Làng gióng Mỹ Nam

H.YÊN - B.PHƯƠNG 08/03/2014 09:50

Thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc là địa phương nổi tiếng với nghề làm gióng. Một thời những đôi gióng từ mảnh đất này đã đi khắp ngược xuôi, nuôi biết bao thế hệ con em  trong làng...

Lập và giữ bởi dân ngụ cư

Thôn Mỹ Nam với nghề đan gióng được xem là một nghề truyền thống có từ bao đời. Tuổi thơ của rất nhiều thế hệ ở ngôi làng này đã lớn lên cùng sợi mây, đôi gióng, lớn lên cùng câu hát ru: “Cha con đi núi bứt mây/ Cho mưa tan hết... cho ngày nắng lên/ Ầu ơ.../ Nắng lên cha chuyển mây về/ Đêm trăng thắt gióng...”.

Chị Phạm Thị Nga, một trong những người con của làng Mỹ Nam vẫn đang níu giữ nghề làm gióng. Ảnh: Hoàng Yên
Chị Phạm Thị Nga, một trong những người con của làng Mỹ Nam vẫn đang níu giữ nghề làm gióng. Ảnh: Hoàng Yên

Ông Nguyễn Nhạc (84 tuổi) cho biết, làng gióng có từ năm 1802, thời kỳ vua Gia Long lên ngôi. Chỉ nghe ông bà xưa kể lại, phần lớn người dân Mỹ Nam lúc trước đều có nguồn gốc từ làng Thi Lai, Hà Mật (nay thuộc xã Điện Phong, Điện Bàn). Trước đây, do thiên tai kéo dài nên vùng Thi Lai trở thành hoang hóa, đất đai bị sa bồi không trồng được loại cây gì, dân làng đành bỏ xứ ra đi. Khi đến vùng đất mới có tên xứ đất Trà Ly đã có nghề làm gióng song song với làm lúa nước. Chỉ là dân ngụ cư, không có đất sản xuất nên người dân Thi Lai lên núi bứt mây về học nghề làm gióng mưu sinh. Thế là làng gióng hình thành.

“Giờ đây, khi xuất hiện ngày càng nhiều phương tiện, dụng cụ hiện đại thay thế sức lao động của con người, nghề làm gióng của làng không còn thịnh như xưa. Hình ảnh những con người lặn lội với mây gióng cũng lần lượt ra đi theo quy luật của đời người, lớp con cháu dần xa và những người nối nghề cũng thưa dần. Nhưng người đi rồi cũng có người đến, xóm gióng bây giờ vẫn còn có người từ nơi khác đến ngụ cư, hay người về làm dâu rể của làng học và giữ nghề làm gióng. Nhờ vậy, trải qua thời gian, làng gióng cứ thế vẫn tồn tại cho đến hôm nay”.

Ông Nguyễn Nhạc (bên trái) kể chúng tôi về các giai đoạn thịnh suy của làng nghề gióng Mỹ Nam. Ảnh: Bình Phương
Ông Nguyễn Nhạc (bên trái) kể chúng tôi về các giai đoạn thịnh suy của làng nghề gióng Mỹ Nam. Ảnh: Bình Phương

Một thời hưng thịnh

Cách đây khoảng 20 năm về trước, già trẻ, trai gái trong làng ai cũng thông thạo nghề làm gióng. Nghề gióng được xem là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân trong làng. Làm ra đôi gióng thì dễ nhưng giữ được nó sử dụng lâu bền thì nhờ chất lượng cây mây. Ông Nguyễn Đức Gia (60 tuổi) vừa thoăn thoắt đôi tay vuốt sợi mây vừa nói: “Làm gióng, căn bản cần 2 loại mây. Một là mây sợi lớn dùng để làm các tao gióng, tạo nên khung sườn chính (mỗi tao kẹp 2 sợi mây). Thứ hai là loại mây sợi nhỏ hơn, còn được gọi là mây rắc, dùng để cố định phần đầu của gióng, giúp cho đôi gióng gọn gàng, thẩm mỹ hơn. Để có được nguyên liệu làm gióng tốt phải vào tận rừng sâu để bứt, lựa chọn những cây mây chất lượng đạt yêu cầu”.

Ông Gia cho biết, cách đây khoảng 10 năm, khi máy móc hiện đại chưa phổ biến, mỗi khi vào vụ thu hoạch, đa số người dân phải sử dụng đôi quang gánh để chuyển nông sản về nhà, hoặc đưa ra chợ, nên nhu cầu mua gióng của người dân rất cao. Để có gióng bán, người làm gióng Mỹ Nam phải trữ mây từ nhiều tháng trước đó mới có đủ nguyên liệu tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngày ấy, cứ vào vụ là người làng phải thức khuya thắt gióng để đến sáng sớm hôm sau, những người phụ nữ dậy nhóm rơm, hun gióng cho cháy bớt các phần mây xừ không cần thiết, đồng thời làm nổi lên màu sáng bóng của mây rồi cột thành từng chục mang ra chợ. Sản phẩm của làng được đưa đi khắp nơi, từ chợ Phường Đông (Đại Phong) đến các chợ Ái Nghĩa, Quảng Huế, Vĩnh Điện, Hà Lam, Tam Kỳ..., vào tận Quảng Ngãi. “Ngày xưa, đôi gióng là vật dụng cần thiết, gắn bó với người nông dân và đã từng là một phần quan trọng trong sinh hoạt của vùng nông thôn” - ông Gia nói.

Níu nghề

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Nga, người trong làng cho hay: “Ngày trước, khi chuẩn bị thu hoạch lúa, tôi đi quanh làng mua trữ cả trăm đôi gióng để bán vì khi vào vụ giá gióng quá cao, không mua được. Còn bây giờ bán không được nhiều, sức tiêu thụ ít. Tôi là hy vọng đầu ra cho sản phẩm khi thu gom gióng của những người trong làng đưa đi các nơi bán, nhưng cũng phải mua kèm thêm chổi, rổ, đòn gánh... chở đi các chợ bán để bù tiền xăng xe”. Nghề không còn thịnh, nhưng những lúc nông nhàn, nhiều người làng Mỹ Nam vẫn đem mây ra đan gióng vừa kiếm thêm tiền sinh hoạt và cũng là để giữ nghề. Mỗi ngày một người thắt khoảng 100 mây (12 đôi gióng), mỗi đôi bán ra 10.000 đồng, trừ hết chi phí còn lời khoảng 30.000 đồng. Cả làng gióng hơn 60 hộ nay còn khoảng hơn 10 hộ tiếp tục theo nghề truyền thống của cha ông.

Gióng có nhiều loại tương ứng với mỗi loại mây cho ra sản phẩm dùng vào các việc như gánh, xách, treo... Ngày nay, các loại gióng nhỏ dùng để xách, treo được chuyển sang làm vật trang trí trong nhà hay ở các hàng quán phục vụ du lịch nên vẫn  còn phát triển. Gặp chúng tôi ở làng Mỹ Nam, anh Nguyễn Hưng, một người chơi cây cảnh ở Hội An, cho biết: “Tôi đến đây mua những đôi gióng vừa, gióng nhỏ về làm cảnh treo mấy chậu hoa cho quán cà phê nhà mình. Ngoài ra còn mua về bán cho những người có cùng sở thích. Những đôi gióng này còn phục vụ cho du lịch. Nhìn những đôi gióng nho nhỏ xinh xinh như thế này, du khách nước ngoài rất thích và hỏi mua nên tôi cũng kiếm thêm nguồn thu nhập kha khá” - anh Hưng vui vẻ cho hay.

Hình ảnh đôi quang gánh một thời rất quen thuộc với người nông dân, có lẽ rồi cũng sẽ không còn thấy trên đồng ruộng hay những nẻo đường quê. Nhưng còn đó làng nghề truyền thống trải qua bao thế hệ người dân Mỹ Nam vẫn đang gìn giữ.

H.YÊN - B.PHƯƠNG

H.YÊN - B.PHƯƠNG