Danh y gia truyền
Từ những năm 1959 - 1960, tôi đã biết tiếng thầy Đông ở làng Đồng Xuân, Bình Trung, Thăng Bình trong trường hợp ông ngoại tôi bị nạn gãy tay. Thời đó ở các vùng quê Tam Kỳ, Thăng Bình, ai bị gãy xương, bong gân thường đến các thầy thuốc gia truyền như thầy Đông, thầy Lãm ở Bình Trung, thầy Mai ở Kỳ Trung (Tam Tiến, Núi Thành) để chữa chạy. Bẵng đi hơn 40 năm, năm 2002 vợ tôi bị đụng xe phải nằm viện, về có người mách miệng đến khu Nam, phường An Mỹ (Tam Kỳ) lấy thuốc thầy Đông. Còn tôi, trong năm 2013 và đầu năm 2014 bị 2 lần tai nạn, sau khi nằm viện về cũng uống thuốc thầy Đông. Thực ra “thầy Đông” là cái tên chung truyền qua nhiều đời.
Thầy Đông thời ở làng Đồng Xuân cỡ tuổi ông tôi, nay còn thì đã 110 tuổi. Thầy mất từ lâu, nhưng danh tiếng “thầy Đông” được lưu lại theo phương thuốc gia truyền cùng con cháu. Sau khi thầy Đông mất, Hai Đông tiếp nối nghiệp cha. Năm 1996, Hai Đông với danh tiếng “thầy Đông” rời làng Đồng Xuân ở vùng cát Thăng Bình vào định cư tại Tam Kỳ để phát huy rộng hơn cái đức cứu người của dòng họ. Đến nay, Hai Đông đã qua đời, con ông là Thi Sĩ Đức, 43 tuổi - cũng gọi là thầy Đông đang tiếp nối nghề y gia truyền tại khu Nam, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ.
Ngược về cội nguồn, ông tổ nghề thuốc gia truyền “thầy Đông” họ Thi tên Thống, hành nghề y trong các đoàn dân binh đi mở đất về phương Nam rồi định cư tại làng Đồng Xuân hơn trăm năm nay. Đối với Thi Sĩ Đức, ngoài ông thủy tổ Thi Thống, anh chỉ biết được tên ông cố là Thi Cúc, ông nội là Thi Đông, cha là Thi Hồng Anh (Hai Đông).
Nghề y gia truyền của dòng họ Thi - Đồng Xuân chuyên chữa chấn thương xương, gân, cơ. Bài thuốc chỉ lưu truyền trong dòng họ nội. Cha truyền cho con trai, tuyệt đối không truyền cho con gái; vợ có quyền biết bí mật của nghề nhưng không truyền cho dòng họ phía mình.
Thuốc có 3 dạng: thuốc nước, thuốc bột, thuốc hồ keo. Nguyên liệu của thuốc gồm 40 vị, riêng thuốc hồ keo chỉ có 5 vị. Ở các đời trước, có một ít thứ phải tự kiếm, từ đời Hai Đông thì tất cả đều cân ở các tiệm thuốc bắc. Trước đây thầy Hai Đông thường cân thuốc ở hiệu Giáo Mẫn, Quán Gò. Về sau, khi vào Tam Kỳ thì cân ở tiệm thuốc bắc Đỗ Hữu Tâm, Đậu Xuân Cảnh...
Các đời trước, việc pha chế thuốc rất kỳ công, nên mỗi ngày chỉ có thể chế biến đủ dùng cho vài chục ca chấn thương. Trong đó, với thuốc nước, có loại nguyên liệu phải giã thành bột bằng cối đá, chày đá, có loại đem sắc nước rồi đổ trộn lại vào nhau. Sắc thuốc, pha chế thuốc phải theo đúng bài gia truyền từ thành phần, liều lượng, thứ tự pha trộn đến nồi, củi, lượng nước, thời gian của các công đoạn... Thuốc nước phải uống nóng (50 - 60 độ C). Nếu bảo quản ở nhiệt độ lạnh, khi uống phải hâm nóng. Còn thuốc bột, thành phần giống như thuốc nước nhưng tất cả đều giã thành bột, khi uống thì hòa vào nước nóng. Thuốc bột dùng cho người ở xa, tiện lợi vận chuyển. Riêng thuốc dán, có 5 vị, tất cả đem nghiền bột rồi hòa nước, sắc thành hồ keo bôi vào giấy, áp bó vào nơi bị chấn thương... Thuốc dán có vị đắng đặc biệt, nếu lỡ vây vào lưỡi một tí là mửa tới mật xanh mật vàng.
Thời nay đã thay cối giã thuốc bằng máy nghiền bột, có tủ lạnh bảo quản nên có khả năng chế biến thuốc với khối lượng lớn, đủ đáp ứng nhu cầu lượng người trực tiếp đến chữa trị tăng lên rất nhiều. Thứ nữa phải gửi thuốc bột đi xa như Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh..., thậm chí còn gửi đi tận Mỹ và các nước châu Âu, bởi những nơi đó có người gốc Quảng Nam xa xứ biết tiếng thầy Đông.
Trong các mùa xuân, hạ, thu, nhiều thanh thiếu niên bị chấn thương do chơi thể thao, nhà thầy Đông ở trong kiệt nhỏ 105/5 đường Nguyễn Thái học, không có bảng hiệu, nhưng người ra vô liên tục, mỗi ngày bốc hàng mấy chục lít thuốc. Đặc biệt, trong dịp tết, tai nạn giao thông tăng cao, giao thừa cũng có người đến “đạp đất đầu năm” nhờ thầy bó thuốc.
Vào ở Tam Kỳ, vài chục năm nay thầy Đông đã chữa trị cho rất nhiều người gần xa. Trong đó, có những ca nặng tưởng chừng như suốt đời phải nằm một chỗ. Trước đây độ mươi năm, anh Nguyễn Sĩ Duy, nguyên Trưởng phòng Thương binh - xã hội Tam Kỳ bị tai nạn giao thông vỡ hai đốt sống. Tiên lượng suốt đời không đi lại được. Nhà anh Duy gần nhà Hai Đông, thầy đã cho anh Duy uống hết cả mấy canh thuốc nước, bó cả ký thuốc hồ, hướng dẫn tập đi. Cuối cùng anh Duy phục hồi như người bình thường. Chuyện về chữa lành bệnh của thầy Đông thì nhiều vô kể...
Chuyện chữa chạy của thầy Đông cũng thật giản dị, giản dị như người nông dân cuốc đất vậy. Bệnh nhân hoặc người nhà tới, thầy mời ngồi trên một cái ghế nhựa đặt ngay hiên nhà. Nếu là bệnh nhân thì thầy hỏi, coi, sờ sờ, nắn nắn rồi bốc thuốc gồm: Một chai thuốc nước 2 lít, đem về uống 3 ngày; bôi thuốc vào miếng giấy bó chỗ chấn thương, cũng 3 ngày đến thay; dặn dò cách bảo quản và dùng thuốc. Nếu là người nhà thì thầy cũng cho từng ấy thuốc nước và quết một ít thuốc hồ vào túi ni lông nhỏ, hướng dẫn sử dụng chữa trị cho bệnh nhân ở nhà. Thời gian khám và cho thuốc không quá 10 phút đối với một ca bệnh, rất nhanh gọn.
Chuyện tiền nong cũng nhẹ nhàng như đong sét khoai, ang lúa vậy. Mỗi lần lấy thuốc cho ba ngày sử dụng là năm chục nghìn đồng. Chấn thương nhẹ thì dùng thuốc năm mười ngày; gãy chân tay, xương đòn gánh... thì một tháng; quá nặng cũng chỉ hơn hai tháng. Tiền thuốc là tùy nặng nhẹ, thường từ ba đến năm trăm nghìn đồng, quá lắm cũng chỉ hơn một triệu đồng là liền gân liền xương.
Tôi đến nhà thầy Đông để lấy thuốc, thấy nhà thầy quá đơn giản, bữa ăn của vợ con thầy cũng rất đơn giản. Nhiều đời làm thuốc mà đến giờ mới chắt chiu khởi công làm cái nhà kiên cố trong cái kiệt nhỏ. Tôi hỏi Thi Sĩ Đức: “Làm nghề thuốc gia truyền độc đáo như vậy mà cha ông không để lại của cải cho vợ chồng thầy sao?”. Vợ thầy nhanh miệng trả lời thay: “Có để lại chứ. Để lại cái nghề và lời dặn: Làm thuốc cốt để cứu người là trên hết. Dòng họ chồng tôi không bao giờ dám sai lời hứa với cha ông, phải lấy y đức làm đầu”.
PHẠM THÔNG