Vì sao rừng thông phòng hộ bị đốt phá?
Gần đây, người dân địa phương rất bức xúc trước tình trạng rừng thông ca-ri-bê trong khu vực rừng phòng hộ lòng hồ Phú Ninh bị đốt phá.
Keo “mọc” trên đất rừng
Theo phản ảnh của người dân qua đường dây nóng, chúng tôi có mặt tại các lô của tiểu khu 592 nằm trên lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh (thuộc thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành). Tại hiện trường, một khung cảnh rừng thông già nua rộng hàng chục héc ta đã bị tàn phá ngổn ngang, còn lại những gốc cây đen cháy sém, khói bốc lên nghi ngút. Một người tự giới thiệu tên H. đang đốn củi cháy, thanh minh rằng vạt rừng cháy đen này do ông Tân thuê người đốt để trồng keo. Thấy cây cháy hết rồi nên người dân mới đến mót củi đốt lấy than. Tiến sâu vào rừng hơn 100m, dưới vạt thông ca-ri-bê còn mọc lên những cây keo non mới trồng san sát nhau.
Cây keo non “mọc” trên đất rừng vừa bị đốt. Ảnh: V. HÀO |
Đưa phóng viên “mục sở thị” những khoảnh rừng bị cháy nham nhở, ông Nguyễn Văn Thường - Phó Trưởng Công an xã Tam Xuân 2 kiêm Trưởng ban phòng cháy chữa cháy rừng của xã cho biết, rừng thông này được trồng từ năm 1986. Nếu đối tượng tiếp tục đốt phá rầm rộ như thế này, một ngày không xa, rừng thông phòng hộ sẽ biến mất, thay vào đó là những cây keo không có chức năng phòng hộ mọc lên. Ngoài nguyên nhân đốt phá rừng vô tội vạ để trồng keo, nhiều người còn cố tình đốt kích thích rừng thông để lấy mủ, khiến cây nhanh chết sớm. Theo ông Bùi Văn Sâm - Đội trưởng đội bảo vệ (thuộc Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam), về nguyên lý, cây thông chỉ được cạo một bên sát gốc để lấy mủ, nhưng đằng này họ cạo mỗi cây đến 2 chỗ. Khai thác kiểu này cây thông nhanh khô mủ dễ chết. Ngành lâm nghiệp cho biết thêm, với mật độ rừng thông dày như thế này không được phép trồng xen vào bất cứ loại cây nào. Nếu có trồng thì tán thông che phủ hết tầng trên, keo sẽ không phát triển.
Chỉ khai thác mủ?
Sẽ phối hợp điều tra nguyên nhân cháy rừng Theo Ban Công an xã Tam Xuân 2, từ sau tết đến nay đã xảy ra 2 vụ cháy tại cánh rừng này, cụ thể là vào ngày mùng 5 tết và mới đây là vào tối ngày 2.3. Ông Nguyễn Văn Thường - Phó Trưởng Công an xã Tam Xuân 2 kiêm Trưởng ban phòng cháy chữa cháy rừng của xã cho biết do đang vào mùa khô nên anh em phải mất hàng giờ đồng hồ mới khống chế được các vụ cháy vừa rồi, còn nguyên nhân thì vẫn chưa xác định được. “Cây thông bị cháy sẽ kích thích cho ra nhựa nhiều. Nhưng chỉ một năm sau là loại cây này sẽ chết khô và biến mất, nhất là loại thông ca-ri-bê càng dễ chết hơn. Mặc dù chưa tìm được đối tượng đốt rừng nhưng chúng tôi đang hoài nghi về động cơ đốt rừng này” - ông Thường cho biết. Ông Nguyễn Xuân Phước - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh cho biết, theo thông tin ban đầu, vụ cháy đầu tiên được xác định là do người vào phá rừng đốt than, còn vụ cháy ngày 2.3 được xác định là do cháy từ rừng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam lây lan sang. “Chúng tôi vẫn đang phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng được giao khoán và chính quyền địa phương để điều tra và kiên quyết xử lý. Khi nhận rừng giao khoán, hộ ông Tân đã cam kết xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại chỗ” - ông Phước nói.(VĂN HÀO – MINH KHẢI) |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài diện tích 47ha rừng thông do Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh quản lý, Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam cũng được giao quản lý hàng trăm héc ta rừng có phủ xanh bằng cây thông ca-ri-bê. Ngoài diện tích bị đốt, cũng có nhiều cây thông cổ thụ bị chết khô đứng, hoặc cưa gãy ngang thân. Dưới tàn cây khô là những cây keo non mơn mởn. Cũng theo ông Sâm, thống kê ban đầu ước diện tích rừng thông bị cháy lên đến 20ha. “Khoảng nửa tháng trở lại đây, tình trạng cháy rừng thông liên tiếp diễn ra. Đối tượng lén lút đốt rừng phòng hộ cháy lan sang cả bên rừng do đơn vị quản lý xâm hại 7ha. Tối 2.3, khi nghe tin rừng thông phòng hộ bị cháy, tôi cùng 8 anh em chạy lên dập lửa kịp thời, chứ không thì thiệt hại lớn” – ông Sâm nói.
Theo điều tra chúng tôi, người có tên Tân như bà H. nói đó chính là con trai của một giám đốc doanh nghiệp có trụ sở đóng tại thôn Bích Trung (xã Tam Xuân 1). Cha con ông này nhận khoán lại diện tích rừng trên để khai thác mủ thông. Ông Nguyễn Xuân Phước - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh nói: “Đơn vị có hợp đồng giao khoán với Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân (có trụ sở đóng tại thôn Bích Trung) để chăm sóc, khai thác nhựa thông với diện tích 47ha. Hôm xảy ra cháy rừng, phía công ty có điện báo rằng bên Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam cháy rừng đã cháy lan sang bên lâm phận nhận khai thác mủ. Qua báo cáo sơ bộ, diện tích cháy chưa đến 1ha và chỉ cháy thực bì, không có cây thông nào bị cháy”. Còn đề cập chuyện có hay không việc phá thông trồng keo, ông Phước giải thích: “Không có chuyện đó xảy ra, vì Nhà nước đã giao khoán cho họ lấy nhựa thông đem bán, lợi nhuận thu được bao nhiêu họ hưởng bấy nhiêu nên không có chuyện “giết” thông để trồng keo đâu. Nếu có thì họ chỉ trồng keo ở bìa rừng không có thông, còn trong khu vực có thông không được phép trồng”. Tôi hỏi, vậy tại sao dưới tán rừng thông, cây keo vẫn được trồng, lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh cho biết, sẽ đưa người kiểm tra, nếu có tình trạng trên thì sai phạm đến đâu, đơn vị sẽ xử lý đến đó.
Rõ ràng, qua những gì tận mắt chứng kiến, mức độ đốt phá rừng thông ca-ri-bê tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh là rất phức tạp. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần điều tra, xác định rõ điều gì đằng sau các vụ đốt cháy rừng thông ca-ri-bê tại đây…
TRẦN HỮU