì họ sẵn sàng hợp tác mà không đòi hỏi gì” – ông Ngộ nói.

Thật ra, giải pháp của các tác giả cũng chỉ là việc đúc kết kinh nghiệm xử lý công việc hằng ngày. Đó cũng chính là việc vận dụng những điều khoản trong Quy chế phối hợp chia sẻ trách nhiệm đã được ký kết giữa lãnh đạo PC Quảng Nam và UBND các huyện, thành phố; giữa lãnh đạo các Điện lực và UBND các xã, phường vào thực tế công việc. Đó là việc kiên trì vận động, thuyết phục, giải quyết có lý, có tình nên nhận được sự đồng tình của nhân dân, góp phần bảo vệ an toàn lưới điện.

THIÊN LƯƠNG

THIÊN LƯƠNG