Hiu hắt bên lòng hồ
Đất sản xuất đã chìm xuống lòng hồ, nhiều người bám trụ lại quê hương xoay xở khó khăn với cuộc mưu sinh. Những nỗ lực giảm nghèo rơi vào bế tắc, khi một thời gian dài vùng đất này bị “bỏ quên”… Trường Thạnh - địa phương được nhiều người biết đến là “vùng lõm” về kết cấu hạ tầng.
“Thung lũng cô đơn”
Khi nhắc đến tên gọi Trường Thạnh (xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành), một số người dân địa phương mà chúng tôi hỏi đường chỉ biết lớ ngớ lắc đầu. Kỳ lạ, cả xã vỏn vẹn có 4 thôn, mà ngay tên gọi hành chính, người ta cũng… thờ ơ. Thế nhưng, khi nói về “thung lũng cô đơn” thì ai cũng rành rẽ. Làng Trường Thạnh với hơn 200 hộ dân nằm sát lòng hồ Phú Ninh, bị kẹp giữa những đồi núi lô nhô, có vẻ giống… thung lũng. Con đường đất đỏ nham nhở dài hơn 7km đã bị băm nát loang lổ. Ở cái nơi “khỉ ho, cò gáy” này, khổ sở nhất là học sinh phải bắt đầu đi học lúc 4 giờ cho ca học buổi sáng và 10 giờ cho buổi chiều. Trong cặp sách của các em còn có thêm đèn pin, thức ăn. Nhễ nhại mồ hôi nghỉ ngơi trên một con dốc, em Nguyễn Tú Sỹ (học sinh lớp 9, Trường THCS Hoàng Diệu – xã Tam Thạnh) cho biết: “Cả làng này ai đi học cũng đều được cha mẹ mua sắm đèn pin. Tụi con đi bộ vào mùa mưa, đi xe đạp vào mùa nắng, nhưng phải mất 2 giờ mới tới trường. Cặp sách con và em gái bao giờ cũng có đèn pin và đồ ăn thức uống mang theo”. Các em học sinh nơi đây cho biết, ở làng cha mẹ chở con đến trường hiếm lắm, vì suốt ngày quần quật lo làm ăn kiếm sống. Nhiều bạn đồng trang lứa, vì nhà nghèo phải nghỉ học sớm. Những đứa trẻ lên ba thì được cha mẹ dắt theo lên rẫy, chiều mới trở về làng nên dù ban ngày nhưng nhiều ngôi nhà then cài cửa đóng im lìm.
Con đường đất dẫn vào làng Trường Thạnh bị băm nát bởi xe cơ giới. |
Vùng đất Tam Thạnh ngày nay được biết đến với rừng cao su Đức Phú trùng điệp, trước đó từng nổi tiếng là những vựa chè, dứa. Nhưng cây cao su chưa bén rễ trên đất Trường Thạnh. Hơn 25 năm trước, rất nhiều người đã hiến đất, nhà cửa, ngậm ngùi ra đi để xây dựng đại công trình thủy lợi Phú Ninh. Mất tư liệu sản xuất, nhiều người đi kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên, di tản lên vùng Trà My. Nhưng cũng có người quyết ở lại, tự khai hoang đất sản xuất. Bao cánh rừng rậm rạp vì thế bị thu hẹp dần để mở rộng diện tích canh tác. Xưa, vùng tây Núi Thành (gồm 3 xã Tam Thạnh – Tam Sơn – Tam Trà) vốn như thành lũy vững chắc cho cán bộ hoạt động, còn bây giờ đã không còn bóng một cây cổ thụ nào. Những ngôi nhà ở làng Trường Thạnh ẩn mình dưới núi, thi thoảng lấp ló bóng người lầm lũi trên các thửa ruộng nhỏ hẹp dưới chân đồi. Ông Hồ Minh Cảnh – Bí thư Chi bộ thôn Trường Thạnh bảo, “thung lũng cô đơn” hàng chục năm vẫn không hề đổi thay, triền miên nỗi quạnh quẽ bên hồ. Thanh niên trai trẻ thì làm thuê tứ phương, đi rẫy, làm thợ sơn tràng. “Sống dựa vào ruộng rẫy, nhưng ít người đầu tư thâm canh cây trồng lắm. Vào mùa cũng như khi thu hoạch, tìm mướn công cũng đâu có dễ vì phần lớn thanh niên trong làng đi làm ăn xa hết. Nuôi con heo, con bò thì bị ép giá, không bán tháo là… đói. Đường sá cách trở, lồi lõm đã vô tình đẩy Trường Thạnh cách biệt với thế giới bên ngoài” – ông Cảnh trăn trở.
Hơn nửa số hộ dân ở thôn Trường Thạnh là hộ nghèo, cận nghèo. TRONG ẢNH: Ngôi nhà tạm bợ của vợ chồng anh Nguyễn Đình Lập. Ảnh: H.P |
Mơ một con đường
“Khó nghèo cứ đeo bám người dân, làm lãnh đạo cơ sở nhưng chẳng góp gì nhiều để thay đổi cuộc sống quê hương, tôi thấy áy náy lắm. Ngay cả chi bộ hàng chục năm nay chưa một lần được công nhận danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh cũng cần suy ngẫm”. (Bí thư Chi bộ thôn Trường Thạnh – ông Hồ Minh Cảnh) |
Thôn Trường Thạnh với hơn 200 hộ dân thì hiện có 116 hộ nghèo, cận nghèo, trong khi toàn xã Tam Thạnh chỉ có 178 hộ nghèo. Cái nghèo không chỉ đến với trường hợp người già neo đơn không nơi nương tựa, đối tượng bệnh tật mà còn có cả thanh niên trong độ tuổi lao động. Đã từng sở hữu 8 con bò, do sa sút làm ăn, Nguyễn Đình Lập (hơn 30 tuổi) đã bán hết lấy tiền trả nợ. Không đất sản xuất, nghề thợ hồ lại bấp bênh, thế là gia đình Lập lâm vào cảnh nghèo. Phần lớn hộ nghèo đều không có, hoặc mất tư liệu sản xuất. Nỗi niềm hơn, nhiều người nghèo vì trắng đất canh tác. Từ ngày những thửa ruộng nà chìm sâu dưới lòng hồ Phú Ninh, bà Dương Thị Liên (60 tuổi) dạt lên núi cao sinh sống. Và cũng từ đó đến nay, năm nào bà Liên cũng mang “thân phận” của người nghèo, bởi mất đất sản xuất, thiếu sức lao động. Chính quyền xác nhận, có rất nhiều trường hợp rơi vào cảnh tương tự như bà Liên.
Khuôn mặt đầy nỗi suy tư, Bí thư Chi bộ Hồ Minh Cảnh nói: “Ấm ức, bực bội chôn mãi trong lòng, tôi thấy thương cho bản thân mình và thiếu trách nhiệm với người dân nữa. Thế là, một ngày cuối năm 2013, đắn đo mãi, cuối cùng tôi quyết gửi đơn thỉnh cầu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, với mong muốn ông sẽ thấu hiểu nỗi khổ của người dân và mong muốn ông chỉ đạo địa phương đầu tư một con đường bê tông đã quên lãng bấy lâu nay”. Tôi hỏi rằng, ở miền núi, đường sá nhiều nơi còn trần ai gấp bội lần vùng này, hà cớ gì ông phải cầu cứu? Vẫn giữ nét mặt thản nhiên, ông nói chậm rãi: “Không, làm bí thư thôn này, mỗi tháng hưởng 900 nghìn đồng của Nhà nước, là đảng viên tôi phải lên tiếng chứ. Tại sao ở các làng khác, thôn khác, đường bê tông vào tận cả rừng sâu. Còn “con đường xương sống” này nhiều năm rồi không được đưa vào kế hoạch đầu tư của xã. Chú biết đó, con đường nắng bụi mưa lầy này đã làm cho làng tôi “ngóc đầu không lên” được”.
Ông Cảnh kể lại, sau khi bức thư đến tay Bí thư Tỉnh ủy, cán bộ lãnh đạo huyện Núi Thành đã về đây kiểm tra, thị sát. Khi ông Trần Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành hỏi cán bộ xã sao không đưa vào danh sách đầu tư sớm, thì được trả lời rằng, “chờ dự án cơ hội”. Lúc đó, ông Tùng nổi nóng: “Mấy anh có biết “dự án cơ hội” là gì không?” “Đời sống cơ cực, chúng tôi sống riết rồi quen. Có điều sao chịu nổi những bất công, người ta đối xử bên trọng bên khinh. Trong khi các thôn khác, đường bê tông tới tận các con hẻm, ngõ làng, còn Trường Thạnh là thôn nghèo nhất xã, vậy mà mơ ước bê tông hóa đường trung tâm cũng xa vời. Năm 2014 này, xã bê tông hóa 1,5km đường giao thông nông thôn, thì Trường Thạnh không thuộc diện ưu tiên” – ông Cảnh than thở. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh Phạm Thanh Bình cho biết, đường về Trường Thạnh đã khảo sát hết rồi, việc đầu tư 3km đường chưa triển khai là do giữa các thôn chưa thống nhất. Còn về “con đường đau khổ” dẫn vào trung tâm thôn Trường Thạnh, ông Bình nói, năm 2012 đã san bằng đất, nhưng hiện khó lưu thông là do xe tải chở keo tàn phá.
Sau nhiều lần kiến nghị, năm 2013, thôn Trường Thạnh (thôn duy nhất của xã Tam Thạnh) được công nhận là thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay nơi đây vẫn là “vùng lõm” về kết cấu hạ tầng, người dân vẫn chưa được hưởng lợi về các nhu cầu tối thiểu như nước sạch, hỗ trợ sản xuất… |
Vì người dân Trường Thạnh nghèo nên địa phương rất khó huy động nguồn lực đóng góp, phát động các phong trào thi đua. Việc phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng gặp trở lực không nhỏ. Theo chính quyền xã Tam Thạnh, việc vận động, tuyên truyền người dân thực hiện đúng Pháp lệnh Dân số tại thôn Trường Thạnh không hề dễ, kể cả cán bộ đảng viên nơi đây cũng vi phạm chính sách dân số. Mục tiêu giảm nghèo bền vững lâu nay đã thất bại hoàn toàn ở nơi này. Ông Cảnh đau đáu, từ khi thành lập Đảng ủy xã Tam Thạnh năm 1989 đến nay đã 25 năm, nhưng Chi bộ thôn chưa một lần nhận danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh. Lý do: địa phương không thể hoàn thành được tiêu chí thoát nghèo hằng năm.
Phóng sự của HỮU PHÚC